Thoát án tù nhờ... tòa án làm thất lạc bản án

Bị tuyên phạt 30 tháng tù giam vì tội cố ý gây thương tích đã gần 13 năm, Phạm Ngọc T. không phải ở tù chỉ vì trên đường từ tòa thành phố chuyển về quận, bản án đã thất lạc.

Do có mâu thuẫn từ trước, ngày 25/6/2000, Phạm Ngọc T. (35 tuổi) cùng đồng bọn xông vào nhà một người dân ngụ cùng phường dùng mã tấu đâm, chém người này gây thương tích.

Sau đó TAND quận Tân Bình mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt T. 30 tháng tù. Bản án hình sự phúc thẩm số 172/HSPT ngày 20/4/2001 của TAND TP.HCM cũng tuyên y án sơ thẩm.

Sống khỏe ngoài vòng pháp luật

Nhưng kể từ khi bản án được tuyên, đến nay đã gần 13 năm T. không hề đi thi hành án phạt tù. Năm 2012, một số người dân đã làm đơn tố cáo gửi TAND quận Tân Bình. Ngày 26/10/2012, ông Phan Văn Hải, chánh án TAND quận Tân Bình, có thông báo trả lời từ năm 2011 đến nay tòa này vẫn chưa nhận được bản án hình sự phúc thẩm của TAND TP.HCM.

Bản án sơ thẩm của TAND quận Tân Bình

Từng xử lý hình sự một vụ quên thi hành án

“Cách đây vài năm, TAND TP.HCM đã xử một vụ án cán bộ tư pháp cũng nhận hồ sơ nhưng rồi quên. Hội đồng xét xử đã xử bị cáo này 6 năm tù vì vụ án mà người cán bộ đó bỏ quên đến thời điểm phát hiện đã hết thời hiệu, hậu quả không khắc phục được” - thẩm phán Vũ Phi Long cho biết.

Ngày 6/1/2014, ông Phan Văn Hải cho biết: “Sau này chúng tôi mới truy ra là bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM có gửi về đây, còn ban đầu chúng tôi không tìm ra bản án vì người phụ trách công tác thi hành án hình sự vào thời điểm đó không còn công tác tại TAND quận Tân Bình nữa”.

Ông Hải nói rằng TAND quận Tân Bình có làm công văn gửi lên TAND TP.HCM hỏi về việc chưa nhận được bản án phúc thẩm thì được TAND TP.HCM chụp cho bản photocopy về việc TAND quận Tân Bình đã ký nhận bản án. Chữ ký đó là của một cán bộ thư ký phụ trách vấn đề thi hành án tại quận Tân Bình năm 2001.

“Ngay sau đó chúng tôi cử anh Võ Phước Lý là người phụ trách công tác thi hành án hình sự của quận Tân Bình lên trao đổi miệng với tòa hình sự TAND TP.HCM, hỏi xem bây giờ hướng chỉ đạo của Tòa án TP.HCM là như thế nào, giờ chúng tôi nên làm gì? TAND TP.HCM cũng trả lời miệng rằng vụ án đó đã quá lâu, giờ cần phải xem thời hiệu thi hành bản án đó có còn hay không, nếu không còn đương nhiên T. được hưởng quyền lợi không phải thi hành án. Xét cho cùng, đó là lỗi của cơ quan tố tụng, cơ quan thi hành án chính là TAND quận Tân Bình mà hồi đó tôi vẫn chưa về đây công tác” - chánh án Hải nói.

Tự nhiên khỏi ở tù!

Ngày 10/1/2014, trao đổi với PV, ông Vũ Phi Long, phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, cho biết đây là vấn đề rất nghiêm trọng, thậm chí còn có dấu hiệu của tội phạm hình sự. “Quyết định thi hành án phải thực hiện ngay sau khi nhận được bản án trong vòng một tuần. Còn nếu bản án ở trên TAND TP thì trong vòng mười ngày là phải ra quyết định. Nói chung, từ khi xử xong đến khi chấp hành bản án chỉ khoảng 17 ngày” - ông Long nói.

Ông Long cũng cho biết ngay sau khi biết thông tin, lẽ ra lãnh đạo TAND quận Tân Bình phải lên TAND TP.HCM để kiểm tra và xác minh. Nếu TAND quận Tân Bình đã đánh mất bản án thì phải lên TAND TP.HCM xin lại vì bản án được lưu lại ở Tòa TP cả mười mấy, hai mươi năm. Chuyện đó đâu có khó khăn gì vì năm 2001 việc lưu trữ đã được vi tính hóa.

Theo ông Võ Văn Thêm - viện phó Viện phúc thẩm 3 Viện KSND tối cao, căn cứ điểm a, khoản 2, điều 55 Bộ luật hình sự, bản án dành cho T. chỉ có thời hiệu thi hành tối đa năm năm. Do đó, “ông T. sẽ không còn phải thi hành án tù này nữa. Nhưng cũng vẫn cần phải xem xét kỹ, nếu T. cố ý trốn không thi hành án thì sẽ không được hưởng thời hiệu theo luật định” - ông Thêm nói.

Tuy nhiên, thực tế là ông T. không hề trốn khỏi địa bàn cư trú mà chỉ có chuyện không ai ra thông báo buộc T. thi hành án. Ông Vũ Phi Long nói: “Hậu quả này là vô cùng nghiêm trọng và không có cách nào khắc phục”.

Theo ông Long, TAND quận Tân Bình phải khẩn trương rà soát xem việc không thi hành án này là do khâu nào, do con người hay do cơ chế quản lý hành chính. Nếu lỗi thuộc về một cá nhân thì phải xem là do vô ý tắc trách hay cố ý. Nếu là cố ý thì tội phạm này rất nghiêm trọng bởi vi phạm hoạt động tư pháp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại