Tích xú uế... đối phó với quản giáo
Tôi vẫn nhớ, khi cầm trên tay bản danh sách 17 tử tù hiện đang chờ thi hành án ở trại Tạm giam Công an Hải Phòng, đập vào mắt tôi là hai cái tên trùng họ, trùng địa chỉ thường trú. Hỏi ra mới biết, tử tù Lại Văn Ghi (45 tuổi, ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) là chú ruột của tử tù Lại Văn Hưng (25 tuổi, cùng địa chỉ trên). Cả hai cùng mang tội giết người, mà đều giết người mình yêu.
Sau hơn hai tháng đứa cháu gây án, chiều tối 16/11/2012 Lại Văn Ghi cũng gây ra vụ án giết người rúng động Hải Phòng. Theo hồ sơ điều tra, hôm đó, Ghi thủ con dao bầu vào trong áo rồi tới nhà chị Tô Thị U. (ở thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên) để "nối lại tình xưa".
Sau một hồi van xin chắp nối lại tình cảm không được, Ghi đã lạnh lùng vung dao sát hại chị U. rồi bỏ trốn. Tuy nhiên, chỉ mấy tiếng sau khi giết người tình, Ghi đã bị bắt giữ cùng với con dao gây án và bộ quần áo dính bê bết máu. Lại Văn Ghi cũng bị tuyên án tử hình.
Theo lời kể của giám thị trại Tạm giam, trước khi gây ra vụ án mạng trên, Ghi từng có tiền án về hành vi này, y được tha tù trước thời hạn không lâu thì lại gây trọng tội. Thời gian đầu ở buồng biệt giam, y luôn giữ thái độ lặng im, lì lợm, cán bộ quản giáo nói gì hắn chỉ gật đầu hoặc lắc đầu. Sau đó, y kiên quyết chống đối cán bộ quản giáo.
Điển hình cuối tháng 12/2012, Ghi lên cơn "nổi loạn", cản trở không cho dọn vệ sinh buồng biệt giam khiến mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Cán bộ quản lý trực tiếp buồng biệt giam của y và ban giám thị đều ngao ngán. Khi được hỏi vì sao không cho dọn vệ sinh, Ghi bảo rằng, việc vệ sinh là của y, không phải do các thầy làm (cán bộ quản giáo-PV) và dứt khoát không cho dọn. Buồng biệt giam tử tù đã kín nay lại thêm việc tích xú uế khiến sức khỏe của Ghi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đích thân giám thị, đại tá Phạm Ngọc Tươi xuống tận buồng khuyên giải, tử tù này mới chịu cho dọn vệ sinh buồng giam.
Không chỉ riêng Ghi sử dụng "độc chiêu" để chống đối cán bộ quản giáo, tử tù Nguyễn Thị Ngọc (trại Tạm giam Công an Bắc Giang) cũng chống đối cán bộ quản giáo bằng chiêu thức này.
Điểm mặt những tử tù đã từng "ra điều kiện", đòi "yêu sách" với cán bộ quản giáo, tôi không thể nào quên hình ảnh đối lập giữa vẻ đẹp hình thức và những chiêu chống đối cán bộ khá "dị" của Nguyễn Thị Ngọc- nữ tử tù duy nhất ở trại Tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang. Thị Ngọc đã ngấp nghé tuổi 40 và bị giam giữ trong buồng biệt giam khá lâu rồi nhưng thị vẫn rất đẹp và không xuống sắc. Trước khi rơi vào vòng lao lý, Ngọc là một hoa khôi vùng Hà Quảng, Cao Bằng.
Duyên phận đưa đẩy thế nào, 18 tuổi Ngọc lấy chồng nhưng hạnh phúc với cô thật ngắn ngủi. Chưa đầy một năm sau khi sinh đứa con gái đầu lòng, chồng Ngọc đổ đốn nghiện ma tuý. Dù rằng, vợ chồng thường xuyên "xô bát, xô đĩa" nhưng Ngọc vẫn không bỏ mặc chồng. Đưa chồng đi cai nghiện, một lần, hai lần tưởng đã đoạt tuyệt được nhưng lần nào về anh ta cũng tái nghiện. Thậm chí, chồng thị càng ngày càng cuốn vào vòng xoáy ma tuý và tham gia vào việc mua bán lẻ ma túy. Ngọc muốn buông xuôi lắm nhưng cứ nghĩ tới các con, cô lại gạt nước mắt động viên chồng đi cai nghiện. Cuối cùng, sau này chính Ngọc cũng trở thành "bà trùm" của một đường dây buôn bán ma tuý.
Khi chúng tôi hỏi giờ có nuối tiếc không, đôi mắt to tròn, đen láy của Ngọc loang loáng nước. Ngọc khóc và chỉ nói: "Tôi ân hận, nuối tiếc nhiều lắm"! Thế nhưng, nghe Ngọc nói và đối chứng với những lời chia sẻ của các cán bộ tại trại Tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang, tôi cũng không thể ngờ rằng nữ tử tù duy nhất của trại tạm giam đã có thời điểm rất "cứng đầu, cứng cổ". Vì là tử tù nữ, nên các bộ quản giáo có lúc "mềm lòng" hơn.
Theo lời kể của trung úy Tăng Văn Tráng - cán bộ quản giáo trại Tạm giam Bắc Giang, mỗi lần người cha già, người thân trong gia đình xuống thăm Ngọc, họ đều vội vàng. Họ gửi lại tiền thăm nuôi và nhờ cán bộ quản giáo mua giúp đồ ăn, thức uống...
Cũng chính vì là nữ giới lại bị giam giữ trong buồng biệt giam lâu ngày nên có lúc tinh thần Ngọc bấn loạn, thị dở chứng đòi "yêu sách màu hồng". Nữ tử tù "đỏng đảnh" này còn đòi mua gối, mua gương, mua lược và áo đều phải màu hồng đúng với ý của thị đề xuất.
Những "yêu sách" này của thị nhiều khi khiến các cán bộ cũng phải "bó tay". Thế nhưng, không ít lần thị cũng tỏ ra lì lợm, bất cần đời. Thị xác định đã "dính án" ma tuý thì khó nhận được sự khoan hồng nên thị quay sang chống đối cán bộ. Do nghĩ ngợi nhiều, phẫn uất, thị còn tích xú uế để đối phó với quản giáo. Đã có lần, khi cán bộ trại vừa mở cửa buồng biệt giam, thị thẳng tay hất cả bô xú uế về phía cán bộ… Phải mất rất nhiều thời gian giáo dục, thuyết phục, Ngọc mới thay đổi nhận thức và nghiêm túc thực hiện nộåi quy.
Cứ thấy bóng người là hô hoán, chửi bới
Chia sẻ với PV, trung tá Nguyễn Mạnh Hùng- cán bộ quản giáo trại Tạm giam Công an Hải Phòng nói: "Tâm lý tử tù diễn biến rất phức tạp, thay đổi như thời tiết. Vì thời gian bị giam giữ cũng dài nên họ lì lợm hơn. Nếu không làm tốt công tác giáo dục tư tưởng thì họ sẽ tỏ ra bất cần đời, giở đủ các chiêu trò chống đối, phá phách…".
Kể cho chúng tôi về tử tù Hồ Xuân Phú, 26 tuổi, phạm tội "Giết người, cướp tài sản", trung tá Hùng gọi vui với biệt danh Phú "mít ướt". Tính cách của Phú không ra người lớn mà cũng chẳng phải trẻ con. Lần nào gặp người thân, y đều khóc nức nở. Dỗ Phú phải cứng rắn để mẹ an tâm thì anh ta quay sang đòi hỏi những điều không được phép ở nơi giam giữ.
Ở buồng biệt giam dành cho tử tù, điện được thắp sáng cả ngày lẫn đêm để phục vụ việc quản lý. Có lần, toàn bộ trại mất điện, buồng tử tù vốn kín như bưng lại càng tối tăm. Phú la hét, đòi quản giáo phải lắp riêng cho mình một bóng bằng nguồn điện máy nổ. Phú thường xuyên đòi hỏi những điều nằm ngoài quy định của trại.
Thậm chí, có hôm Phú nhớ mẹ khóc tu tu và đòi viết thư về cho mẹ, nếu không hắn sẽ tuyệt thực. Tuy nhiên, được các quản giáo giải thích, thuyết phục và động viên. Sau một thời gian "đòi yêu sách", Phú luôn chấp hành nội quy.
Gặp Phú trong buồng biệt giam, nhìn khuôn mặt y khá khôi ngô và hiền. Nhưng nếu chỉ nhìn ở vẻ bề ngoài với nụ cười hiền khô của Phú, ít ai biết rằng, cũng có thời điểm Phú đã khiến các quản giáo phải đau đầu.
Đại tá Phạm Ngọc Tươi- giám thị trại Tạm giam Công an Hải Phòng cho biết: "Số lượng tử tù tại trại khá lớn nên việc quản lý gặp nhiều vất vả, khó khăn. Đặc biệt, những tử tù cá biệt khiến cho các quản giáo đau đầu vì những chiêu chống đối có một không hai".
Trong số các tử tù "cứng đầu" của trại Tạm giam Hải Phòng phải kể đến Lê Xuân Trường (31 tuổi, mang tội Giết người, cướp tài sản). Hắn có biệt danh Trường "ăn cắp" với "bản thành tích" dài dằng dặc các vụ án cướp giật, giết người. Trường "ăn cắp" từng là một trong những tên tội phạm hung hãn nhất ở thành phố Cảng, dưới trướng của y luôn có hơn chục đàn em tinh nhuệ. Vào tù, Trường vẫn giữ thói hung hăng, ngông cuồng như thời còn làm đại ca ngoài xã hội, gặp ai y cũng gây sự.
Gặp Trường "ăn cắp" trong buồng biệt giam, có một điều khiến tôi khá ấn tượng là y rất hay cười và tỏ ra rất "ngoan ngoãn". Thế nhưng, khi không có "khách", y lại chống đối quyết liệt.
Trong buồng biệt giam, y đập phá cùm chân, chửi bới bất kể ngày đêm. Hễ có bóng cán bộ đi qua, y không tiếc lời chửi bới. Suốt nhiều tháng, tử tù này một mình một kiểu, bỏ ngoài tai mọi lời giáo dục của cán bộ trại. Để "trừng trị" Trường, ban giám thị trại "phạt" không cho người thân vào thăm nuôi y nhưng y vẫn "chứng nào tật ấy". Y thậm chí còn liên mồm chửi bới, la ó đến mức cán bộ trại phải ghi âm lại những câu chửi của Trường và gửi cho gia đình anh ta biết. Ban giám thị trại cho phép gia đình viết thư khuyên bảo Trường chấp hành tốt quy tắc, kỷ luật để gia đình còn được thăm nuôi...
Ranh giới mong manh
Đã từng tiếp xúc với nhiều tử tù ở các trại Tạm giam và được nghe họ "tự thú" về quá trình phạm tội của mình, chúng tôi cũng có lúc thấy khoảng lặng trong lòng- sự trăn trở giữa làn ranh của cái thiện và cái ác chỉ trong gang tấc đã đẩy con người ta vào vòng lao lý.