Những cán bộ chiến sĩ công an huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã chứng tỏ trình độ nắm bắt tâm lý tội phạm sâu sắc khi xử lý vụ án nghi phạm trộm sâm trốn vào rừng đòi tự vẫn. Trước tình huống đối tượng Hồ Văn Báo (SN 1990, ngụ thôn 4, xã Trà Linh) sau khi ăn trộm tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng, bị phát giác thì nhanh chân lẩn vào rừng sâu rồi nhắn tin “tuyệt mệnh” về gia đình, một kế hoạch thuyết phục, giải cứu nghi phạm đã được triển khai hoàn hảo.
Ảnh minh họa
“Lạy ông tôi ở bụi này”
Nhà Báo có tới bảy miệng ăn nhưng việc phát rẫy tỉa lúa lại chỉ có ba mẹ làm, các con không phụ giúp gì nên nhà nghèo càng nghèo hơn. Bỏ học sớm, Báo nhanh chóng quen các kiểu ăn chơi đua đòi từ các bạn hư nơi phố núi, kết thân với Hồ Văn Cường (SN 1992, ngụ thôn 3, xã Trà Linh). Cả hai nhanh chóng hợp nhau vì cùng có sở thích chung là... máu ăn chơi lêu lổng, thường xuyên la cà ở các quán nhậu, cà phê, karaoke ở thị trấn Tắk Pỏ (Nam Trà My). Nhu cầu ăn chơi thì "vô biên" mà “đôi bạn cùng lùi” này lại ít tiền, nếu có thì cũng là dăm đồng bạc lẻ trộm cắp từ cha mẹ. Thấy nhà chẳng có gì để có thể ăn trộm bán lấy tiền tiêu xài, cả hai nghĩ ra kế thỏa mãn thú ăn chơi là… đi chôm chỉa đồ thiên hạ.
Ở cái thị trấn miền núi này, trước kia bà con còn vô tư để ngỏ cửa nhà mà đi hàng tuần cũng không lo mất đồ. Nhưng nay họ đã biết cảnh giác, “thó” cái máy bơm, xe đạp hay sợi dây điện cũng khó, huống hồ là tài sản có giá trị khác. Hai thanh niên sau nhiều ngày bàn tính đã nghĩ ra một thứ đồ cực kỳ quý và đắt tiền vẫn có thể trộm và tiêu thụ nhanh là sâm.
Là “thổ địa” của vùng, Báo đã dẫn Cường về nhà ở lưng chừng núi Ngọc Linh để trộm sâm. Một ngày cuối tháng 5/2011, cả hai lẻn vào Trại dược liệu Trà Linh “ẵm” 6 kg sâm, chia nhau mỗi người 3 kg đem bán. Số sâm này Cường bán được hơn 82 triệu đồng, tậu ngay một chiếc xe gắn máy hiệu Yamaha Exciter giá 36 triệu đồng, lại còn gửi về “báo hiếu” cho gia đình 10 triệu đồng.
Báo thì “phá giá” để tẩu tán nhanh hơn nên chỉ bán được 60 triệu đồng. Sau "phi vụ" có phần "trúng đậm", bộ đôi này hẹn tái ngộ tại phố núi Tắk Pỏ để “đập phá linh đình cho thiên hạ lác mắt chơi”.
Trong lịch sử phá án của công an tỉnh Quảng Nam, vụ trộm sâm này có lẽ là vụ việc dễ điều tra nhất. Nguyên nhân đến từ phía lũ trộm ngu ngốc: Chẳng hiểu khi vào vườn nhổ sâm, lóng ngóng thế nào mà Báo lại đánh rơi chiếc ví đựng giấy tờ tùy thân tại hiện trường. Với những bằng chứng này, cảnh sát chỉ mất vài giây đã có thể biết nghi phạm là ai. Thế nhưng cảnh sát vẫn không bắt được Báo ngay. Biết mình đã lâm vào thế “lạy ông tôi ở bụi này” nên trước khi công an tìm tới nơi, Báo đã nhanh chân chạy vào rừng sâu ẩn náu.
Đã nhát còn đòi “khè” cảnh sát
Vào rừng chơi hoặc vào làm một vài ngày rồi trở ra thì không sao, nhưng vào rừng trốn truy bắt thì tâm lý thay đổi. Thế nên kẻ trộm sâm sau một ngày lẩn trốn trong rừng bỗng cảm thấy hoang mang và đơn độc. “Sống thế này thì cũng có ngày đến chết mất thôi, nếu công an không tìm thấy thì rồi cũng chết đói, chết khát, chết vì thú dữ, chết vì buồn...”.
Báo khi ấy ngẫm nghĩ thế và suy nghĩ này sau đó đã được cậu trai bồng bột thuật lại với một điều tra viên. Sau nửa ngày lòng vòng trong rừng sâu, Báo lại thấy nhớ quay quắt những quán nhậu, nhớ cái bàn bi a, nhớ những cuộc chơi thâu đêm cùng chiến hữu. Mới vài tiếng đồng hồ đã nhớ bạn bè, cậu ta liên tục dùng điện thoại di động liên lạc với chiến hữu. Đến lúc quẫn quá, Báo nhắn tin cho một số người tâm sự “lu loa”... “tao chuẩn bị tự tử đây”.
Chẳng lẽ vì vài củ sâm mà phải mất mạng người? Sợ hãi quá, bạn bè hắn liền cấp báo với cảnh sát. Đến cảnh sát cũng phát hoảng trước thông tin này, vì nếu nghi phạm tự vẫn, không chỉ nạn nhân thiệt mà cơ quan điều tra cũng phải áy náy, thậm chí biết đâu còn phải chịu trách nhiệm gián tiếp vì không hoàn thành nhiệm vụ, không bảo toàn được tính mạng người bị tình nghi?
Cảnh sát áp dụng biện pháp điều tra công nghệ cao nhằm xác định khu vực điện thoại của Báo đang phát sóng nhưng biện pháp này cũng "chào thua" vì sóng điện thoại của nghi phạm rất chập chờn. Vậy là ngày 25/5/2011, hàng chục công an và người thân, bạn bè Báo, tổng số khi ấy có đến hàng trăm người được huy động dưới sự chỉ huy của Đại úy Trần Khánh Lâm, Đội phó Đội điều tra công an huyện bọc rải rác quanh cánh rừng tìm kiếm.
Người nào người nấy cũng lăm lăm điện thoại để sẵn sàng tiếp chuyện với Báo, nhưng hễ bắt được liên lạc thì lại thấy hắn khóc than nức nở: “Em không muốn sống nữa. Em chuẩn bị treo cổ đây”. Đại úy Lâm cùng trung tá Lê Thành Dương, Đội trưởng công an phụ trách xã nhiều lần thuyết phục qua điện thoại bằng tiếng Xơ Đăng nhưng cậu ta vẫn nhất quyết là: “Em chuẩn bị chết đây”. Nửa ngày trôi qua, cuộc “giải cứu” vẫn “giậm chân tại chỗ”. Đầu giờ chiều, mọi người được phân chia làm nhiều tổ, cắt rừng lần mò vào với hi vọng biết đâu sẽ gặp Báu, nhưng kết quả nhận được đều tràn trề thất vọng: “Không thấy bóng dáng đối tượng đâu”.
Đến ngày thứ hai, thấy đối tượng ở đầu máy bên kia khi liên lạc được vẫn nức nở “trình bày”… chuẩn bị chết, kinh nghiệm công tác của các chiến sĩ công an nhận thấy Báo rõ là nhát gan, chỉ “khè” cán bộ. Mọi người quyết định không kiếm tìm nữa mà ung dung ngồi một chỗ, cứ khi nào liên lạc được thì lại ôn tồn vận động: “Về đi, không việc gì phải chết”, hay “Trộm là tội nhẹ thôi mà”…
Chiến thuật “mưa dầm thấm lâu” này đã chứng tỏ hiệu quả khi cuối cùng Báo đã chấp nhận ra đầu thú. Vậy nhưng lúc này, một tình huống oái oăm nữa xảy ra: “Báo cáo các chú, cháu không thấy lối ra, chẳng biết đang ở đâu nữa”.
Nhiều tiếng đồng hồ sau đó, tên trộm ngớ ngẩn này mới biết mình đã lạc sang tận huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). Báo hại công an Quảng Nam lại phải điện sang đồng nghiệp tỉnh bạn nhờ đón xe cho nghi phạm về Quảng Nam đầu thú. Một tuần sau khi tiếp nhận đối tượng, công an huyện đã xác định chính Báo và Cường là chủ mưu trong vụ trộm cắp trên và nhiều vụ nhỏ lẻ khác trên địa bàn nên đã ra quyết định khởi tố bị can, khởi tố vụ án “trộm cắp tài sản”.
Hai tên trộm ngây ngô
Cuối tháng 12/2011, phiên tòa lưu động xử vụ án “Trộm cắp tài sản” đã được mở ra tại địa phương nhằm răn đe, cảnh tỉnh những đối tượng trộm cắp. Trước vành móng ngựa, hai bị cáo khai nhận nhiều lần trước đó đã bị công an nhiều xã, thị trấn thuộc huyện bắt quả tang về hành vi trộm cắp. Chúng thậm chí đã 3 lần chịu quyết định xử phạt hành chính nhưng cứ sau mỗi lần bị phạt từ 50 - 200 ngàn đồng, cặp đôi này lại tiếp tục “làm đậm hơn” để “bù” lại. Rạng sáng ngày 23/5/2011, Cường và Báo đã thực hiện vụ trộm sâm Ngọc Linh nêu trên.
“Vì sao có sức khỏe mà cả hai không chịu lao động, lại đi ăn cắp?”, chủ tọa phiên tòa hỏi. Báo ngây ngô: “Bị cáo muốn trộm cắp để có thật nhiều tiền chứ còn đi làm thì lâu lắm, mà đi làm thì cũng không có thời gian để chơi nữa. Hơn nữa, trộm cắp nếu có “xui xẻo” mới bị bắt và bị phạt, nhưng vẫn ít hơn so với “thu nhập” trong những lần trót lọt, đặc biệt là khi gặp mối “xịn””. “Bị cáo không xấu hổ với bạn bè?”. “Dạ có, nhưng nếu không có tiền “bao” chiến hữu ăn chơi còn xấu hổ hơn”.
Nghe chủ tọa giải thích “ăn trộm là vi phạm pháp luật, đồng tiền kiếm được từ phạm pháp là đồng tiền đáng xấu hổ”, Báo mới gục gặc cái đầu hiểu ra.
Tổng hợp các tội trạng, tòa tuyên phạt mỗi bị cáo 8 tháng tù giam, đồng thời hoàn lại số tiền đã bán được 6 ký sâm cho bị hại (lẽ ra phải áp giá thị trường là hàng trăm triệu nhưng bị hại thương tình nên không yêu cầu).
Tiền ăn cắp thì trả lại là đã rõ, nhưng riêng mức án tù, lúc này Báo và Cường mới khóc như ri: “Trộm mà cũng phải đi tù sao? Các bị cáo tưởng lấy cắp thì chỉ bị xử phạt thôi chứ. Nếu biết như ri thì chắc đã không trộm sâm”.
Theo Pháp luật & Thời đại