Ra tòa, tổng giám đốc bỗng bị... tâm thần

Theo DV |

Nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng thủy lợi 4 kiêm Giám đốc Chi nhánh miền Trung và Giám đốc Ban điều hành công trình Thủy điện Sông Tranh 2, khi bị “sờ gáy” bỗng dưng bị... tâm thần.

Làm khó để đòi hối lộ

Theo cáo trạng, khi còn là Phó Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng thủy lợi 4, Trần Đức Mậu được Tổng Công ty ủy quyền ký các hợp đồng kinh tế, quyết định việc cho nhập hàng và ký giấy đề nghị thanh toán với các đơn vị có hợp đồng giao dịch.

Để thi công xây dựng công trình Thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST 2), vị Phó tổng giám đốc này đã ký các hợp đồng mua tro bay (một loại bụi được thu tại bộ phận khí thải của ngành năng lượng từ quá trình đốt cháy than - PV) của Công ty Sông Đà 12 - Cao Cường (Sông Đà 12).

Bị cáo Trần Đức Mậu.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Trần Đức Mậu đã gây khó khăn cho việc giao nhận hàng và thanh toán tiền hàng mà Chi nhánh miền Trung còn nợ của Sông Đà 12. Điều này đã buộc ông Trần Văn Luân - người được Sông Đà 12 thuê vận chuyển hàng và ủy quyền thực hiện thanh toán - phải gặp và đề nghị đưa cho Mậu 500 triệu đồng.

Trần Đức Mậu đã chấp thuận. Sau đó, vị Phó Tổng Giám đốc này đã cho nhập hàng và ký các giấy đề nghị thanh toán cho Sông Đà 12.

Đến tháng 9.2010, Trần Đức Mậu được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng thủy lợi 4. Lúc này, dù không còn quyền hạn trong việc ký kết các hợp đồng, quyết định giao nhận hàng và đề nghị thanh toán số tiền còn nợ Sông Đà 12, nhưng Mậu vẫn liên lạc với ông Luân và yêu cầu đưa tiền "bôi trơn" mới cho nhập 2.400 tấn tro bay.

Ngày 8.10.2010, Trần Đức Mậu đã bị cơ quan điều tra bắt quả tang khi đang có hành vi nhận số tiền 300 triệu đồng của ông Luân tại một khách sạn ở Hà Nội.

Bỗng dưng... tâm thần

Trần Đức Mậu đã bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản. Hình phạt cho tội danh này từ 13 - 20 năm tù. Viện KSND Tối cao đã ủy quyền cho Viện KSND TP. Hà Nội giữ quyền công tố, việc xét xử được thực hiện ở TAND TP. Hà Nội.

Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23.1 vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã nêu lên một thực trang đang gây bức xúc trong xã hội.

Đó là “khi gây án, đối tượng tỉnh táo, bình thường, thậm chí còn vạch kế hoạch phi tang xác. Tuy nhiên, khi bị xử lý thì bỗng dưng bị tâm thần”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã đề nghị ngành y tế cũng như các cơ quan tư pháp phải làm rõ thực trạng này để tránh sót người, lọt tội.

Sau hơn 2 năm, ngày 25.1 vừa qua, vụ án đã được đưa ra xét xử sơ thẩm. Tại tòa, bị cáo Mậu đã xuất trình những giấy tờ của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng xác nhận mình bị ảnh hưởng tâm thần và phải có người giám hộ.

Tuy nhiên, ngay trong phần xét hỏi, bà Phan Thị Tâm (vợ bị cáo) - là người giám hộ - cho biết chưa được Viện KSND tống đạt cáo trạng theo quy định. Xét thấy đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên Hội đồng xét xử buộc phải hoãn phiên tòa.

Tuy vậy, dư luận vẫn còn rất băn khoăn và đặt dấu hỏi về trường hợp của bị cáo Mậu khi bị cáo này trưng ra trước tòa những giấy tờ của một số bệnh viện để chứng minh mình bị ảnh hưởng tâm thần.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều năm trong quá trình công tác, liên tục được đề bạt và kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, không thấy có hồ sơ, tài liệu nào đề cập tới việc bị cáo Trần Đức Mậu có biểu hiện về bệnh lý tâm thần.

Thậm chí, trong thời gian bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra, sức khỏe của bị cáo Trần Đức Mậu vẫn bình thường. Nhưng chỉ đến khi nhận được cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát, bị cáo bỗng dưng có biểu hiện tâm thần và yêu cầu phải được đi điều trị. Chính vì lý do trên, vụ án đã qua hơn 2 năm vẫn chưa thể đưa ra xét xử được!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại