Vụ án Huỳnh Văn Nén: Giải thoát và đè nặng

P.V |

Cụ Huỳnh Văn Truyện, ông Huỳnh Văn Nén, bà Ngân, bà Cẩm…đều đã được giải thoát khỏi những nỗi niềm oan khiên, bi phẫn. Nhưng nhìn lại những ngày dài trong u tối của gia đình này, tôi muốn hỏi những người đã gây oan trái, có cảm thấy lương tâm đang đè nặng lên họ hay không?

Bốn giờ sáng ngày 29/11, buổi sáng đầu tiên được hoàn toàn tự do của công dân Huỳnh Văn Nén, ông dậy phụ vợ dọn hàng hủ tiếu, mang ra cạnh chợ Tân Minh (thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) bán.

So với một tháng trước, khi được tại ngoại để chữa mắt, ông Nén hoạt bát, tự tin hơn hẳn.

Ngày 5/11, ông đã được Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh mổ cườm mắt phải, kết quả rất tốt.

“Tôi đã chính thức được quyền công dân như mọi người, đi đâu tùy thích không phải khai báo, mắt tôi đã sáng lại, trong lòng tôi không còn mặc cảm nữa, không vui sao được”, ông Nén nói.

Trước kia, bà Nguyễn Thị Cẩm, vợ ông Nén bán hủ tiếu và bánh canh trong chợ Tân Minh, gần khu bán cá, ít khách ăn.

Khoảng 4 tháng nay, bà Út ở khu phố 2 thị trấn Tân Minh cho bà Cẩm bán bánh canh trước nhà, lại dành cả một khoảng sân cho bà Cẩm kê mấy bàn cho khách ăn, không lấy tiền thuê.

“Hoàn cảnh nhà người ta còn nghèo túng lắm, mình không giúp được gì nhiều, nỡ lòng nào lấy tiền”, bà Út nói.

Hơn bảy giờ sáng, bà Huỳnh Kim Ngân, chị ruột ông Nén dẫn con dâu và hai cháu nội đến ăn hủ tiếu ở quán bà Cẩm.

Rồi mẹ đẻ bà Cẩm là bà Năm Gấm, em ruột bà Cẩm là Nguyễn Thị Tiến và cháu ruột bà Cẩm là Trần Thanh An cùng đến ăn và trò chuyện vui vẻ với bà Ngân. Họ đều là những người chịu án tù oan trong vụ án vườn điều.

Thấy bà Ngân vui vẻ trò chuyện với họ, tôi nhớ đến cảnh bà thu mình ngồi một góc ở những phiên tòa vụ án vườn điều, mươi năm trước.

Trong nét mặt, ánh mắt của bà Ngân khi đó, có nỗi buồn, có bóng tối của sự tủi hổ, có nỗi đau khó chia sẻ được với ai.

Ông Nén, em trai bà đang thụ án tù chung thân vụ bà Lê Thị Bông bị giết, lại là bị cáo trong phiên tòa vụ án vườn điều, nhưng cũng chính là người đã có lời khai rằng các bị cáo khác đã cùng giết bà Dương Thị Mỹ.

“Chị của kẻ đã giết bà Lê Thị Bông, chị của kẻ đã khai rằng vợ mình và những người thân của vợ đã giết bà Dương Thị Mỹ”, bà Ngân bị hầu hết những người dự tòa, ở cả hai phía xa lánh.

Sau này, nhiều người mới biết rằng, chính vợ chồng bà đã góp phần rất lớn, cả về tinh thần, công sức và tiền của để đi kêu oan, giải oan cho ông Huỳnh Văn Nén và các bị can khác trong vụ án vườn điều.

Tám giờ sáng, sau một đêm hành trình từ quê nhà là xã Thới Bình (Thới Bình, Cà Mau), cụ Huỳnh Văn Truyện, cha ông Huỳnh Văn Nén ra tới Tân Minh.

Ngồi trò chuyện với con cháu, cụ Truyện vui hết cỡ, cười phô hàm răng chỉ còn  vài chiếc, nụ cười mãn nguyện của người cha.

Hơn 17 năm kiên trì, quyết liệt đi kêu oan cho con, nay đã có kết quả tốt đẹp, còn niềm vui nào lớn hơn đối với cụ già đã sắp sang tuổi 91.

Cụ Truyện, ông Nén, bà Ngân, bà Cẩm… đều đã được giải thoát khỏi những ưu tư, khắc khoải, những nỗi niềm oan khiên, bi phẫn.

Ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, người tự nguyện mang gánh nặng đi tìm công lý cho những người dân cũng đã nở nụ cười tươi khi tâm nguyện của ông thành hiện thực.

Nhưng nhìn lại những ngày dài trong u tối của ông Nén, của vợ con ông, của các bị can trong vụ án vườn điều, tôi muốn hỏi những người gây oan trái, có cảm thấy lương tâm đang đè nặng lên họ hay không?

Thấy bà Ngân (chị ruột ông Nén) vui vẻ trò chuyện với họ, tôi nhớ đến cảnh bà thu mình ngồi một góc ở những phiên tòa vụ án vườn điều, mươi năm trước. Trong nét mặt, ánh mắt của bà Ngân khi đó, có nỗi buồn, có bóng tối của sự tủi hổ, có nỗi đau khó chia sẻ được với ai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại