“Phải xử tử dù chưa đủ 18 tuổi”
“Quá tàn độc”, “quá dã man”, “mất nhân tính”, “quá khủng khiếp", bắt được là đem ra xử bắn luôn cho rồi”’ là comment được nhiều bạn đọc gửi đến cho Báo Người Lao Động sau khi đọc tin về vụ thảm sát làm 6 người ở nhà ông Lê Văn Mỹ (ngụ ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) vào ngày 7-7-2015, sáng ngày xảy ra án mạng.
Tại hiện trường, xác một bé trai chết ngoài cổng, 3 người chết ở tầng 1, 2 cô gái chết ở tầng 2, với các vết đâm cắt trên người; không có dấu vết của sự chống trả, phản kháng.
Người duy nhất sống sót là một đứa bé mới 18 tháng tuổi. Sự tàn độc của hung thủ làm bạn Sao Mai căm phẫn:
“Bọn man rợ, con người ngày càng tàn ác hơn mãnh thú, lũ tội phạm này, bắt đươc đem phanh thây cho cá sấu ăn, đừng nhốt tù làm gì cho tốn cơm nhà nước, sống chật đất, nguy hiểm cho xã hội, nếu CA không điều tra ra vụ này, thì dân chúng sẽ hoang mang và mất hết lòng tin”.
Vụ án gây chấn động cả nước vì cách đó vài ngày một vụ thảm sát cũng xảy ra ở một vùng núi hẻo lánh ở Nghệ An chưa tìm ra được thủ phạm thì nay lại xảy ra ở một biệt thự kín cổng cao tường của một đại gia, ngay mặt tiền Quốc lộ 13.
Việc 6 người bị giết dã man càng làm mọi người cảm thấy xã hội quá bất an vì sau khi Lê Văn Luyện giết chết 3 người trong gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Giang để cướp của thì những năm qua liên tiếp xảy ra những vụ giết người vì va chạm xe trên đường, trộm cướp giết người truy đuổi…giữa ban ngày.
Nhiều người đổ lỗi cho những nhà lập pháp không xử tử những người dưới 18 tuổi, phạm tội khi bị tâm thần được miễn trách nhiệm hình sự, gia đình có công với cách mạng được giảm hình phạt…càng làm cho tội phạm gia tăng vì chưa tạo ra được sự công bằng, nghiêm minh trong cách hành luật để có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Điển hình từ vụ xử Lê Văn Luyện. Qua vụ việc này anh Pham duc lam đề xuất: “Với những vụ trọng án, hung thủ quá ác độc nên tiếp tục xử họ bắn tử hình.
Nếu hung thủ chưa đủ 18 tuổi nhưng quá sức tàn ác cũng nên trưng cầu ý dân (trường hợp đặc biệt, ngoại lệ) để tử hình mới mong răn đe được tội phạm”.
Thoại bị án quá nặng?
Ngay từ khi bị bắt, Trần Đình Thoại (SN 1988, ngụ tỉnh Vĩnh Long, tạm trú quận Gò Vấp, TP HCM) đã khai mình bị Nguyễn Hải Dương rủ rê đi cướp tiền của gia đình người yêu lấy lại số tiền nhà này đã nợ Dương, số còn lại sẽ cho Thoại nên y đồng ý.
Đêm 3 rạng sáng 4-7-2015, Thoại chở Dương đi Bình Phước mới biết Dương có ý định giết người nhưng vì đang theo Dương nên Thoại phải tiếp tục đi.
Đêm đó do không có người ra mở cổng nên Dương không hành động được như kế hoạch. Hôm sau, khi được rủ Thoại từ chối với lý do bà nội ốm phải về quê thăm.
Khi được hỏi vì sao biết được ý đồ giết người của Dương mà không báo với công an, Thoại trả lời: “Em thấy Dương nó rất quyết tâm nên nếu em báo thì sợ nó thù và giết cả nhà em”.
Lời thú tội của tên đồng phạm này làm nhiều người thông cảm vì đã có quá nhiều vụ khi bị hại đi báo công an hay can thiệp giúp người đã bị bọn côn đồ quay lại trả thù.
Sự vị kỉ này cũng là điều dễ hiểu khi có quá nhiều vụ việc báo lên công an nhưng công an chưa xuống thì người nhà mình đã bị giang hồ "xử".
Bạn đọc arnold phân tích: “Nếu tên Thoại này báo CA sớm thì sự việc đau lòng chắc đã không xảy ra.
Nhưng nếu chúng ta ở hoàn cảnh của tên Thoại thì ít nhiều cũng có lý do để thông cảm cho hắn. Ai biết điều gì sẽ xảy ra cho hắn và người thân nếu báo CA?
Nhiều vụ việc đã xảy ra khi người dân không nhận được khả năng bảo vệ nhân chứng hiệu quả của lực lượng chức năng”.
Rất nhiều người đã đồng thuận với ý kiến này nên khi Thoại bị tuyên án 16 năm tù về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” nhiều người không bị cuốn vào làn sóng cuồng nộ đã băn khoăn, ray rức.
Bạn Mõ Làng thắc mắc: “Trần Đình Thoại đâu có trực tiếp tham gia mà bị xử tội giết người?”.
Bao nhiêu án tử?
2 án tử và 1 án tù chung thân cho 3 tên hung thủ trong vụ thảm sát ở Bình Phước.
Một lá thư của người mẹ đau khổ gửi xin chủ tịch nước cho con bà thoát án tử mặc làn sóng búa rìu dư luận trút xuống người bà.
Vụ án tưởng chừng đã khép lại nhưng dư âm đau đớn không chỉ còn trong lòng người thân nạn nhân mà nhiều người sẽ vẫn còn nhớ mãi về sau.
Làm sao có thể quên được khi chính ông Lê Đức Xuân, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước cũng thừa nhận là trong đời làm nghề của mình, trong 10 năm ông đã nghiên cứu 12.301 vụ phạm pháp hình sự nhưng "Chưa thấy vụ nào tàn độc như vậy!".
Tòa đã tuyên, chỉ chờ thi hành án nhưng liệu chúng ta đã thấy xã hội đang bình an trở lại, rằng cái xấu sẽ không còn nữa hay vẫn đầy lo lắng về sự tàn ác và ngày càng liều lĩnh, manh động của các hung thủ nhiều hơn?
Vì sao Dương chỉ vì hận tình mà từ gây ra thảm cảnh, tàn sát cả một gia đình và có một kịch bản hẳn hoi?
Vì sao Tiến, Thoại từ một thanh niên chưa có tiền án đã dễ dàng trở thành kẻ cướp, cùng giết người vì tiền và không dám nói không với tội ác?
Thấy gì qua 2 án tử này mà sau đó, vào giữa tháng 1-2016 lại có thêm một vụ giết 2 người tại một biệt thự ở thị xã Cai Lậy, Tiền Giang mà hung thủ ung dung vào nhà nạn nhân dù biết có camera an ninh?
Có quá nhiều câu hỏi được đặt ra, người ta có thể dễ dàng lý giải được nó nhưng để giải quyết triệt để tận gốc cội rễ của vấn đề thì chưa có quyết sách nào được đề ra.
Như anh Huyền Sâm suy gẫm: "Đây là lý do để chúng ta, thay vì xăm soi, bêu rếu chuyện giết người của nước khác hãy để dành thời gian suy ngẫm tìm ra một kế sách nào đó khả dĩ tham mưu cho nhà nước nhằm ngăn chặn tối đa những thảm cảnh như thế này không còn xảy ra".
Vụ án cũng là một hồi chuông báo động về những giá trị đã bị mất đi và đang thay đổi.
Đã có nhiều lời trách móc và mong chờ nhà nước và các cơ quan ban ngành cần có giải pháp bảo vệ cho đời sống người dân, về trách nhiệm và khả năng của cơ quan quản lý xã hội nhưng điều quan trọng hơn hết là nên tự bảo vệ mình bằng cách đoàn kết chống lại cái ác thì mọi người đang ngó lơ, coi đó là chuyện xã hội, không phải là chuyện của bản thân, của gia đình mình.
Albert Einstein đã nói: "Thế giới sẽ không bị hủy hoại bởi những kẻ làm điều ác, mà sẽ bị tàn phá bởi những kẻ thấy điều ác đó mà dửng dưng không làm gì".
Cái ác phải bị trả giá nhưng chúng ta cũng đang phải trả giá khi để cho cái ác tồn tại.
Có người nói rằng 6 người đã chết 2 án tử nọ đã làm 2 bà mẹ chết lần chết mòn và một số khác chết vì niểm tin vào tình người ở xã hội hiện nay, về những giá trị nhân bản đã không còn nữa.
Đó là cái kết của những bản án đã được tuyên, còn những vụ án mà đến nay vẫn chưa tìm ra hung thủ đang xảy ra ngày càng nhiều thì thử hỏi những đau thương, mất mát có đong đếm được?
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP HCM, nếu cho rằng các biện pháp như án tử hình , tù chung thân… có thể ngăn ngừa hành vi phạm tội man rợ, không hẳn đúng.
Bởi lẽ, khi thực hiện hành vi phạm tội thì thủ phạm chưa nghĩ đến hậu quả mà mình sẽ gánh chịu hoặc bất chấp hậu quả vì động cơ, mục đích nào đó như trả thù, chiếm đoạt tài sản hay động cơ đê hèn khác.
Mặt khác, trong quá trình xét xử ở nước ta, tòa án cũng áp dụng hình phạt tử hình khá nhiều đối với loại tội: Giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy… nhưng nó cũng chỉ có tác động phòng ngừa chung trong hạn hữu, chứ không phải biện pháp hữu hiệu trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Chính vì vậy, không phải cứ áp dụng hình phạt nặng nhất hay tăng nặng hình phạt mang tính trừng trị thì việc phòng ngừa tội phạm sẽ có hiệu quả.
Mà ở đây cần loại bỏ nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, trong đó việc lành mạnh hóa môi trường sống, phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội để phát triển tính hướng thiện của con người là biện pháp ngăn chặn tội phạm hữu hiệu nhất.
Đọc tin xã hội mới nhất, xem tin nóng Bình Phước nhanh nhất tại Soha