Tiền thất thoát từ việc thu chi BHYT chảy vào túi ai?
Theo những chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ: Ngày 22/9, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có công văn số 3621/BHXH-CSYT "V/v thông báo kết luận sau kiểm tra".
Trong phần phụ lục của công văn này về phần nội dung "Các khoản chi kiến nghị thu hồi về quỹ bảo hiểm y tế" như: Bệnh nhân nội trú nằm giường ghép từ tháng 7/2014 tại khoa, tháng 8-12/2013 tại Khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Chi phí dịch vụ áp sai giá, không được phê duyệt, không thực hiện, không giải trình; Chi phí dịch Ringer Lactat và NaC1 9% sử dụng trong PT Phaco; Các mặt hàng thuốc có giá trị thanh toán , hoặc giá kê khai, kê khai lại; Chi phí chênh lệch giá trần thanh toán thể tinh thể 6 tháng đầu năm 2014; Chi phí chênh lệch của đầu cắt dịch kính thanh toán BHYT so với báo cáo xuất nhập tồn của toàn bệnh viện; Chi phí chênh lệch của dây dẫn Laser thanh toán BHYT so với báo cáo xuất nhập tồn của toàn bệnh viện.
Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thất thoát nói trên, ngày 19/8, Đoàn kiểm tra bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo kết quả kiểm tra theo quyết định số 604/QĐ-BHXH ngày 25/5.
Bản bản báo cáo này chỉ ra những khuất tất liên quan đến việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Chúng tôi xin trích một phần báo cáo cụ thể như sau: Kiến nghị thu hồi số tiền hơn 13 triệu với 2 dịch vụ do ghi sai tên, thu hồi về quỹ BHYT số tiền gần 122 triệu của 4 dịch vụ áp giá tương đương cao hơn giá phê duyệt, 3 dịch vụ không được phê duyệt thực hiện, 1 dịch vụ đã thanh toán BHYT nhưng không thực hiện và 1 dịch vụ không giải trình được.
Kiến nghị Bộ Y tế cho ý kiến xử lý đối với 4 dịch vụ áp giá tương đương và 2 dịch vụ bơm rửa lệ đạo mắt, hai mắt số tiền hơn 488 triệu VNĐ.
Bên cạnh những kết luận sai phạm, Thanh tra BHYT cũng cần thanh tra lại việc bệnh nhân điều trị theo yêu cầu để mổ trái tuyến, vượt tuyến, vì không loại trừ trường hợp, có thể qua một bàn tay nào đó đã phù phép hồ sơ để bệnh nhân được hưởng BHYT đúng tuyến.
Chính từ những việc làm mờ ám này đã gây nên sự thất thoát cho ngân sách nhà nước lên đến hàng chục tỷ đồng.
Tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi"
Từ năm 2010 - 2014, phòng mổ Laser 1 phẫu thuật hơn 12.000 mắt cận thị. Hầu hết bệnh nhân được phẫu thuật do BS Hiệp theo dõi trong mổ.
Các bệnh nhân phẫu thuật cận thị đều trẻ tuổi và khỏe mạnh. Phẫu thuật cho họ chỉ nhỏ thuốc tê tại chỗ mổ, không cần tiêm tê hay gây mê hồi sức nên không có những biến chứng do thuốc gây mê hay thuốc gây tê gây ra.
Khi yêu cầu theo dõi trong mổ phải có ý kiến của bác sĩ gây mê hồi sức và phải có biên bản kèm theo bệnh án và sổ theo dõi của phòng mổ. Và khi có chỉ định gây mê trong mổ thì BS gây mê sẽ được hưởng 140.000 đồng/ca mổ.
Tháng 8/2014, nhân viên bệnh viện phát hiện những hành vi sai trái liên quan đến số tiền được được rút ra từ theo dõi trong mổ cho bệnh nhân mổ cận thị (Lasik) của Bệnh viện là 140.000 đồng x 12.000 ca = khoảng 3 tỷ VNĐ.
Khi những tiêu cực nói trên bị phát hiện thì tháng 12/2014, không hiểu vì lý do gì mạng nội bộ của bệnh viện bất ngờ xảy ra sự cố trong vòng 1 tháng. Đồng thời thời gian này, nhân viên phòng công nghệ thông tin thường về rất muộn, có ngày ở lại đến 22h để in giấy tờ.
Trước đây, một nhân viên bình thường của bệnh viện cũng có thể xem thông tin về bệnh nhân phẫu thuật mổ Lasik có được theo dõi gây mê hay không? Nhưng từ sau khi mạng nội bộ xảy ra sự cố thì không thể xem được thông tin đó trên máy tính nữa.
Trước những sự việc "bất bình thường" xảy ra, nhiều quan điểm cho rằng, không loại trừ khả năng có một thế lực đen tối nào đó đã biết trước việc tham ô của mình bị phát hiện nên cố tình dùng những thủ thuật tinh vi để đánh sập hệ thống, nhằm xóa bỏ sạch những dấu vết sai phạm được lưu trữ.
Nhức nhối không dừng lại ở việc "tiêu cực" trong thu chi BHYT mà nó còn liên quan đến cả chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ BS đang công tác tại Bệnh viện mắt Trung ương.
Quay trở lại với vụ việc xảy ra năm 2012, thời gian này một số phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt phản ánh sự yếu kém về chuyên môn hay thiếu y đức của BS Hiệp trong quá trình thực hiện ca mổ cho bệnh nhân đã gây ra thương tích.
Sau khi sự việc xảy ra, Bệnh viện mắt Trung ương có công văn số 458/BVMTW- ĐN với nội dung "Trong khi tiến hành ca mổ mắt đục thủy tinh thể cho bệnh nhân, BS Nguyễn Xuân Hiệp đã mạnh tay đè cằm, làm cằm nạn nhân bị sưng tấy bầm tím sau khi mổ, gây thắc mắc và bức xúc cho gia đình nạn nhân".
Tuy nhiên, việc làm "tắc trách" này sau đó đã có dấu hiệu "chìm xuồng".