Bị cáo trong vụ án này là Đỗ Đức Lân (SN 1978, ở quận Đống Đa, Hà Nội, có 2 tiền án chưa được xóa án tích) bị truy tố về tội Giết người.
Hồ sơ vụ án thể hiện: Quách Anh Văn (SN 1982, ở quận Đống Đa, HN) và Đỗ Đức Lân quen nhau khi bị tạm giam số 1 – Công an Hà Nội. Sau khi ra tù, Văn và Lân thường xuyên qua lại với nhau. Khoảng cuối năm 2011, Vân lên khu vực đền Mẫu, Đồng Đăng, Lạng Sơn mua 1 khẩu sung colt quay (kèm 36 viên đạn) với giá 4,5 triệu đồng, 1 khẩu súng săn và một khẩu súng đã cưa nòng, cưa bang (“calip 12” bắn đạn hoa cải) kèm theo 2 viên đạn với giá 2,5 triệu đồng của 1 người không quen biết đem về nhà cất giữ và sử dụng.
Vào tháng 2/2012, Trần Thị Lan (SN 1975, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã chuyển nhượng lại cho chị Phạm Thị Kim Trang (SN 1984, ở quận Đống Đa, Hà Nội) thuê lại khách sạn. Số tiền chị Trang phải đặt cọc trong thương vụ này là 40 triệu đồng. Vụ chuyển nhượng bất thành, nhưng chị Lan chỉ đồng ý trả lại 20 triệu đồng.
Không đồng ý với chị Lan, chị Trang và em trai là Phạm Ngọc Toản (SN 1975) nhiều lần gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa chị Lan. Để giải quyết vụ việc, chị Lan và chồng là Phạm Anh Dũng nhờ em họ là Nguyễn Tuấn Anh đứng ra giải quyết. Nguyễn Tuấn Anh đã nhờ cùng tham gia.
Bị cáo Đỗ Đức Lân đứng nghe tuyên án (Ảnh: Tuấn Nam)
Ngày 8/4/2012, tại nhà nghỉ Sao Mai, Anh Dũng, Tuấn Anh và Anh Văn gặp chị Trang và Phạm Ngọc Toản để thỏa thuận nhưng bất thành.Thấy sự việc không được như ý muốn, Quách Anh Văn nói với Nguyễn Tuấn Anh: “Chuyện này chắc phải nhờ đến anh Lân đứng ra giải quyết”.
Tối 8/4/2012, Tuấn Anh đưa vợ chồng chị Lan đến gặp Đỗ Đức Lân. Tại đây, vợ chồng chị Lan nhờ Lân và Văn đứng ra giải quyết vụ việc. Chị Lan đưa cho Văn 28 triệu đồng để thỏa thuận trả cho chị Trang vì hợp đồng thuê khách sạn bị vỡ. Cầm tiền xong, Văn đã không liên hệ và thỏa thuận với chị Trang.
Hơn 1 tuần sau, vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Đêm 16/4/2012, Nguyễn Tuấn Anh và Phạm Anh Dũng liên lạc với chị Trang và Toản nhưng 2 người này lấy lý do không gặp. Thấy vậy, Tuấn Anh và Anh Dũng đến gặp Lân báo lại sự tình. Nghe xong câu chuyện, Lân điện thoại cho Toản nói giọng đàn anh: “Mày đang ở đâu, mày không ra đây, xấu mặt quân khu Khâm Thiên, đúng 10 phút nữa tao sẽ có mặt”. Đáp lại lời của Lân, Toản thông báo: “Tôi ở 83 Khâm Thiên”.
Lúc này đang ngồi với Lân còn có Anh Văn và Trần Mạnh Linh (bạn của Văn) và một nam thanh niên (chưa xác định danh tính). Dưới sự chỉ đạo của Lân: “Mày về nhà có đồ gì lấy hết đi”. Văn lấy 1 con dao, 1 khẩu súng ra điểm hẹn. Còn Linh, Lân và nam thanh niên mỗi người cầm một con dao đến 83, phố Khâm Thiên.
Về phần Toản, đang ngồi với bạn là Nhân Kỷ Nguyên (SN 1976, quận Tây Hồ). Sau khi nghe Lân đe dọa, Toản cùng Nguyên về nhà lấy hung khí rồi ngồi chờ ở điểm hẹn. Một lúc sau, nhóm của Lân có mặt tại số 83 phố Khâm Thiên. Vừa nhìn thấy Toản và Nguyên, Văn cầm vũ khí xông vào. Con dao bị Nguyên đánh bật xuống đất, Văn liền gương súng lên nhằm thẳng vào Nguyên.
Thấy Văn có súng, Toản và Nguyên bỏ chạy. Văn đã bắn 1 viên vào tay trái của Nguyên khiến anh này bị thương. Sau đó, nhóm của Lân tiếp tục truy đuổi nhưng Toản và Nguyên đã lao vào trong ngõ chạy thoát. Rượt đuổi bất thành, nhóm của Lân lên xe đi về. Tuy nhiên, Văn và Linh đã bị bắt giữ ngày sau đó. Còn Lân thì bỏ trốn.
Đến ngày 17/9/2013, vụ án này đã được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử. Theo đó, Quách Anh Văn bị phạt 21 năm tù giam về tội Giết người, Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; Trần Mạnh Linh bị phạt 12 năm tù giam về tội Giết người; Phạm Ngọc Toản bị phạt 27 tháng tù về tội Gây rối trật tự công cộng và Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Cho đến đầu tháng 1/2014, sau một thời gian lẩn trốn, Đỗ Đức Lân đã bị Công an phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa bắt giữ theo lệnh truy nã. Tại phiên tòa, Lân đã khai toàn bộ sự việc và rằng do coi Văn là “em xã hội” nên khi Văn nhờ Lân đã giúp đỡ. Sau khi nghị án, HĐXX quyết định tuyên phạt Đỗ Đức Lân 17 năm tù về tội Giết người.