Lời hai người khai cảnh bố đâm chết mẹ
Tại phân trại số 1, trại giam Nam Hà, phạm nhân Trụ đưa mắt nhìn ra xa cánh đồng lúa xanh non phía trước mặt, cười tươi tỉnh. Một cán bộ quản giáo hỏi: “Hôm nay có gì vui thế anh Trụ?”. Phạm nhân này đáp: “Ngày mai đến lịch hai cháu lên thăm tôi cán bộ ạ”. Qua lời cán bộ quản giáo trại giam Nam Hà, chúng tôi được biết, tâm trạng của phạm nhân này đã ổn định phần lớn và đang tích cực được điều trị để khỏi hẳn.
Vụ án xảy ra cách đây hơn 4 năm. Sau khi hung thủ bị bắt, CQCA đã lấy lời khai nhân chứng chính là 2 người con của hung thủ và nạn nhân. Người con gái tên Nh kể, khi cháu đang ngủ dưới tầng một thì nghe thấy tiếng la hét rất lớn. Do lúc này mới ngủ, lại đang trong cơn mơ màng, cháu mở mắt ra thì nhìn thấy mẹ mình đang nằm bên cạnh bị bố dùng dao đâm liên tiếp vào người. Thét lên vì sợ hãi, cháu chạy lên tầng hai gọi anh trai là V dậy để cứu mẹ. Lúc Việt chạy xuống, vẫn thấy bố mình mặt hằm hằm, một tay túm tóc, tay kia lăm lăm con dao.
Còn lời cháu V như sau: “Cháu chạy vào đẩy bố thì bố lại đẩy cháu ra. Lúc đó, cháu bị bố vung dao làm bị thương ở tay nhưng vẫn cố ôm ghì lấy bố. Sau đó cháu lao vào giằng lấy con dao nhưng dao bị gãy cán và cháu bị bố đè lên người. Sợ bị bố đang lúc giận dữ chém mình, cháu hét lên: “Bố bỏ con ra” nhưng bố cháu không nghe theo mà bắt cháu phải hô: “Cướp, cướp, cướp” thì mới thả. Sau khi nghe đủ 3 tiếng hô của cháu thì bố ném con dao ra sân và đi xuống bếp ngồi. Thấy vậy, cháu bật dậy, chạy ra cổng tri hô mọi người đưa mẹ đi cấp cứu, nhưng do thương tích quá nặng nên mẹ cháu đã bỏ hai anh em cháu mà đi”.
Nạn nhân được xác định, bị đâm, chém gần 20 nhát bằng loại dao bầu rộng 6 x 25 cm. Nguyên nhân dẫn đến tử vong là do choáng, mất máu cấp ở động mạch chủ lực.
Nỗi sợ hoang tưởng
Tại CQĐT, Trụ khai nhận, khoảng 21g, sau khi ăn tối ở nhà bố vợ, Trụ cùng vợ và các con về nhà đi ngủ. Sau đó đứa con trai lớn và một đứa cháu lên tầng hai ngủ, còn cô con gái thì ngủ ở tầng dưới. Lúc này chị Th liền lấy mặt nạ đắp lên mặt để dưỡng da. Thấy vợ có hành động lạ, Trụ liền hỏi: “Đắp mặt nạ để làm gì?” Nghe vậy, chị Th thủng thẳng đáp như có ý trêu đùa: “Đắp để dọa ma…”. Trả lời chồng xong, chị Th vào bếp bỏ mặt nạ ra rồi đi vào giường ngủ cùng con gái, còn Trụ vẫn ngồi một mình ở phòng khách.
Lủi thủi một mình với chén nước chè đặc dưới ánh đèn ngủ xanh trắng mờ ảo, Trụ nhớ lại chuyện chị Th đắp mặt nạ và chuyện lúc chiều chị mang sổ sách ra tính toán. Bỗng trong đầu Trụ hiện ra hàng loạt câu hỏi vu vơ ẩn hiện trong đầu. Trụ lẩm bẩm: “Hai vợ chồng đang phải trả nợ ngân hàng số tiền trước đó vay mua ô tô, cô ta lại mang sổ ra tính toán cái gì nhỉ? Phải chăng cô ta đắp mặt nạ để giết mình rồi đi du lịch, bỏ mình và các con trốn sang Trung Quốc?”. Cùng với những ý nghĩ vẩn vơ ấy, lúc này Trụ còn nghe thấy tiếng như ai đó đang đứng bên cạnh nói vào tai: “Mày không giết nó thì nó cũng giết mày”. Thế là Trụ đi tìm dao để diệt trừ mối hậu họa(!?).
Sau khi xuống bếp tìm được con dao bầu nhọn, Trụ mon men tiến lại gần chỗ chị Th đang ngủ, dùng một tay nhấc chiếc màn chụp ném ra ngoài, tay kia cầm dao cắt mạnh một nhát vào cổ chị Th. Giật mình tỉnh giấc thấy bị chồng truy sát, chị Th bật dậy bỏ chạy nhưng bị Trụ ghì lại rồi chém thêm một nhát vào mặt. Quá đau đớn chị cố kêu lên yếu ớt: “Anh ơi, em đây mà. Con ơi cứu mẹ với”, rồi lịm dần dưới “cơn mưa dao” của gã chồng.
Từ những lời khai về động cơ gây án của hung thủ. Quá trình tạm giam, CA tỉnh Hưng Yên thấy Trụ có những biểu hiện của một người không bình thường nên đã đưa đi giám định tâm thần. Kết quả của tổ chức giám định pháp y tâm thần cho thấy, Trụ bị rối loạn tâm thần và hành vi do rượu ảo giác chiếm ưu thế, làm giảm khả năng nhận thức hành vi.
Sau một thời gian điều trị tại Châu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nhận thấy bệnh tình của Trụ đã thuyên giảm TAND tỉnh Hưng Yên mở phiên toàn sơ thẩm xét xử Trụ về tội “Giết người”. Tại phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Trụ 10 năm tù giam.
Ân hận muộn màng
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Nguyễn Văn Trụ được chuyển về cải tạo tại trại giam Nam Hà (thuộc Tổng cục VIII – Bộ Công an). Đã hơn 4 năm trôi qua kể từ ngày Trụ gây ra vụ thảm án. Giờ đây, sau khi đã cắt đứt được mối quan hệ với “ma men”, mặc dù trí óc của phạm nhân này đôi lúc vẫn còn hư ảo nhưng Trụ phần nào hiểu được tội ác của mình gây nên và sự bất hạnh của 2 người con ở nhà khi thiếu vắng tình cảm của cả cha lẫn mẹ.
Trụ vừa thở dài vừa tâm sự, năm 1992, vợ chồng Trụ nên mối tơ duyên. Do cuộc sống ban đầu có nhiều khó khăn nên sau đó cả hai vợ chồng phải về Quảng Ninh đi làm nghề nhặt sắt vụn, sau đó vươn dần lên thành ông chủ thu mua phế liệu. Khi đã đủ ăn và có tiền dành dụm, Trụ bắt đầu tụ tập với bạn bè quán xá la cà bia rượu, nhiều cuộc vui tới thâu đêm suốt sáng. Quãng thời gian ấy, do thời tiết nóng nực, Trụ lại thường uống nhiều rượu dẫn tới hay bị đau đầu và sinh ra ảo giác. Nhiều lần đi đường hay ngồi xe ô tô về quê, phạm nhân này kể lại mà người nghe đối diện rùng mình. Trụ chỉ muốn lao đầu ra cửa sổ hoặc đâm vào đầu ô tô để được “giải thoát”
Vào những năm 2000, khi đã tích cóp được số tiền kha khá, vợ chồng Trụ quyết định rời Quảng Ninh về quê xây một ngôi nhà 3 tầng để vừa được sinh sống gần họ hàng nội ngoại, vừa để Trụ rời đám bạn bè hay nhậu nhẹt, tránh bị ảnh hưởng tới trí não.
Mặc dù về quê thu nhập không bằng nơi phố thị, nhưng vợ chồng Trụ vẫn cố gắng bươn chải vươn lên, hàng ngày chị bán đồ ăn sáng, còn Trụ thì vay tiền mua một chiếc ô chở vật liệu xây dựng thuê. Cứ thế, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ nhẹ nhàng trôi đi trong yên lặng.
Tuy nhiên, Trụ không bỏ hẳn rượu, vẫn làm vài chén mỗi ngày. Chính vì điều đó nên bệnh của Trụ không khỏi hẳn. Mỗi khi trời đang nắng rồi lại đổ mưa, trong đầu Trụ bỗng có tiếng như xúi giục phải làm việc này việc kia. “Hôm gây tội, tôi cũng không uống rượu vì chiều hôm ấy trời mưa, nhưng không hiểu vì sao trong đầu tôi lại cứ có người xúi giục phải giết vợ. Khi tỉnh táo thì mọi chuyện đã muộn rồi. Giá như trước đây tôi không uống nhiều rượu thì đâu đến nỗi này…”. Trụ cay đắng nhớ lại.
V bảo bố: “Mọi chuyện qua rồi bố ạ. Đừng nghĩ đến nó nhiều nữa kẻo lại ảnh hưởng tới trí não. Con sẽ chăm sóc và bảo ban em cẩn thận nên bố cứ tập trung cải tạo thôi”. Lần nào con lên thăm, phạm nhân Trụ nói cứ nhìn thấy con đã ứa nước mắt. Nhận đồ tiếp tế và giây phút được gặp người thân, Trụ bảo: “Trên đời, ai đã vấp ngã rồi mới thấy sự ân hận giày vò mình đến thế nào, nhất là tự tay mình bỏ đi hạnh phúc. Nếu không có các cán bộ quản giáo ở trại giam Nam Hà động viên tôi thường xuyên, có lẽ tinh thần tôi những ngày đầu mới vào trại sẽ suy sụp lắm. Giờ thì hướng đến ngày về, hướng đến các con khiến tôi có động lực để phấn đấu làm lại cuộc đời”.
“Tôi đã mất tất cả chỉ trong phút chốc, 2 người con chẳng có bàn tay cha mẹ chăm sóc, vừa thiệt thòi với đám chúng bạn. Qua các phương tiện truyền thông, tôi thấy có rất nhiều cám dỗ đối với thanh niên mới lớn. Tôi lo nhất là thằng lớn chẳng may bị sa ngã vì không có ai bảo ban đến nơi đến chốn. Mỗi lần chúng lên thăm tôi đều phải động viên, căn dặn các con ngoan ngoãn. Tôi đã nhiều lần mong các con tha thứ. Hai cháu ngoan và động viên tôi cải tạo tốt để sớm trở về”, Trụ tâm sự.