Từ bạo hành tinh thần...
Trong xã hội đã từng một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “trọng
nam khinh nữ”, việc chồng “dạy” vợ là lẽ thường tình khiến nạn bạo hành
càng có cơ hội để hoành hành.
Thêm vào đó, nhiều khi người bị bạo hành
không ý thức được quyền lợi của mình nên cứ tiếp tục cam chịu. Còn người
gây ra bạo hành thì không nhận thức được hành vi sai trái của mình, nên
cứ “hồn nhiên” vi phạm pháp luật.
Vấn đề đáng nói hiện nay là tình trạng bạo lực gia đình không chỉ ở những người thiếu hiểu biết mà còn có cả những người trí thức, có địa vị trong xã hội.
Những hành vi bạo hành được chia làm 4 dạng: bạo lực thể chất (đánh
đập), bạo lực kinh tế (đập phá, cắt thu nhập), bạo lực tình dục, bạo lực
tinh thần.
Phần lớn thì dạng bạo lực về thể chất là của những người học thức thấp, còn giới trí thức thường bạo lực thiên về tinh thần. Nhưng cũng có những tên trí thức, có địa vị xã hội lại hảnh xử như những tên côn đồ với chính người thân của mình khiến dư luận không khỏi phẫn nộ.
Những tưởng sinh ra và nuôi dưỡng được những đứa con là thạc sĩ, kỹ sư thì người mẹ sẽ được hưởng hạnh phúc vào lúc cuối đời, nhưng hoàn cảnh của bà Nhung lại quá đỗi bi đát.
Ngày 20/7/2009, một người đàn bà 77 tuổi tìm đến tòa soạn nhờ can thiệp việc ba người con trai của bà, là những thạc sĩ - luật sư, kỹ sư, cán bộ thi hành án, đã cùng cô con dâu út bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần bà nhiều năm qua.
Bà mẹ tội nghiệp Đỗ Thị Nhung
Theo bà Đỗ Thị
Nhung (77 tuổi, một giáo viên đã nghỉ hưu, P.15, Q. Tân Bình, TPHCM), người
đánh bà là ông Nguyễn Thanh Sơn, 49 tuổi, kỹ sư cơ khí, từng là giảng
viên của một trường ĐH.
Sự việc bắt đầu từ những mâu thuẫn gia đình giữa
bà Nhung và cô con dâu Nguyễn Thị Thuyết (vợ ông Nguyễn Thanh Long, cán
bộ thi hành án huyện Cần Giờ, con trai út của bà Nhung).
Bênh vực em dâu, 1h sáng ngày 27/6, ông Sơn sau khi mắng chửi đã tát tai mẹ mình tới tấp. Chưa đủ, ông còn túm tóc, đấm vào mặt người mẹ đã ở tuổi gần đất xa trời này.
Sau đó, ông Sơn dửng
dưng như không có chuyện gì xảy ra, để mặc mẹ mình mặt mũi máu me, tự
gọi xe ôm đi cấp cứu. Thấy bất bình, bà Nguyễn Thị Hồng - tổ trưởng tổ
dân phố 93 báo sự việc lên CA P.15.
Theo bà Nhung, đây là lần thứ hai người con trai này có hành vi côn đồ với mẹ. Hơn một năm trước, bà Nhung có nhờ ông Sơn mua màn cửa sổ. Khi không vừa ý, bà muốn đổi cái khác, liền bị ông con giật cái màn xuống, ném trả lại tiền và không quên “tặng” mẹ đẻ hai cái bạt tai.
“Tôi không thể tưởng tượng con mình lại hành xử thú tính với mẹ như vậy. Không chỉ Sơn, mà những đứa con trai khác của tôi cũng vậy” - bà Nhung ôm mặt khóc.
“Trong những đứa con, Long có vẻ ổn hơn, không đánh tôi bao giờ, thậm chí nhiều lần còn can ngăn vợ khi chị này lao vào đánh tôi. Nhưng Long cũng nhiều lần chửi tôi thậm tệ” - bà Nhung cho biết.
Bạo hành mẹ già như vậy nhưng khi cán bộ đến tìm hiểu thì các con của bà Nhung đều cho rằng: "Chúng tôi không đủ trình độ để nói chuyện. Còn các anh ấy có trình độ, sao lại đối xử với mẹ mình như vậy”?, bà Hồng chia sẻ.
Đáng buồn hơn là chồng bà Nhung - ông Nguyễn Như Chương - nguyên là một chuyên viên
Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng từng bạo hành vợ mình trước kia nên con trai cũng "học theo" để ngược đãi mẹ đẻ mình.
Khi tìm hiểu, các con của bà Nhung đã đưa ra nhiều lý do. Nhưng rõ ràng dù có bất bình đến mức nào và dù vì lý do gì đi nữa, thì làm con cũng không được phép đối xử tàn tệ với đấng sinh thành của mình như thế!
... đến bạo hành thể xác
Bên cạnh những "trí thức" bạo hành tinh thần thì cũng có cả những người trắng trợn bạo hành thể xác ngay cả khi có học thức và sự nghiệp.
Sau nhiều lần bị chồng là anh Nguyễn Văn Tiến (giáo viên cấp 3, xã Phú Đa, H. Phú Vang, TT-Huế) đánh đập, xúc phạm nhân phẩm, chị Hoàng Thị Kim Ánh (29 tuổi, An Dương Vương, TP Huế) đã gửi đơn kêu cứu.
Hai vợ chồng cưới nhau năm 2006 và hiện đã có 1 con 5 tuổi. Khoảng 3 năm trở lại đây, không hiểu vì lý do gì, anh Tiến thường có hành vi bạo lực đối với mẹ con chị cả về thể xác lẫn tinh thần, cụ thể là đánh đập gây thương tích, xúc phạm danh dự nhân phẩm chị.
Năm 2011, hầu như ngày nào chị cũng bị anh Tiến đánh đập,
nhưng chị không biết vì nguyên nhân gì. Có lần anh Tiến đánh chị Ánh
dẫn đến mặt mày bầm tím, chân chảy máu.
Sau nhiều lần bị đánh đập, tháng 7-2011, chị Ánh có đơn gửi TAND TP Huế xin được ly hôn. Nhiều lần được tòa triệu tập nhưng anh Tiến không đến, chỉ đến ngày 7-3-2012, anh mới đồng ý đến tòa để giải quyết việc ly hôn.
Từ hôm đến tòa về, hầu như ngày nào anh Tiến cũng đánh chị Ánh. Thậm chí anh còn đánh vợ cả ngoài đường để nhục mạ, chửi bới khiến chị không thể chịu đựng nổi.
Đau lòng hơn, con họ, một đứa trẻ chưa đầy 5 tuổi mà phải bị ám ảnh
cảnh ba thường xuyên đánh mẹ. Thậm chí, Tiến đánh luôn con khi cháu bé khóc vì sợ hãi thấy mẹ chảy máu.
Những vết thương ở mặt và chân mà anh Tiến đã gây ra cho chị Ánh
Những
trường hợp bạo hành trong gia đình trí thức thường là tổng hòa của
nhiều dạng bạo hành như: Bạo hành về thể xác, tinh thần, tình dục và
kinh tế, tuy nhiên bạo hành về tinh thần vẫn diễn ra phổ biến.
Không ồn ào huyên náo như bạo hành thể xác nhưng bạo hành tinh thần hết sức nguy hiểm. Nạn nhân của bạo hành này thường dễ bị suy kiệt tinh thần, stress nặng nề, tinh thần hoảng loạn, nhiều người không chịu được còn tìm đến cái chết, cũng đã có những nạn nhân trở nên tâm thần…
Đã đến lúc cần có những biện pháp mạnh hơn để khắc phục tình trạng bạo
lực gia đình liên tiếp xảy ra bởi đây là vấn đề vi phạm nghiêm trọng đến
quyền con người, đến nhân phẩm, danh dự thậm chí cả tính mạng của nạn
nhân.