Điều trớ trêu trong vụ án này là bị án đã được đặc xá trở về với gia đình nhưng khi tòa xét xử phúc thẩm, bị án này vẫn phải hầu tòa và có nguy cơ phải “nhập trại” trở lại. Lý do bởi bản án phúc thẩm bị kháng nghị.
Xét xử lại bị án... đã được đặc xá(!)
Theo quy định của pháp luật, việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên trường hợp vụ án Đỗ Minh Toàn dưới đây được nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, việc kháng nghị của VKSND Tối cao là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi thực hiện lại... “có vấn đề”.
Trở lại vụ án Đỗ Minh Toàn cách đây bốn năm, theo đó, Đỗ Minh Toàn (23 tuổi, ở xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) và 15 đồng phạm phạm tội gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích. Ngày 17/12/2010, vụ án được TAND thị xã Sơn Tây đưa ra xét xử sơ thẩm. Tòa tuyên phạt Đỗ Minh Toàn 54 tháng tù, Đỗ Ngọc Anh 66 tháng tù, Khuất Văn Tuấn 24 tháng tù. Ngày 22/3/2011, TAND TP. Hà Nội xử phúc thẩm, giảm án cho Đỗ Minh Toàn từ 54 tháng tù xuống còn 42 tháng tù, Đỗ Ngọc Anh (25 tuổi) được giảm từ 66 tháng tù xuống còn 51 tháng tù, Khuất Văn Tuấn (23 tuổi) được giảm từ 24 tháng tù xuống còn 9 tháng tù cho hưởng án treo, thời hạn thử thách 18 tháng.
Ngày 30/11/2011, Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm, đề nghị TAND Tối cao hủy bản án phúc thẩm này. Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 08/2013/HS-GĐT ngày 09/4/2013, TAND Tối cao chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao huỷ bản án phúc thẩm vì đã giảm hình phạt cho các bị cáo không có căn cứ.
Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi án phúc thẩm có hiệu lực, các bị cáo đã phải thụ án. Ngày 30/8/2013, Đỗ Minh Toàn đã được đặc xá theo quyết định của Chủ tịch nước; các bị án Đỗ Ngọc Anh và Khuất Văn Tuấn đã chấp hành xong hình phạt tù.
Đến ngày 25/9/2013, TAND TP. Hà Nội mở phiên toà phúc thẩm và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm ngày 17/12/2010 của TAND thị xã Sơn Tây. Điều đó có nghĩa là Đỗ Minh Toàn, Đỗ Ngọc Anh và Khuất Văn Tuấn tiếp tục bị bắt đi thi hành án hình phạt tù còn thiếu. Điều đáng nói là TAND TP.Hà Nội biết rõ Đỗ Minh Toàn đã được đặc xá nhưng vẫn đưa ra xét xử. Theo quan điểm của một cán bộ có trách nhiệm của VKSND Tối cao thì bản án phúc thẩm này đang được xem xét để ra quyết định kháng nghị vì việc xét xử phúc thẩm và bắt giam tiếp đối với Đỗ Minh Toàn là không đúng quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi dư luận lên tiếng, nên ngày 4/4/2014, vụ Kiểm sát giam giữ cải tạo (VKSND Tối cao) ra quyết định trả tự do cho anh Đỗ Minh Toàn, hai bị cáo còn lại là Khuất Văn Tuấn và Đỗ Ngọc Anh hiện vẫn đang phải chấp hành án.
Ngày 15/4/2014, PV đã có cuộc trao đổi với thẩm phán Nguyễn Bích Ngân, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm vụ án Đỗ Minh Toàn. Thẩm phán Ngân cho biết: “Việc VKSND Tối cao ra kháng nghị là có căn cứ, tuy nhiên sau khi có kháng nghị thì quyết định phải được tống đạt đến các bị án và cán bộ trại giam, cụ thể là cán bộ trại giam Ninh Bình, nơi các bị án đang thụ án. Do đó khi bản án phúc thẩm lần một bị hủy, tôi được giao làm chủ tọa phiên tòa phúc thẩm lần hai. Trong quá trình xét xử, bị cáo Đỗ Minh Toàn cũng đã trình quyết định đặc xá của mình cho HĐXX xem xét. HĐXX đã chấp nhận trừ phần thời gian mà bị cáo đã thụ án tại trại giam, phần thời gian còn lại, các bị cáo vẫn phải chấp hành đủ theo đúng quyết định của bản án phúc thẩm. Chúng tôi đã xét xử theo đúng tinh thần của quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao”.
Do quyết định kháng nghị bị ngâm quá lâu?
Theo Điều 283 Bộ luật Tố tụng Hình sự, phiên họp giám đốc thẩm phải được tiến hành trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị. Trong vụ án anh Đỗ Minh Toàn, quyết định kháng nghị ra ngày 30/11/2011 nhưng hơn 15 tháng sau, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao mới tiến hành họp giám đốc thẩm.
Theo luật sư, Lê Việt Cường, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định rất cụ thể và chặt chẽ về trình tự, thủ tục xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật, nếu cơ quan tiến hành tố tụng tuân thủ nghiêm túc những quy định này thì sẽ không xảy ra tình trạng “phạm một tội, hai lần tù”. Theo quy định, thời gian kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng bất lợi cho bị cáo không quá một năm. Như vậy, chiếu theo quy định của pháp luật thì cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm Điều 107, Điều 108 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Trong trường hợp này không hiểu vì lý do gì mà quyết định kháng nghị không đến tay những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Do đó, cán bộ trại giam nhận thấy phạm nhân Đỗ Minh Toàn cải tạo tốt nên đã đề nghị xét đặc xá cho phạm nhân này. “Việc làm này của cán bộ trại giam là đúng theo quy định”, luật sư Cường nhấn mạnh.
LS. Nguyễn Khánh Toàn.
Luật sư Nguyễn Khánh Toàn, đoàn Luật sư Hà Nội cho hay: “Theo quy định của pháp luật và trình tự thủ tục tố tụng, khi có kháng nghị, bản kháng nghị phải được chuyển đến trại giam, tống đạt tận tay cho các bị án. Trong trường hợp bản án có kháng nghị, chắc chắn trại giam nơi các bị án đang thụ án nói trên sẽ không xét đặc xá cho các bị án đó”.
“Theo quan điểm của cá nhân tôi, khi Chủ tịch nước đã ký quyết định đặc xá cho bị án thì các cơ quan tiến hành tố tụng không nên xét xử lại nữa, nên để cuộc sống của họ được ổn định vì thiếu sót này thuộc cơ quan tiến hành tố tụng, không phải lỗi của các bị án”, luật sư Toàn nhấn mạnh.
VKSND Tối cao ra thông báo về việc giải quyết vụ việc
Được biết, sau khi một số tờ báo đăng tải về vụ việc hi hữu trên, ngày 11/4/2014, VKSND Tối cao ra thông báo số 180/TB- VKSNDTC-VP yêu cầu vụ 3, vụ 4 VKSND Tối cao và VKSND TP.Hà Nội kiểm tra vụ việc trên, báo cáo đồng chí Viện trưởng và lãnh đạo VKSND Tối cao phụ trách, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND Tối cao để theo dõi.
Điều 107 –BLTTHS
Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
1. Không có sự việc phạm tội;
2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đặc xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.