Vào tù vì men rượu
Lê Tiến Toàn (SN 1990, quê Thừa Thiên - Huế) được sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo có 6 anh chị em. Khi Toàn lên 5 tuổi, cha cậu mất do mắc bệnh hiểm nghèo, bỏ lại gánh nặng nuôi cả đàn con cho người vợ.
Có lẽ vì quá lao lực trong cuộc mưu sinh, hơn 10 năm sau, mẹ Toàn cũng từ giã cõi đời sau một cơn bạo bệnh. Năm đó, Toàn bắt đầu học cấp 3 và cũng là người học cao nhất trong gia đình. Mồ côi cả mẹ lẫn cha, cậu học trò tuy đau đớn nhưng vẫn quyết tâm học hành đến nơi đến chốn để hai bậc sinh thành yên lòng nơi “chín suối”.
Rồi ngày vui đó cũng đến khi Toàn thi đỗ vào một trường đại học có tiếng ở miền Trung. Ngã rẽ cuộc đời của Toàn đến vào tháng 3/2008, khi cậu về thăm nhà và đi nhậu cùng đám bạn. Khi men rượu đã ngấm vào người, Toàn nhận lời đi “giúp” một người bạn tên Tú giải quyết mâu thuẫn với một nhóm thanh niên khác.
“Lúc giáp mặt nhau, bên em cứ xông vào, gặp ai chém nấy. Về đến nhà thì em tỉnh rượu và biết mình đã hành động dại dột nhưng đã quá muộn anh ạ. Hôm sau em nghe tin trong số các nạn nhân có một người đã qua đời nên em đi tự thú”, Toàn ân hận thuật lại.
Phút giây bồng bột trong buổi tối định mệnh ấy đã khiến Toàn bị Tòa tuyên phạt 13 năm tù về tội “Giết người”.
Chuyện tình trong veo
Toàn có một người anh họ với một cơ ngơi đầy đủ và cuộc sống tiện nghi không thiếu thứ gì. Nhưng thay vì tu dưỡng đạo đức bản thân để kế thừa và phát huy gia sản của cha mẹ thì anh ta lại là người ham ăn chơi trác táng với những cuộc vui thâu đêm suốt sáng.
Một ngày nọ, anh chàng này bỗng dưng cưới vợ trong sự ngạc nhiên của cả gia tộc, càng nhạc nhiên hơn khi cô dâu lại là một cô gái quê mùa, cục mịch. Thì ra đây là cuộc hôn phối kiểu “bác sĩ bắt cưới”, người anh họ của Toàn không hề yêu cô gái nhưng phải “đón nàng về dinh” vì “trót lỡ” làm “nàng” mang bầu.
Ban đầu, Toàn rất coi khinh vợ của anh họ bởi bình thường cậu đã không tôn trọng người anh này, nay chị lại thành vợ anh vì hai người “ăn cơm trước kẻng”. Tuy nhiên, trong lần đầu tiếp xúc với chị dâu thì Toàn đã thay đổi định kiến của mình.
Hôm đó, Toàn bắt gặp chị đang ngồi một mình trong một góc quán cà phê, đưa ánh mắt buồn rầu nhìn xa xăm (quán này thuê mặt bằng từ một căn nhà của chồng chị). Toàn có cơ hội nhìn kỹ khuôn mặt chị và thấy thiếu phụ này không xấu như cậu tưởng, trái lại còn rất phúc hậu và xinh đẹp. Toàn lại gần, chị không để ý. Toàn lớn tiếng gọi, chị giật mình ngoảnh lại và cười, nụ cười khiến chị càng đẹp hơn.
Sau buổi trò chuyện đó, Toàn cảm thấy quý mến người chị dâu này và thầm tiếc vì chị đã chọn sai nơi để trao thân gửi phận.
Chuyện tình cảm giữa hai người phát triển hơn trong một lần Toàn đến thăm anh họ nhưng người anh bận đi Hà Nội dài ngày nên vắng nhà. Có nhiều thời gian để chuyện trò, Toàn mới biết rằng người chị dâu này tuy mang danh là vợ của thiếu gia, là chủ của căn biệt thự bề thế bậc nhất vùng nhưng thực chất thì chị không hề được chồng yêu thương, tôn trọng, mà hằng ngày chị phải làm đủ mọi công việc của một “ô sin” trong cơ ngơi hoành tráng ấy.
Hỏi chị vì sao không tranh thủ lúc chồng xa nhà về thăm gia đình hoặc là đi chơi đâu đó cho đỡ buồn, chị bỗng òa khóc vì tủi thân. Thì ra, chồng chị đi xa nhưng chỉ để lại cho chị số tiền vừa đủ để lo chuyện cơm nước trong mấy ngày anh vắng nhà. Anh lúc nào cũng mặc toàn quần áo đắt tiền, dùng toàn đồ xa xỉ nhưng không hề mua cho vợ lấy nổi một bộ đồ đàng hoàng.
Thương chị dâu, Toàn “ép” chị theo mình ra chợ để tặng chị vài bộ đồ như ý. Toàn cũng đưa cho chị một ít tiền nhưng chị nhất quyết không nhận. Tuy nhiên, có lẽ một là vì quá nhớ nhà, hai là vì cảm động trước tấm lòng của Toàn, người chị dâu đã đồng ý để cậu chở về quê thăm gia đình.
Trong vài ngày thăm nhà, người chị dâu nói với Toàn bằng sự cảm kích: “Được về nhà là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của chị và chị không muốn đánh mất quãng thời gian tuyệt vời này”.
Giây phút đó, Toàn hiểu rằng cả mình và chị dâu đều đã lỡ bước qua ranh giới của tình cảm chị em đơn thuần. “Tôi nghe chị nói vậy mà thấy hơi lạnh và sợ vì tôi cũng không hiểu mình đang làm gì nữa vì chồng chị là anh họ của tôi. Nhưng sự thực là tôi không thể cưỡng lại nét dịu dàng của chị”, Toàn thú nhận.
Những ngày ngắn ngủi ấy rồi cũng nhanh chóng qua đi và Toàn phải đưa chị dâu trở về với cuộc sống thực tại. Lúc đưa chị về nhà chị, Toàn thấy anh họ của mình đã ở đó tự lúc nào. Người anh thấy em họ dám đưa chị dâu “trốn” đi dài ngày, dù biết rằng vợ mình chỉ về thăm cha mẹ đẻ, nhưng cũng không kiềm chế được sự tức giận. Anh làm ầm ĩ mọi chuyện, cấm cửa không cho Toàn đặt chân đến nhà mình.
Mong đợi ngày về
Sau này Toàn mới biết rằng sự “ghen tuông” ấy chỉ là một màn kịch của người anh họ, bởi sau này anh ta đã mượn chuyện này làm cớ đưa một cô vợ bé về chung sống. “Cũng từ đó, anh liên tiếp giáng những trận đòn xuống đầu chị. Thấy mặt chị bầm tím, tôi hiểu lý do và lại càng thương chị hơn”, Toàn thở dài.
Bẵng đi một thời gian, một hôm, Toàn nhận được điện thoại của người chị dâu trong một buổi chiều mưa tầm tã. Toàn chạy đến trước căn biệt thự thì thấy chị thất thểu đứng ngoài cửa, giữa trời mưa. Thấy Toàn, thiếu phụ òa khóc và lao vào lòng cậu mà nức nở nói rằng suốt thời gian qua, chị bị chồng hắt hủi, và hôm nay thì chính thức bị anh đuổi ra khỏi nhà.
Uất ức đến tột độ, Toàn đưa chị về nhà mình, thưa chuyện của chị với mọi người. Dù thương cảm về hoàn cảnh của thiếu phụ này, nhưng người thân của Toàn cũng lờ mờ đoán được mối quan hệ “đặc biệt” của Toàn với cô nên đã kiên quyết phản đối không chấp nhận cho cô ở lại trong nhà. Thế là cậu đành xoay sở, nhờ bạn bè tìm cho chị một công việc và thuê một căn nhà nhỏ để ở tạm.
Một thời gian sau đó, người anh họ của Toàn tìm đến cậu để nói rằng
trong quá trình “chơi” ma túy, anh ta đã mắc “căn bệnh thế kỷ”, và cũng
vì ma túy mà anh đã sự nghiệp tiêu tan, gia sản tiêu tùng.
Toàn nói sẽ cố gắng lao động, cải tạo thật tốt trong trại giam để sớm được giảm án, sớm được trở về xã hội nhằm “thực hiện nốt những việc phải làm nhưng còn dang dở”...