Và để tồn tại trong sự hỗn tạp của thị trường tiêu thụ hàng ăn cắp thời ấy nổi lên không ít những tay “anh, chị” sừng sỏ trong “trò chơi” buôn gian, bán lận. Phạm Bá Phú là một trong số đó, giờ đây khi phải trả án trong trại giam, trùm “số má” này mới có cơ hội trần tình về những ngã rẽ biến mình thành trùm chợ Trời một thời.
Phạm Bá Phú là người ở phố Thịnh Yên, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ở thế kỷ trước, Phú được xếp vào hàng “anh chị có số có má”, kẻ đã ví von cuộc đời như một canh bạc mà do chính mình đánh nhưng thua tơi tả. Cuộc đời xô đẩy Phú sống triền miên trong những tháng ngày lầm lạc và biến Phú trở thành một tên trùm buôn gian bán lận. Phạm Bá Phú nay đã ở cái tuổi ngũ thập, độ tuổi mà con người ta có thể có thể chiêm nghiệm cuộc sống. Đến giờ Phú cũng đã bôn ba khắp các trạm giam.
Phạm Bá Phú hiện đang thụ án tại Trạm giam Suối Hai, Tổng cục VIII, Bộ Công an. Mặc dù đã ở ngưỡng tuổi thuộc về phía bên kia cuộc đời, nhưng ai gặp Phú lúc này cũng dễ dàng nhận ra phạm nhân này đã có “một thời sống kiếp giang hồ” bởi những vết sẹo dài mà Phú kể đó là hậu quả của những trận xưng bá, tranh hùng để tranh giành lãnh địa, cướp mối làm ăn, dằn mặt những tay “anh chị” khác cùng thời.
Và để thể hiện đẳng cấp thứ bậc trong giới giang hồ, Phú có vô số những hình xăm hổ báo chằng chịt trên cơ thể. Thế nhưng trái với cái thành tích “số má giang hồ” với năm lần bảy lượt vào trại, ra trại, vào tù thì quá khứ tuổi thơ của Phú lại vô cùng êm đềm và phẳng lặng.
Phạm Bá Phú kể lại: “Tôi sinh ra trong một gia đình đông anh em nhưng bố mẹ đều là công nhân viên chức Nhà nước nên hết thảy đều được ăn học đàng hoàng. Đúng là cha mẹ sinh con trời sinh tính, trong số anh em trong nhà tôi lại là thằng sớm tỏ ra ngang ngược, cố gắng lắm tôi chỉ chuyên tu học hành đến lớp 7 rồi bỏ dở, từ đây tôi bắt đầu lông bông lêu lổng sểnh ra một cái là a dua theo đám bạn xã hội đàn đúm chơi bời.
Lúc đó còn nhỏ nên vẫn còn nghe lời, được sự khuyên nhủ của gia đình, đến tuổi trưởng thành hơn tôi vào làm công nhân của một Công ty cầu đường ở Hà Nội. Được ít lâu thì tôi tòng quân theo lệnh tổng động viên lên đường bảo vệ biên giới. Rồi cũng hết những năm tháng nghĩa vụ quân sự, trở về trong sự chán ngán đời sống công nhân cầu đường lương bổng tem phiếu nên tôi quyết đoạn tuyệt với nghề”.
Phú kể: “Thuở ấy chẳng biết dân tứ xứ ở đâu ra mà lắm thế đổ dồn về khu phố Thịnh Yên chỗ nhà tôi buôn buôn bán bán, giao thương mặc cả đủ thứ hàng hóa trên đời biến nơi đây trở nên sầm uất. Đơn giản lúc đó tôi thấy hay hay, gia đình lại có sẵn cơ ngơi là ngôi nhà mặt tiền thế là tôi tính toán mở một cửa hàng kinh doanh nhỏ.
Chập chững những ngày đầu chỉ là buôn bán lặt vặt kiếm đồng ra đồng vào, đến giờ mới thấy đúng là lòng tham con người không biết bao nhiêu cho đủ, thấy thiên hạ kiếm bội tiền từ việc tiêu thụ, thu mua những món đồ ăn cắp với giá rẻ rồi bán lại với giá trên Trời, thế là tôi cũng lao vào vòng xoáy đó mà không mảy may suy nghĩ đến hậu quả. Là dân bản địa, thông thuộc từ ngõ ngách đến con người, nhận thấy mình còn có tài koanh doanh nên tôi nhanh chóng trở thành một trùm sỏ chuyên buôn bán, thu mua những đồ trộm cắp.
Ngoài ra, tôi còn liên thông với những mạng lưới khác khắp cả chợ và những khu lân cận. Việc kinh doanh làm ăn thuận chiều xuôi gió, hàng “găm” về không đủ bán, tôi mở rộng địa bàn ra xa hơn là lấy mối hàng từ những kẻ lưu manh, dân “hai ngón”… Hỏi Phú về việc kinh doanh buôn bán đoàng hoàng ở nơi sầm uất Hà thành thời đó như chợ Trời lo gì không làm ra của nải thì Phú bảo hoàn cảnh của mình sống trong môi trường chuyên buôn bán hàng lậu, hàng trộm cắp nên muốn sống lương thiện, tử tế cũng không được, lấy đâu ra “đất” sống".
Phú tiếp tục câu chuyện của mình: “Có lẽ do làm lâu, tiếp xúc nhiều với giới này cộng thêm lòng tham nên tôi cũng tự biến mình thành kẻ lưu manh, trộm cắp tài sản của người đi đường một cách chuyên nghiệp lúc nào không hay”. Thực tế những lần phạm tội được chỉ mặt điểm tên vẫn còn quá ít so với những lần Phú nhúng tay vào những vết nhơ ngoài pháp luật.
Cái suy nghĩ thiển cận chỉ vì bản thân, vô trách nhiệm với gia đình, xã hội, hình thành nên lối đi ngoài làn ranh luật pháp của Phú. Phú còn có tật mê cờ bạc, cái trò đỏ đen thua nhiều thắng ít, cứ tưởng lấy mỡ nó rán nó ai ngờ dần dà Phú chìm ngập trong nó. Kinh doanh làm ăn lãi chẳng đủ chơi cờ bạc, mỗi lần thua Phú lại dở mánh… hai ngón, lắm lúc thấy người đi đường sơ hở, Phú tiện thể “nhảy” luôn những gì có thể bán được”...
Người ta thường nói lấy được một người vợ tốt là may mắn cả đời. Và đúng là cái số tôi may mắn thật, đầu những năm 1990, tôi được một cô gái ngoan hiền, cán bộ công chức đem lòng yêu và lập thân. Lúc đó tôi đã nghĩ tình yêu của người con gái ấy và viễn cảnh về một gia đình đầm ấm, hạnh phúc bên những đứa con sẽ giúp tôi tu tỉnh và cạch mặt thôi không nhúng tay vào những hành vi làm ăn phi pháp nữa; nhưng đúng là người ta nói chẳng sai, ngựa chứng khó đổi, yên bình bên mái ấm được vài năm thì tôi lại “ngứa nghề”.
Tôi liên tiếp “sưu tập” thêm cho bản thân mình những tiền án, tiền sự mới mà trước đó trong giai đoạn từ năm 1978 đến 2005 cứ vài ba năm tôi lại vào trại một lần. Cuối cùng cái gì đến cũng phải đến, nó như một kết cục đã được báo trước cho một kẻ như tôi khi một lần nữa tôi tự đưa mình vào vòng lao lý với tội danh Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Năm 2009, khi trời đã nhập nhoạng tối, tổ công tác CAP Phố Huế sau một thời gian theo dõi đã bất ngờ ập vào khám nhà thì bắt quả tang Phạm Bá Phú đang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Tại cơ quan điều tra, Phú khai rằng khi quét dọn nhà cửa thì thấy có một gói nhỏ bọc chất bột trắng là không biết nguồn gốc nhưng do biết là heroin nên Phú đã sử dụng.
Qua khai thác đấu tranh, Phú đã phải thú nhận toàn bộ hành vi của mình. Với nhân thân là một đối tượng từng có nhiều tiền án, tiền sự nay lại tái phạm với hành vi nghiêm trọng nên Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã tuyên phạt bị cáo Phạm Bá Phú 7 năm tù giam vì tội danh Tàng trữ trái phép chất ma túy.
Gặp lại phạm nhân Phạm Bá Phú những ngày này mới thấy, giải mã câu chuyện đời mình bằng việc đổ lỗi cho hoàn cảnh xô đẩy, cho số phận định đoạt chỉ là một cách ngụy biện. Bởi lẽ, nhìn vào những lần Phú trở về xã hội từ ngục tối đều nhận được sự chung tay giúp đỡ của người thân của cộng đồng. Có lẽ khi tuổi còn trẻ, lối suy nghĩ, quan điểm sống lệch lạc đã hằn sâu trong con người để chính Phú đã tự tay bán cuộc đời như canh bạc, mà nay khi đầu đã hai thứ tóc mới thấm thía và thèm khát những ngày bình yên, mong muốn sự tự do.
Nửa đời người ra tù vào tội, ăn cơm trại, giờ đã ở ngưỡng bên kia cuộc đời, Phú bảo mong muốn hơn tất thảy là mong ngày về đến thật nhanh. Gia đình Phú đã chuyển sang kinh doanh vật liệu cách điện, nó không chỉ giúp cải thiện kinh tế hơn mà như ngầm hiểu một lời nhắn nhủ đến Phú sau này trở về với xã hội có một nghề kinh doanh đàng hoàng hơn. Mong muốn đó thật dễ thực hiện bởi ước mơ phục thiện đang dần thành hiện thực khi ngày về không còn xa nữa với phạm nhân Phạm Bá Phú.