Quảng cáo 1 đằng thực tế 1 nẻo
Trong 1 bài viết quảng bá cho dự án Carillon 7, có tiêu đề “Những điểm cộng của dự án Carillon 7”, đăng tải giữa tháng 3/2018, có thông tin cho rằng đây là dự án “pháp lý đầy đủ”.
Để củng cố lòng tin vào điều này, bài viết dẫn lời đại diện đơn vị phát triển dự án - TTC Land khẳng định: "Carillon là dòng căn hộ phát triển bởi nhà phát triển bất động sản uy tín TTC Land nên không chỉ đảm bảo chất lượng, tiến độ xây dựng, mà thời gian ra sổ chỉ sau hơn một năm kể từ khi khách nhận nhà".
Ngoài ra, bài viết cũng nêu “theo TTC Land, hiện dự án thứ năm Carillon 7 đã có giấy phép xây dựng ”. Phải chăng việc dự án có giấy phép xây dựng được cho là “pháp lý đầy đủ”?
Câu chuyện trên đã diễn ra hơn 1 năm, khi môi giới quảng cáo đợt mở bán đầu tiên của dự án này. Và hiện tại, khi đợt ra hàng tiếp theo sắp đến, thì câu chuyện môi giới “nổ” “pháp lý đầy đủ”, tại dự án này, lại được lặp đi lặp lại.
Tìm hiểu về pháp lý dự án này, ngày 30/5/2019, đại diện TTC Land cho biết, Carillon 7 đã được UBND TP.HCM ban hành Quyết định phê duyệt giá trị tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, khi hỏi dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất chưa, thì công ty này không có câu trả lời.
Bên cạnh đó, khi đề cập đến việc dự án này đã được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn chưa, thì TTC Land lại né trả lời trực tiếp. Thay vào đó, đơn vị này cho biết, hiện chủ đầu tư ký hợp đồng cọc với khách hàng nhằm mục đích đảm bảo giao kết của khách hàng.
TTC Land cũng viện dẫn thông tin liên quan đến quy định tại Khoản 1 Điều 358 của Bộ Luật dân sự 2015, để cho rằng việc đặt cọc ở dự án Carillon 7 là phù hợp với luật này và không phải là một hình thức huy động vốn.
Như vậy, với 2 câu hỏi còn bỏ ngỏ, pháp lý dự án Carillon 7 vẫn còn nhiều điểm mờ cần làm rõ, chứ không hẳn là “đầy đủ” như quảng cáo từ cách đây hơn 1 năm.
Lách Luật Kinh doanh Bất động sản và hệ lụy
Luật sư Trần Đức Phượng, Giám đốc Công ty Luật Hợp Việt, cho rằng, lý giải của doanh nghiệp về hình thức đặt cọc, có thể đúng với Bộ Luật dân sự, nhưng lại không đúng với Luật Kinh doanh Bất động sản.
Theo đó, tại Điều 55 Luật này, quy định điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh, có nêu: “Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua; trường hợp không đủ điều kiện phải nêu rõ lý do”.
Luật sư Phượng cho rằng, đặt cọc là 1 trong các bước của kinh doanh. Do đó, nếu chưa đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh thì cũng không được đặt cọc.
Như vậy, với phân tích của luật sư này, căn cứ Luật Kinh doanh Bất động sản , nếu chưa có văn bản của Sở Xây dựng xác nhận dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh thì việc đặt cọc là không được phép.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, thời gian qua, nhiều dự án ở TP.HCM, dù đã bàn giao nhà cho cư dân vào ở, nhưng người dân vẫn chưa được ký hợp đồng mua bán căn hộ. Nguyên nhân là do chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất. Một hệ quả khác kéo theo là không biết đến khi nào người dân mới có được giấy chủ quyền nhà ở. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu thông tin đầy đủ trước khi quyết định đặt cọc mua nhà để tránh rủi ro không lường trước.