Đó là “Kinh doanh trái phép”, “Trốn thuế”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước cề quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vai trò “khủng” của bầu Kiên
Theo cáo trạng, Nguyễn Đức Kiên là cổ đông của Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) từ năm 1993. Nguyễn Đức Kiên và người thân gia đình sở hữu hơn 937 triệu cổ phần Ngân hàng ACB, chiếm 9,03% vốn điều lệ, trong đó Kiên sở hữu hơn 31 triệu cổ phần, chiếm 3,37%.
Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB từ 2003 đến tháng 8/2012 và đảm nhận chức danh Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB nhiệm kỳ từ 1994 đến 2008. Đến cuối năm 2007, Nguyễn Đức Kiên không tham gia HĐQT Ngân hàng ACB nhưng đề nghị HĐQT Ngân hàng ACB ra quyết định thành lập Hội đồng cổ đông sáng lập Ngân hàng ACB, do Kiên làm Phó chủ tịch.
Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB có chức năng tư vấn cho HĐQT Ngân hàng ACB; thành viên sáng lập được tham gia và cho ý kiến tại tất cả các cuộc họp của HĐQT và thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, được cung cấp đầy đủ các tài liệu về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB.
Như vậy, tuy không giữ chức danh do Ngân hàng Nhà nước chuẩn y nhưng với vị trí là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB và đại diện nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ, Nguyễn Đức Kiên có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB.
Nguyễn Đức Kiên thành lập, đồng thời là Chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên của 06 công ty, gồm Công ty cổ phần phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam; Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B; Công ty cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu; Công ty TNHH Đầu tư ACB Hà Nội; Công ty cổ phần đầu tư Á Châu và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội.
Bầu Kiên, tức ông Nguyễn Đức Kiên. (Ảnh: Vietnamnet)
Thông qua việc chỉ đạo, điều hành hoạt động đối với các công ty trên và lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB, Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm đã thực hiện các hành vi phạm tội “Kinh doanh trái phép”.
Kinh doanh trái phép tài chính và vàng
Hành vi kinh doanh tài chính trái phép thông qua Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B (Cty B&B) có trụ sở tại 63 Lương Sử C, Đống Đa, Hà Nội, thành lập 2008, do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT, vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, do 3 cổ đông là Kiên, Đặng Ngọc Lan (vợ Kiên) và Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) đăng ký góp vốn.
Mặc dù, Cty B&B không được cấp phép ngành nghề kinh doanh tài chính nhưng từ ngày 4/9/2009 đến ngày 31/3/2011, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Cty B7B sử dụng số tiền hơn 2.348 tỷ đồng để mua cổ phần và góp vốn vào các công ty khác.
Đối với Cty cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu (Cty AFG) thàng lập năm 2007, 184 – 186 Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà Nội do Kiên làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc, vốn điều lệ là 3.200 tỷ đồng. Mặc dù Cty AFG không được cấp phép ngành nghề kinh doanh tài chính nhưng từ ngày 15/3/2007 đến ngày 16/6/2009, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Cty AFG sử dụng số tiền 4.068 tỷ đồng để mua trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng ACB và góp vốn vào các công ty khác là Cty ACI, Cty ACI – HN và Cty ACBI.
Đối với Cty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (CTy ACBI) có trụ sở tại 57B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội được thành lập 2006 do Nguyễn Đức Kiêm làm chủ tịch HĐQT vốn điều lệ là 300 tỷ đồng, mặc dù Cty ACBI không được cấp phép ngành nghề kinh doanh tài chính nhưng Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Cty ACBI sử dụng số tiền 1.433 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu Techconbank, Eximbank.
Còn Công ty Cổ phần đầu tư Á Châu (Cty ACI) có trụ sở 71 Điện Biên Phủ, phường 15, Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh thành lập 2008 do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT, vốn điều lệ 300 tỷ đồng, dù không được cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh tài chính nhưng Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Cty ACI sử dụng số tiền 451 tỷ đồng để mua cổ phần của Công ty cổ phần đầu tư & thương mại Nhà rồng, Cty cổ phần dịch vụ hàng hóa Sài Gòn và Cty Sabeco.
Với Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (Cty ACI – HN) có trụ sở 57B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội được thành lập 2008, do Nguyễn Đức Kiêm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, vốn điều lệ là 500 tỷ đồng, dù không được cấp phép ngành nghề kinh doanh tài chính nhưng Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Cty sử dụng số tiền 1.411 để góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu Ngân hàng ACB, DaiAbank, Vietbank, KiênLongbank và Eximbank.
Hành vi kinh doanh vàng trái phép thông qua Công ty Cổ phần phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam (CTy Thiên Nam) ở 184 – 186 Bà Triệu, Hà Nội, thành lập năm 1995 do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT. Dù không được cấp phép kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái nhưng Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Cty Thiên Nam ký hợp đồng với ngân hàng ACB để kinh doanh vàng trạng thái trên tài khoản ở nước ngoài và trong nước với tổng khối lượng giao dịch mua bán là 462.500 Ounce, 75 nghìn lượng vàng SJC tổng số lượng là 11.777 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh trạng thái vàng ở nước ngoài và trong nước, Cty Thiên Nam bị lỗ 433 tỷ đồng, số tiền này Ngân hàng ACB cho Cty Thiên Nam nhận nợ đến 2015.
Như vậy, từ ngày 155/5 đến ngày 3/8/2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 Cty do Kiên làm Chủ tịch HĐQT/ HĐTV để kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép với số tiền 21.490 tỷ đồng. Hành vi trên của Nguyễn Đức Kiên đã phạm vào tội “kinh doanh trái phép” quy định tại khoản 2 Điều 159 của BLHS, có khung hình phạt cao nhất đến 2 năm tù.