Vén màn “ảo thuật” của tên tội phạm điều hành đường dây ma túy từ… trại tạm giam

Hoa Đỗ |

Trả lời tòa, Trang tỏ thái độ lạnh lùng, phủ nhận nhiều tình tiết mà đại diện VKSND TP Hà Nội cáo buộc…

Thua bạc, đi buôn… “hàng trắng”!

Ít tuổi nhưng Dương Ngọc Trang, SN 1985, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, khá lì lợm. Anh ta “ghi số” với 4 tiền án về các tội: “Trộm cắp tài sản”, “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Đáng chú ý, khi bản án về tội ma túy chưa ráo mực, Trang chưa kịp trả án lại tiếp tục dính vào vụ án này.

Đó là khoảng 4g ngày 25-5-2013, tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, CA quận Hoàng Mai, bắt quả tang Trang và Dương Văn Tiến, SN 1988, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội; xế taxi, đi xe ô tô, trong xe có 344,77g heroin.

Ban đầu, Trang thừa nhận, tối 24-5-2013, đã thuê Tiến chở từ thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, đến xã Loóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, để mua của một người phụ nữ dân tộc H’ Mông 1 bánh heroin, giá 110 triệu đồng.

Anh ta không biết mặt (khi giao hàng, chị ta bịt mặt), không biết tên và địa chỉ cụ thể của người đàn bà này. Sáng 25-5-2013, khi hai người mang hàng về đến ngã tư Xuân Mai, Hà Nội, thì bị bắt giữ.

Đây là lần thứ 4 Trang thuê Tiến lái xe đi Mộc Châu đánh “hàng trắng”. Trước đó, vào các ngày 11, 13, 18-5-2013, Trang mua 3 bánh, bán lãi 15-20 triệu đồng/bánh. Trang cũng khẳng định, Tiến biết việc Trang mua ma túy về bán kiếm lời.

Đồng hành cùng “đầu tròm” này, Tiến được trả công 2,5 triệu đồng/chuyến. Trong đó, Tiến có lần gọi điện thoại cho người phụ nữ H’Mông và trả tiền giúp Trang.

Sau đó, Trang, Tiến thay đổi lời khai. Trang nhận, từng 4 lần lên Mộc Châu và chỉ 1 lần mua được 1 bánh heroin.

Theo đó, ngày 24-5-2013, người phụ nữ H’Mông giao cho Trang 1 bánh heroin và nói: “Chỉ có heroin loại 135 triệu đồng/bánh” và chị ta nợ lại 35 triệu đồng. Ngày 25-5-2013, Trang và Tiến đến thị trấn Xuân Mai thì bị bắt quả tang.

Giúp việc cho Trang còn có Nguyễn Đình Hào, SN 1985, trú tại thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Hào bị phát hiện khi chiều 20-9-2013, tại thị trấn Xuân Mai, Hà Nội, bị cáo bị CA quận Cầu Giấy, Hà Nội bắt giữ, thu giữ 1 bánh chất bột màu trắng.

Tại CQĐT, Hào khai, bánh heroin này do Trang gọi điện thoại từ trong Trại tạm giam số 3, CA Hà Nội, thuê Hào vận chuyển đến huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Hào được hứa trả 6 triệu đồng. Vì đang nợ tiền vợ chồng Trang nên Hào đồng ý.

Khoảng 10g ngày 20-9-2013, được Trang “phím”, Hào bắt xe khách đi Hòa Bình. Trên đường, Trang nhiều lần liên lạc với Hào. Trang còn cho Hào số điện thoại của một phụ nữ. Người này đã liên lạc, hẹn Hào ra Cầu Trắng, Hòa Bình, nhận hàng.

Đến điểm hẹn, chị ta chỉ vào túi nilon màu xanh để bên đường rồi bỏ đi. Hào nhặt túi, trong có 1 bánh heroin mang lên taxi về Hà Nội. Nghe lời Trang, Hào định chuyển từ xe taxi sang xe khách thì bị CQCA bắt giữ.

Trang nói, anh ta chơi cờ bạc, thua lỗ nên tính đi buôn “hàng trắng” để mang về bán lẻ.

Các bị cáo chờ tòa nghị án.    Ảnh: Hoa Đỗ

Bị tạm giam vẫn gọi điện thoại hơn 1.000 cuộc?

Trang khai, thời gian bị tạm giam, anh ta đã giấu cán bộ mang vào 1 ĐTDĐ 2 sim.

Ngày 11-8 đến 20-9-2013, đang bị tạm giam, Trang nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho chị Nguyễn Thị Tâm, vợ Trang; ông Dương Văn Cường, chú họ và Hào để chỉ đạo “tay chân” vận chuyển heroin đến xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn.

Trang cung cấp số điện thoại của người phụ nữ H’Mông, người giao hàng cho Hào và dặn, khi nào giao hàng sẽ có người ra nhận.

Trong ngày 20-9-2013, Trang liên lạc, chỉ đạo Hào nhận hàng và thường sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh hòng tránh bị phát hiện. Để duy trì điện thoại trong buồng giam, Trang sử dụng 4 cục pin tiểu xếp nối tiếp rồi dùng đoạn dây đồng nối vào hai đầu sạc.

Những dụng cụ này do thợ điện tại trại tạm giam vứt bỏ. Khi nghĩ Hào bị bắt, Trang đã hủy điện thoại và sim.

Về nguồn gốc chiếc ĐTDĐ và sim mà Trang sử dụng, các can phạm bị tạm giam cùng buồng cho hay, khoảng ngày 11-8-2013, Trang câu móc điện thoại, sim, sạc, pin, đồ ăn từ bên ngoài vào buồng giam qua lỗ đục tường tại góc phòng – nơi dùng lắp đèn chiếu sáng.

CQĐT làm rõ, các can phạm này không biết việc Trang sử dụng điện thoại. Vợ và người chú họ của Trang thừa nhận, Trang có liên lạc nhưng không nhắc gì đến việc buôn ma túy.

Như lời vị đại diện VKSND TP Hà Nội, Trang đã gọi hơn 1.000 cuộc điện thoại liên lạc từ trại giam. Có tình trạng này là do công tác quản lý của cán bộ trại tạm giam không sát sao.

Các bị cáo chối quanh!

Trả lời những câu hỏi của HĐXX, Hào nhận tội và nói rằng, bị cáo và Trang chơi cùng nhau và có nợ nần vợ chồng Trang. Số tiền vay ấy, Hào mở cửa hàng cầm đồ. Cũng vì quãng thời gian đi lại với nhau, lại được hứa trả công hậu hĩnh nên Hào nhận lời giúp.

“Bị cáo có biết thuê vận chuyển ma túy, tội nặng không?”, HĐXX hỏi, Hào bao biện rằng, do thiếu hiểu biết pháp luật và cả nể nên đã nhắm mắt làm liều.

Hào thừa nhận những chi tiết trong cáo trạng, rằng, Trang đã gọi điện bảo Hào đến Cầu Trắng, Hòa Bình, nhận heroin của một người phụ nữ rồi mang về Sóc Sơn cho Trang. Trang có cho số điện thoại của người đàn bà này và bị cáo tự liên hệ.

Hào nói, mình chỉ nhận hàng mà không giao tiền; hàng được để trong gói nilon để bên vệ đường. Lịch trình đến điểm hẹn do Trang hướng dẫn qua điện thoại.

Còn Trang, anh ta chỉ thừa nhận 1 lần mua heroin và phủ nhận các chuyến hàng còn lại. Dù vậy, anh ta không thắc mắc gì về lượng ma túy mà cơ quan chức năng giám định. Trang khai quanh quẩn khiến đại diện VKSND TP Hà Nội không hài lòng.

Vị này nói, bị cáo nại ra nhiều tình tiết nhưng lại mâu thuẫn. Nghiêm trọng hơn là khi bị tạm giam còn ngoan cố, vẫn dùng điện thoại để điều hành Hào, tiếp tục chuyến buôn dang dở của mình.

Bị cáo buộc với vai trò đồng phạm, Tiến “chối cãi”, phủ nhận những lời khai trong giai đoạn điều tra. Bị cáo nói, khi Trang bắt xe đi Mộc Châu, bị cáo vẫn nhận bình thường và báo cáo lại với Cty. Lịch trình đi với Trang, Cty đều biết.

Trên đường, bị cáo không hỏi Trang mục đích của chuyến đi. Có một lần, về đến đoạn cánh đồng trồng mía, Tiến có hỏi: “Anh đi làm gì?” thì Trang nói, anh đi buôn hàng để lấy tiền trả nợ.

Chỉ đến khi bị bắt quả tang, được thông báo là trên xe có ma túy thì bị cáo mới “ngã ngửa”. “Nếu biết anh Trang buôn ma túy thì bị cáo đã không nhận lời chở đi Mộc Châu. Bị cáo có lỗi là đã không đề phòng anh Trang” – Tiến cất giọng kêu oan với tòa.

Đối chất với lời khai của Tiến, ban đầu Trang khai với tòa là Tiến biết anh ta đi mua heroin, sau thì khai rằng, không nói đến mục đích đi Mộc Châu với Tiến; lúc đưa túi nilon cho Tiến thì chắc Tiến biết là tiền vì túi rách; lúc nhận lại túi nilon heroin, Tiến không biết.

Bào chữa cho bị cáo Tiến, vị luật sư cho rằng, Tiến không hay biết Trang buôn ma túy. Anh ta chỉ là người chở Trang như một vị khách thông thường. Là lái xe, Tiến cũng như những tài xế khác, chỉ có thể hỏi đích đến mà không có quyền hỏi về mục đích chuyến đi của khách. Do đó, không đủ cơ sở để buộc tội Tiến tham gia cùng Trang trong những lần “đánh quả”. Luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ để làm rõ.

HĐXX ngày 6-2-2015, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Trang tù chung thân về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Cùng tội danh, Tiến bị tuyên phạt 20 năm tù; Hào 17 năm tù vì tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.

Đối với việc để can phạm Trang sử dụng ĐTDĐ trong buồng giam, quá trình điều tra xác định, Ban giám thị và cán bộ trại tạm giam không biết, không có liên quan nên VKSND TC không quyết định khởi tố.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại