Theo quyết định kháng nghị được ký chiều 13/2, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị hủy quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND thành phố Hải Phòng và bản án hành chính sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng để giải quyết lại từ đầu.Trước đó, sau khi UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi 19,3ha diện tích nuôi trồng thủy sản, ông Đoàn Văn Vươn đã làm đơn khởi kiện vụ án hành chính tại TAND huyện Tiên Lãng, sau đó, Hội đồng xét xử TAND huyện Tiên Lãng đã tiến hành xét xử sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của ông Vươn.Không đồng tình với bản án sơ thẩm, ông Vươn đã làm đơn kháng cáo lên TAND thành phố Hải Phòng đề nghị xét xử theo thủ tục phúc thẩm vụ kiện. Tuy nhiên, sau đó, ông Vươn đã rút đơn kháng cáo và TAND thành phố đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính này.Trao đổi vớiPV sáng 14/2, Luật sư Nguyễn Đăng Quang, Trưởng Văn Phòng Luật sư Đăng Quang (Hà Nội) cho biết, có 2 trường hợp dẫn đến việc Tòa án Tối cao ra kháng nghị hủy đình chỉ phúc thẩm với một vụ án.
Gia đình ông Vươn phải ở trong ngôi nhà lụp xụp sau vụ cưỡng chế.
Trường hợp thứ nhất, quá trình xét xử của tòa án vi phạm nghiêm trọng thủ tục về xét xử bản án. Trường hợp thứ hai, kết luận của bản án không phù hợp, có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.“Trong trường hợp vụ cưỡng chế đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng (thành phố Hải Phòng), cơ quan tố tụng đã vi phạm cả 2 trường hợp trên và vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng nên việc Tòa án Nhân dân Tối cao ra kháng nghị hủy đình chỉ phúc thẩm là hoàn toàn chính xác”, luật sư Quang cho biết.
Trả lời câu hỏi của PV "ông đánh giá thế nào về việc các cơ quan thực thi pháp luật của Hải Phòng là người cầm cần nảy mực lại ra những quyết định sai về luật", ông Quang cho biết, từ trước đến nay thường thì các vụ khởi kiện của người dân với chính quyền rất ít trường hợp người dân thắng kiện. “Việc bổ nhiệm thẩm phán là do chính quyền địa phương quyết định cho nên dẫn đến việc, Chánh án tòa án phải phụ thuộc vào chính quyền nên không thể đảm bảo quyền lợi của người dân”, luật sư Quang nhấn mạnh.
Theo luật sư Quang, từ vụ việc Tiên Lãng, đã đến lúc ngành tòa án phải cải cách mạnh mẽ công tác tố tụng hình sự.Trong một diễn biến khác, liên quan đến việc triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ với vụ cưỡng chế đầm tôm gây nhiều tranh cải của gia đình ông Vươn, chiều hôm qua (13/2), tại trụ sở UBND xã Vinh Quang, Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã công bố quyết định tạm đình chỉ công tác với hai lãnh đạo xã Vinh Quang là ông Phạm Đăng Hoan - Bí thư đảng ủy và ông Lê Thanh Liêm - Phó bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã Vinh Quang.
Theo đó, Thường vụ Huyện ủy Tiên Lãng đã đọc quyết định tạm đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang đối với ông Phạm Đăng Hoan (nhiệm kỳ 2010-2015) với thời hạn 15 ngày để tiến hành kiểm điểm đối với cá nhân có liên quan vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng.
Huyện ủy Tiên Lãng phân công bà Ngô Thị Hoài - Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Vinh Quang - phụ trách hoạt động của đảng ủy xã trong thời gian ông Phạm Đăng Hoan bị tạm đình chỉ công tác.Thay mặt UBND huyện Tiên Lãng, ông Nguyễn Đăng Định, trưởng phòng nội vụ huyện, đọc quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông ông Lê Thanh Liêm trong thời gian 15 ngày để tiến hành kiểm điểm đối với cá nhân có liên quan vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng.UBND huyện Tiên Lãng giao ông Mai Công Nhìu - Phó chủ tịch UBND xã Vinh Quang - phụ trách, điều hành hoạt động của UBND xã Vinh Quang trong thời gian ông Lê Thanh Liêm bị tạm đình chỉ công tác.
Thay mặt thường vụ Huyện ủy Tiên Lãng, ông Trần Minh Thông - Phó bí thư huyện ủy - yêu cầu ông Phạm Đăng Hoan và ông Lê Thanh Liêm với tinh thần ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, trước đảng bộ và trước nhân dân phải nghiêm túc phê và tự phê, kiểm điểm với tinh thần trung thực, khách quan, cầu thị và tự nhận hình thức kỷ luật theo đúng các quy định của điều lệ Đảng và Nhà nước.
Theo VnMedia.vn