Kỳ 1: Chuyện tướng cướp tiệm vàng khét tiếng 'máu lạnh'
Kỳ 2: Cuộc "kỳ ngộ' trong trại giam của tướng cướp 'máu lạnh'
Sau tấm mặt nạ bán rau
Ngay sau khi ra tù, Lê Anh Kiệt ngoan ngoãn trở về sống bên vợ con. Hàng ngày, Kiệt dậy từ khi đèn đường còn chưa tắt để chở rau ra chợ phụ vợ bán. Ít lâu sau, gã nhận được “mật báo” của tên cáo già Huỳnh Văn Tiếm ra một quán cà phê gần nhà.
Gặp Kiệt, Tiếm gợi ý một phi vụ cướp tiệm vàng mà cả hai cất công lên kế hoạch trong trại giam Tống Lê Chân. Bất ngờ Kiệt từ chối, lấy lý do mới bị té xe. Gã cho đàn em tên Lộc tham gia phi vụ này.
Thực ra vốn là một kẻ gian manh, mỗi đường đi nước bước Kiệt luôn hết sức cẩn trọng. Vừa mới ra tù, gã chưa muốn hỏng hết vỏ học mà y đang cố tạo dựng. Bởi lẽ đó, tên Kiệt không tham gia mà cố tảng lờ như chưa từng gặp Tiếm.
Theo các tiểu thương ở cạnh hẻm 793, đường Lê Văn Lương, nơi ngày trước vợ chồng gã ngồi buôn bán, mỗi lần ra sạp, tự tay Kiệt cẩn thận sắp từng bó rau bày bán. Mấy chị tiểu thương còn thầm ghen tỵ với vợ Kiệt vì có ông chồng đảm đang, hiền lành.
Phụ vợ dọn hàng xong, gã lại phóng xe về chung cư Phạm Thế Hiển đánh cờ tướng.
“Kiệt ham mê cờ tướng lắm, nhà nó còn có người em chơi cờ giỏi cấp quận. Từ ngày tù về, tầm 9h sáng và 16-17h chiều nó qua đây đánh cờ. Trưa lo cơm nước cho vợ con, gần xế chiều nó lại tạt qua chỗ vợ bán rau để thu dọn hàng, chở vợ về”, cô Đỗ Kim cho hay.
Còn Tiếm và đàn em, sau khi thực hiện phi vụ cướp tiệm vàng ở huyện Hòa Thành, Tây Ninh thành công, hắn đã đem chiến tích khoe với Kiệt. Nghe xong, lòng Kiệt như nổi sóng.
Sau phi vụ cướp tiệm vàng thứ hai, Huỳnh Văn Tiếm cưỡi con xe Honda 67 xuống Sài Gòn gặp Kiệt như để trêu ngươi".
Nghe Tiếm gợi ý sẽ cướp tiệm vàng Phú Khìn (huyện Tân Biên, Tây Ninh), gã xiêu lòng ngay. Băng cướp gồm Kiệt, Tiếm, Tưởng, Nguyễn Văn Nhãn, Lộc, Công hình thành.
Chưa đầy 4 tháng sau vụ thứ nhất, đêm 14/1/2001, phi vụ thứ hai cướp tiệm vàng Phú Khìn thành công nhờ có hỏa lực của Tiếm (Kiệt bắn phát súng K59 ngăn cản người truy đuổi). Tiếm và Kiệt mỗi tên nhận hơn 30 cây vàng trong số vàng chiếm đoạt.
Lần đầu tiên trong đời nếm trải cảm giác vừa “ra trận” đã quăng được mẻ lưới to, nhưng không vì thế mà Kiệt lơ đễnh việc tạo vỏ bọc cho mình. Y nhận thấy, lần ra tay này tuy trót lọt nhưng còn nhiều sơ hở.
Qua phương tiện truyền thông, gã biết hiện công an đang truy tìm kẻ gây án. Với 2 vụ xảy ra trong khoảng thời gian gần rất dễ bị bại lộ, Kiệt yêu cầu Tiếm tạm hoãn một thời gian cho mọi việc lắng xuống.
Vợ con Kiệt vẫn không hề hay biết chồng - cha chính là kẻ cầm đầu băng cướp tiệm vàng mà mọi người đang bàn tán xôn xao.
Tranh thủ mỗi lúc vãn khách, vợ Kiệt lại tâm sự “mừng mừng tủi tủi” với mấy chị em bạn hàng khi chồng đã hoàn lương, thương yêu vợ con hết mực.
Không ai ngờ rằng, đêm đến trong căn phòng trọ chật hẹp, nằm lọt thỏm sau những ngọn nhà phố nhấp nhô cao thấp là “giờ cao điểm” cho một tướng cướp trằn trọc suy tính mỗi đường đi nước bước cho các phi vụ sau này.
“Phước cùng hưởng - nạn cùng chịu”
Số tiền cướp được Tiếm ăn xài phung phí, cuối năm 2001 hắn lại mò lên Sài Gòn rủ Kiệt đi cướp. Suốt gần 1 năm ngầm vạch kế hoạch, Kiệt đã lên sẵn từng phương án.
Y nói với Tiếm thay đổi địa bàn hoạt động, lần này sẽ là một tiệm vàng ở khu vực khác nhằm đánh lạc hướng công an. Kiệt còn đưa ra một tiêu chí, tiệm vàng bị đưa vào tầm ngắm phải lắm vàng.
Kiệt xem mỗi phi vụ giống như chơi một ván cờ, mỗi thế đi cần được cân nhắc nhưng phải dứt khoát, chỉ cần sai một nước coi như hỏng cả ván.
Bởi vậy, khi thực hiện phi vụ thứ ba, đích thân Kiệt đã xuống tận địa bàn để nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng vị trí, quy mô: vàng để ở đâu trên xe, cột vào xe hay có người ôm, đi xe gì, ai cầm lái, thời gian dọn tiệm, từ tiệm về nhà bao lâu, lúc tới nhà chủ tiệm tự xuống mở cổng hay có người mở trước…
Sau khi khảo sát tình hình, nắm rõ giờ giấc sinh hoạt, đi về của chủ tiệm vàng Kiệt mới ra lệnh cho đồng bọn tiến hành phi vụ.
Để quán triệt tinh thần đàn em “phước cùng hưởng, nạn cùng chịu”, Kiệt yêu cầu trong quá trình ra tay nếu như bị nạn nhân chống đối, cản trở thì phải đồng tâm hiệp lực, bằng mọi cách giải nguy cho đồng bọn.
Mỗi lần đi "đánh quả", Kiệt đều lận lưng một khẩu “chó lửa” đã lên nòng, mục đích bắn chỉ thiên cảnh cáo và để đồng bọn dễ giải vây tẩu thoát. Và đồng thời đe “con mồi”, nếu cố chạy theo sẽ bị thiệt mạng.
Nguyên tắc hoạt động của băng cướp này là mỗi lần ra tay ở khu vực đông dân cư sẽ đi 2 xe, mỗi xe hai tên. Còn khu dân cư thưa thớt, bọn chúng chỉ đi một xe hai tên, mỗi tên đều có súng nhưng chỉ nổ khi có chỉ thị của Kiệt và gậy sắt dài khoảng 50cm.
Sở dĩ chúng mang theo gậy sắt vì nếu cảm thấy không cần nổ súng (tránh bị lộ) thì dùng gậy đánh thẳng vào đầu, mặt người cầm lái.
Phi vụ thứ ba, băng của Kiệt nhắm vào tiệm vàng Thanh Tâm (Củ Chi, TP HCM).
Lợi dụng khi trời chập choạng tối, mưa nhỏ rả rích, vợ chồng người chủ dọn hàng đem theo túi vàng rời tiệm, Tiếm chở Lộc bám theo, còn Kiệt và Tưởng đến đợi ở cửa nhà của chủ tiệm.
Khi vợ chồng chủ tiệm vừa dừng xe ở cổng, Kiệt móc súng bắn thẳng vào vai ông chủ, đồng thời xô ngã xe để giật túi vàng đặt ở bửng xe Vespa.
Cùng lúc, Tiếm chở Lộc trờ tới, Lộc móc súng ra bắn để hỗ trợ cho Kiệt nhảy lên xe Tưởng đang nổ máy chờ tẩu thoát, nhưng súng bị kẹt đạn. Vụ này, chúng cướp được khoảng 200 lượng vàng.
Kiệt rất hạn chế thu nạp thêm tay chân, càng có nhiều tay chân thì càng khó quản, hành tung sẽ dễ bị bại lộ. Mỗi lần ra tay Kiệt đều yêu cầu đàn em điều khiển xe máy mang biển số Campuchia, khi hoàn thành chúng vứt xe lại gần khu vực biên giới để đánh lạc hướng điều tra.
Vụ thứ 4, vụ cướp tiệm vàng Kim Lộc ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An do Kiệt khơi mào và cướp giỏ vàng (có 60 lượng vàng 18K, 34 lượng vàng 24K và 110 triệu đồng) vào đêm 10/7/2003.
Vụ này Tiếm khai được chia 10 lượng vàng nhưng gã đốt chưa đầy 4 tháng nên lại rủ Kiệt đi cướp tiệm vàng Bảo Hòa (Long Thành, Đồng Nai) vào đêm 17/11/2003.
Vụ thứ 6 (tiệm vàng Kim Quang ở Trảng Bàng, Tây Ninh) vào đêm 31/12/2003 cũng lại do Tiếm rủ Kiệt tham gia.
Kỳ 4: Tướng cướp máu lạnh cướp vàng, giết đấu thủ chơi cờ