Thừa nhận bắt giam cả trẻ con vô tội!
Mặc dù Bộ luật Hình sự quy định bị án là phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được hoãn thi hành án cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi, nhưng nhằm ngày 27 Tết Quý Tỵ (ngày 7.2.2013), Công an quận Hà Đông đã ra quyết định truy nã bị án Quách Thị Nhâm (SN 1982; HKTT tại Lộc Thành, xã An Lạc, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) đang nuôi con nhỏ mới hơn 3 tháng tuổi.
Điều lạ lùng là ngay trong ngày Công an quận Hà Đông ra QĐ truy nã, bị án Quách Thị Nhâm lại “bị bắt nã” bằng… một “giấy mời” đến cơ quan CA làm việc (?!).
Tiếp tục mang đơn kêu cứu đến Văn phòng Tư vấn pháp luật - Bạn đọc Báo Lao Động, anh Nguyễn Văn Linh -bố cháu Ngọc Hà- cho biết: “Sau khi bị bắt giam, vợ tôi do hoảng loạn đã mất sữa, con gái tôi bị ốm. Hiện hai mẹ con cháu đang được điều trị tại bệnh xá Trại tạm giam số 1- Công an TP. Hà Nội”. Anh Linh cũng cho biết: “Ngày 8.3, bố vợ tôi ở trên quê điện thoại về báo có Công an Hà Đông về làm giấy khai sinh cho con tôi”.
Trước việc làm bất thường này của Công an quận Hà Đông, PV Báo Lao Động đã đến UBND xã An Lạc, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình (quê chị Quách Thị Nhâm) để tìm hiểu sự việc. Chị Bùi Thị Điển - cán bộ hộ tịch xã An Lạc xác nhận với PV có hai anh công an quận Hà Đông đến khai sinh cho cháu bé con chị Nhâm.
Theo hồ sơ còn lưu lại tại UBND xã An Lạc, “người được ủy quyền” đến khai sinh cho cháu Ngọc Hà là ông Nguyễn Đức Nghĩa - cán bộ công an quận Hà Đông (giấy giới thiệu số 09 không đề ngày-tháng-năm do thượng tá Nguyễn Duy Hùng – Phó Trưởng Công an quận Hà Đông - ký và có nội dung: “Được cử đến UBND xã An Lạc để liên hệ công tác”). Trong khi đó, giấy ủy quyền của chị Quách Thị Nhâm ký ngày 1.3.2013 (có đóng dấu của Trại giam số 1 CA TP.Hà Nội xác nhận) chỉ “ủy quyền cho CA quận Hà Đông” chứ không thấy “ủy quyền cho ông Nguyễn Đức Nghĩa” (?!)
Kèm theo giấy giới thiệu của ông Nghĩa là một CV (không số) cũng do thượng tá Hùng ký đề ngày 3.3.2013, gửi UBND xã An Lạc với nội dung: “Khi bị bắt Quách Thị Nhâm có mang theo một cháu nhỏ, theo đối tượng Nhâm khai đây là con đẻ của Quách thị Nhâm (có giấy chứng sinh ngày 28.10.2012) của Bệnh viện Bưu điện, chưa có giấy khai sinh của cháu bé)…
Vậy để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cháu nhỏ, CA quận Hà Đông đề nghị UBND xã An Lạc tạo điều kiện cấp giấy khai sinh cho con bị án Quách Thị Nhâm theo đúng quy định của pháp luật và theo ủy quyền của Quách Thị Nhâm”. Như vậy, bằng nội dung CV ngày 3.3.2013, CA quận Hà Đông đã thừa nhận bắt giam cả cháu bé vô tội con của bị án Quách Thị Nhâm.
Xâm phạm quyền của cháu bé
Điều đặc biệt là giấy chứng sinh của cháu bé được ông Nguyễn Đức Nghĩa mang theo lại là giấy “cấp lại”. So sánh với giấy chứng sinh (bản photocopy) do anh Nguyễn Văn Linh lưu giữ với giấy chứng sinh “cấp lại” thì thấy “nơi thường trú, tạm trú” của cháu bé hoàn toàn khác nhau - từ “Vạn Thái, Ứng Hòa, Hà Nội” (quê anh Linh) nay chuyển thành “Lộc Thành, An Lạc, Lạc Thủy, Hòa Bình” (quê chị Nhâm). Số vào sổ cũng hoàn toàn khác nhau; người đỡ đẻ từ “Đào Thị Thúy” được chuyển thành “bác sĩ Phú” (bác sĩ Đỗ Gia Phú - thủ trưởng cơ quan y tế, cũng là người đã ký tên đóng dấu cả hai giấy chứng sinh con chị Quách Thị Nhâm) (?!).
Ông Quách Ngọc Hưng (người dân tộc Mường) - bố đẻ chị Nhâm - cho biết: “Hôm mùng 8.3, bên Ủy ban xã có gọi điện bảo tôi mang hộ khẩu ra để các anh CA quận Hà Đông làm khai sinh cho cháu. Tôi bảo, tôi không mang ra. Cháu ngoại tôi có bố. Ai đẻ ra nó thì người đó đi khai sinh, tôi không khiến mấy ông công an đi khai sinh cho cháu tôi”. Ông Hưng cũng cho biết thêm, vợ chồng con gái ông đã lấy nhau được hơn hai năm: “Nhiều lần tôi giục con rể đi đăng ký kết hôn nhưng do chúng nó kêu bận làm ăn, khi nào sinh con sẽ đăng ký một thể”.
Khi biết con gái mình đã được Công an quận Hà Đông khai sinh dưới cái tên “Quách Ngọc Hà”, anh Linh thở dài: “Vợ chồng tôi đã thống nhất đặt tên con là Nguyễn Quách Ngọc Hà. Tôi định khi nào đi khai sinh cho cháu sẽ làm thủ tục cha nhận con luôn.
Vậy mà họ đã lừa tôi, họ mượn giấy chứng sinh của con tôi, bảo để làm thủ tục thả cháu ra, nay họ lại tước quyền làm cha của tôi, tước cả quyền của con tôi được nhận cha. Không những thế, họ còn tước cả quyền của tôi được thăm nuôi và kêu oan cho cháu”.
Khi PV hỏi: “Anh có biết tại sao Công quận Hà Đông “nhiệt tình” với cháu bé như vậy không?”. Anh Linh nói : “Tôi cũng không rõ động cơ của họ, nhưng các cán bộ trại tạm giam có nói nếu muốn chuyển vợ con tôi lên trại giam của bộ thì phải có giấy tờ cho cháu” (?!).
- “Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch (trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký việc nuôi con nuôi, đăng ký giám hộ, đăng ký việc nhận cha, mẹ, con) hoặc yêu cầu cấp các giấy tờ về hộ tịch mà không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch, thì có thể uỷ quyền cho người khác làm thay. Việc uỷ quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ. Nếu người được uỷ quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người uỷ quyền, thì không cần phải có văn bản uỷ quyền”. (Điều 10 ủy quyền - Nghị định 158/2005/NĐ-CP, ngày 27.12.2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch)
- “Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha thì phần ghi về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh” (khoản 3, điều 15 thủ tục đăng ký khai sinh - Nghị định 158/2005/NĐ-CP, ngày 27.12.2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch).