Phút trải lòng của sát thủ tuổi "ô mai"

trangnguyen |

16 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người nhưng Sơn lại phải đi tù vì tội giết người cướp tài sản.


Vụ án mạng trên cánh đồng làng Đan Tảo

Một buổi chiều tháng 9-2004, làng Đan Tảo, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội bỗng trở nên xôn xao khi mọi người phát hiện một phụ nữ bị đâm nhiều nhát vào người, nằm gục trên cánh đồng làng. Sau đó, vụ việc nhanh chóng được trình báo lên CA xã Tân Minh và CA huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Tiến hành xác minh sự việc, CA huyện Sóc Sơn được biết nạn nhân là chị Nguyễn Thị Tác, SN 1965, trú tại thôn Xuân Dục, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, chị đã có gia đình và làm nghề buôn thóc.

Sau khi bị tấn công, chị được người dân phát hiện và kịp thời đưa đi cấp cứu, những vết thương của chị khá nặng. Theo kết luận giám y chị bị tổn hại 76% sức khỏe.

Nhưng có lẽ điều mà tất cả mọi người trong làng Đan Tảo không thể ngờ được, thủ phạm xuống tay sát hại chị Tác một cách dã man không phải ai xa lạ mà là một cậu học sinh gương mặt vẫn còn “búng ra sữa” đang học lớp 10 trong làng, đó là Đỗ Trọng Sơn, SN 1988.

Tại CQĐT, Sơn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Theo đó, vào lúc 14h chiều ngày 15-9-2004, Sơn mang theo một con dao nhọn giấu trong người, đi bộ đến cánh đồng ngô giáp thôn Xuân Dục và ngồi đó phục người qua đường nhằm cướp tài sản.

Sơn ngồi đợi được khoảng 15 phút sau thì thấy chị Tác đi xe đạp qua đường, hắn liền chạy ra nói với chị là “Có mua thóc không”.

Chị Tác đang trên đường đi thu mua thóc, nghe Sơn nói vậy vội dừng xe và hỏi Sơn là: “Thóc đâu?”. Sơn nói dối chị: “Thóc để trong ruộng sắn”, nên chị Tác dắt xe đạp đi theo Sơn.

Vào tới nơi, do không thấy thóc nên chị Tác dắt xe đạp quay ra, bất ngờ bị Sơn rút dao đâm một nhát vào mạng sườn. Quá hoảng sợ, chị Tác bỏ xe đạp chạy ra phía ngoài đường liền bị Sơn túm cổ áo đâm liên tiếp vào mạng sườn. Chị Tác lúc này van xin Sơn: “Cháu đừng giết cô, cô cho tiền”, nhưng lại bị Sơn đâm một nhát nữa vào bụng.

Ngay lúc đó, Sơn nghe thấy tiếng xe máy đi qua nên hắn đe dọa nạn nhân: “Nằm im không được kêu”. Khi xe máy vừa đi qua thì chị Tác lại kêu cứu liền bị Sơn đâm liên tiếp nhiều nhát vào đầu, mặt, ngực.

Trong khi đâm, con dao bị gãy, Sơn tháo chiếc quai nón xiết cổ chị Tác. Quai nón đứt, Sơn lấy gậy buộc ở xe chị Tác đập nhiều nhát vào đầu nạn nhân.

Khi thấy chị Tác nằm im, Sơn liền lấy 200 nghìn đồng của chị và bỏ chạy. Nhưng khi chạy được khoảng 50m, Sơn nghĩ chị Tác chưa chết nên quay lại, thấy người phụ nữ này còn cựa quậy, Sơn tiếp tục dùng gậy tre đập vào đầu chị Tác cho đến khi chị bất động hắn mới bỏ đi. Sau khi cướp được tiền, Sơn mang về cất vào giường ngủ, sau đó lại ra đồng giúp mẹ như bình thường.

phut-trai-long-cua-sat-thu-tuoi-o-mai

Đỗ Trọng Sơn trong trại giam.

Vì đâu nên nỗi?

Nghe lời khai của Sơn, ai cũng phải rùng mình, nhìn gương mặt non nớt ấy, không ai nghĩ Sơn lại gây ra chuyện tày đình đến vậy. Bởi từ trước tới nay, Sơn vẫn được biết đến là một cậu học sinh ngoan ngoãn, hiền lành. Không ai lý giải nổi vì sao Sơn lại có hành vi dã man đến thế.

Theo lời kể thì tuổi thơ của Sơn cũng giống như bao đứa trẻ khác được, sinh ra và lớn lên tại làng Đan Tảo. Người làng Đan Tảo sống chủ yếu bằng nghề nông và gia đình Sơn cũng không ngoại lệ.

Bố mẹ Sơn quanh năm “đầu tắt mặt tối” gắn bó với ruộng đồng. Thương bố mẹ vất vả, hai anh em Sơn cũng chịu khó học hành, ngoài giờ lên lớp, Sơn về nhà giúp bố mẹ những việc vặt như, nấu cơm, rửa bát, cho lợn, gà ăn hoặc ra đồng làm phụ mẹ.

Mọi người trong làng đều khen hai anh em Sơn ngoan ngoãn, chăm chỉ, và bố mẹ Sơn cũng lấy điều đó làm tự hào. Nhưng tất cả đã sụp đổ vào cái ngày Sơn gây ra tội ác và bị bắt.

Sơn bị VKSND TP Hà Nội khởi tố về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Ngày xét xử Sơn, gia đình, họ hàng và bạn bè đều đến đủ, chỉ duy có bố Sơn không được vào dự vì không mang theo chứng minh thư.

Sơn kể, lúc đó Sơn không dám quay lại nhìn gia đình và bạn bè, không phải là sợ bản án mà mình sắp phải đối mặt, mà vì sự xấu hổ, hối hận, thương bố mẹ và em trai.

Khi chủ tọa phiên tòa hỏi lý do khiến Sơn hành động như vậy, Sơn trình bày là do không có tiền nộp lệ phí làm hồ sơ học nghề trong trường, mà chỉ còn 2 ngày nữa là hết hạn, nếu không đóng thì không được học, nên Sơn nghĩ ra mọi cách để có tiền nộp học.

Và cái cách mà Sơn nghĩ ra cũng thật liều lĩnh, đó là phải đi giết người. Ngay lúc đó, Sơn cũng xác định nạn nhân của mình sẽ là chị Nguyễn Thị Tác. Bởi hắn ta biết chị Tác làm nghề buôn thóc nên chắc chắn có tiền, và chị cũng hay đi qua làng của hắn nên Sơn biết rất rõ giờ giấc và đường đi của chị.

Lý do mà Sơn đưa ra không được Tòa chấp nhận, nhưng tất cả những người tham dự phiên tòa hôm đó đều hiểu rằng, chỉ vì sự bồng bột và nông nổi của tuổi trẻ mà Sơn đã gây ra tội ác. Sơn bị tòa tuyên phạt 16 năm tù giam cho 2 hành vi “giết người” và “cướp tài sản”. Đó là cái giá mà Sơn phải trả, chỉ vì 200 nghìn đồng, Sơn phải đánh đổi 16 năm xuân sắc nhất của một đời người.

Kí ức muốn chôn chặt…

Gặp lại Sơn trong trại giam, thấy Sơn đã trưởng thành hơn rất nhiều. Vẫn gương mặt khôi ngô và ánh mắt sáng ấy, nhưng giờ đây Sơn đã là một thanh niên 24 tuổi.

Nhắc lại chuyện cũ, Sơn bảo vẫn nhớ như in cái ngày hôm đó, dường như mọi chuyện chỉ vừa mới xảy ra. Khi tôi hỏi lại câu hỏi mà tòa đã hỏi 8 năm về trước là: Tại sao Sơn lại hành động như vậy, khi đó Sơn có nghĩ là chị Tác còn một gia đình và con nhỏ nữa không?”

Sơn bộc bạch: “Lúc đó, trong đầu em chỉ nghĩ là phải giết chị để lấy tiền, chứ không nghĩ được gì nhiều, thế nên giờ đây em luôn sống trong sự hối hận và dằn vặt, ngày đó em quá nông nổi, giờ nghĩ lại em thấy tiếc, giá mà em không sai lầm, thì cuộc đời em có lẽ đã khác rồi”.

Sơn lên trại đã được 7 năm, từ ngày lên đây, bố mẹ và các bác hầu như tháng nào cũng lên thăm. Nhắc đến bố mẹ khuôn mặt Sơn chùng xuống, ánh mắt chợt buồn.

Theo lời Sơn thì từ ngày vào trại không ngày nào Sơn không nghĩ về bố mẹ và em trai. Họ là động lực cho Sơn phấn đấu. “Mỗi lần lên thăm, mẹ em đều khóc. Nhưng có lẽ nhìn thấy em lớn và trưởng thành lên nhiều, mẹ cũng yên tâm phần nào. Mẹ luôn động viên em cố gắng cải tạo cho thật tốt để về với bố mẹ và em…”, Sơn chia sẻ.

Kể về cuộc sống trong trại, Sơn bảo ngay từ khi lên trại, Sơn đã vào đội dát bạc, công việc vừa sức và Sơn luôn hoàn thành chỉ tiêu. Khi tôi hỏi: “Đã bao giờ Sơn kể với ai về quá khứ của mình?”.

Sơn trải lòng: “Thực sự, không khi nào em muốn nhắc lại quá khứ của mình, bởi em thấy mình có lỗi với người ta và có lỗi với gia đình, em buồn vì cái sai của bản thân mình, buồn cho người ta và cũng buồn cho chính em. Em muốn chôn chặt kí ức đó trong lòng, chỉ có như vậy thì tâm trạng em mới bớt bất an”.

Lời nói ấy có lẽ được xuất phát từ tận đáy lòng của một kẻ sát nhân. Bởi giờ đây Sơn đã không còn là một cậu học sinh nông nổi ngày nào. Gần 8 năm trả án trong trại giam, đã giúp Sơn trưởng thành và nhận ra nhiều điều…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại