Phiên tòa đã và đang khiến dư luận nóng “hầm hập” bởi tính chất cực kỳ nguy hiểm cũng như sự liều lĩnh, manh động và cáo già của các bị cáo. Đặc biệt đây là phiên toà đầu tiên được tổ chức trong trại giam với số lượng bị cáo lên tới 89 người. 34 bị cáo phải đối mặt với án tử hình.
Đường dây siêu khủng, nhiều chân rết nhất...
Hầu hết những phiên toà xét xử những vụ án liên quan tới việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý luôn thu hút được sự tham gia của dư luận. Giới giang hồ cho rằng lĩnh vực buôn bán ma tuý có luật lệ riêng của nó và một trong những nguyên tắc riêng đó là luật im lặng. Thế nhưng, trong đường dây buôn bán, vận chuyển ma tuý do bà trùm Nguyễn Thị Bích Ngọc cầm đầu thì dường như nguyên tắc này bị đảo lộn hoàn toàn. Tham gia “bộ máy” của bà trùm Ngọc có tới bốn đường dây, với nhiều địa điểm giao hàng trên khắp các thành phố lớn, nhỏ trong cả nước, thậm chí xuyên quốc gia.
Ngày 3/1, tại trại tạm giam công an Quảng Ninh, TAND tỉnh Quảng Ninh đã đưa 89 đối tượng trong đường dây buôn bán, vận chuyển 32.000 bánh heroin ra xét xử sơ thẩm. Đây là vụ án lớn với số lượng ma tuý nhiều nhất từ trước tới nay. Số lượng ma tuý và các đối tượng tham gia mua bán, vận chuyển khiến không chỉ dư luận Quảng Ninh mà cả nước chấn động: 12 tấn heroin với 89 bị cáo. Với lượng ma tuý lớn như vậy dư luận đặt câu hỏi: Các bị cáo đã làm thế nào để đưa hàng tấn ma tuý nói trên vào Việt Nam và ra nước ngoài một cách dễ dàng như vậy? Vì tiền, các đối tượng đã sẵn sàng “bắt tay với tử thần” để gieo rắc cái chết cho đồng loại.
Bà trùm Nguyễn Thị Bích Ngọc đang khai tại phiên tòa.
Phiên toà này đã lập nhiều "kỷ lục': Đây là phiên toà đặc biệt nhất vì từ trước tới nay chưa có vụ án nào được tổ chức trong khuôn viên của trại giam. Đây cũng là vụ án có nhiều bị cáo bị đề nghị án tử hình nhất: 34/89 bị cáo; Lượng ma tuý mà các bị cáo mua bán và vận chuyển lên tới 32.000 bánh heroin (tương đương 12 tấn). Các bị cáo trong đường dây này bị truy tố về 8 tội danh khác nhau.
Theo cáo trạng, từ năm 2006, công an tỉnh Quảng Ninh cùng công an Trung Quốc phối hợp triệt phá đường dây mua bán ma túy qua biên giới do Nguyễn Thị Bích Ngọc cầm đầu. Ngọc đã cùng đồng bọn vận chuyển heroin từ Lào qua các khu vực cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa), Lao Bảo (Quảng Trị) vào Việt Nam. Sau đó, chúng xây dựng các chân rết để đưa ma túy về Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình tiêu thụ. Chúng mở rộng mạng lưới và nhiều chân rết để tiêu thụ hàng trắng ở Việt Nam.
Căn cứ tài liệu chứng minh thu thập được, lực lượng CSĐT tội phạm về ma tuý công an tỉnh Quảng Ninh làm rõ các đối tượng này tiêu thụ trót lọt trên 25.000 bánh heroin, 500.000 viên ma tuý tổng hợp, 40kg ma tuý dạng tinh thể đá.
Tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 của vụ án, từ tháng 4 đến tháng 8/2013, cơ quan điều tra đã khởi tố 15 bị can, bắt giữ 14 đối tượng, ra lệnh truy nã đặc biệt 1 đối tượng, thu 22 bánh heroin cùng nhiều tang vật khác liên quan.
Đến tháng 8/2013, cơ quan điều tra có đủ tài liệu chứng minh các đối tượng trong đường dây của Nguyễn Thị Bích Ngọc đã tham gia mua bán, vận chuyển 32.000 bánh heroin.
Khi đường dây ma tuý khủng này bị triệt phá, dư luận càng quan ngại hơn khi biết số lượng ma tuý mà chúng đã tuồn vào Việt Nam. Đã có bao nhiêu người mắc nghiện và chết vì ma tuý do chúng bán ra?
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Lê Việt Cường, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: Đây là phiên toà xét xử lưu động, có thể tổ chức ở bất cứ nơi nào xảy ra tội phạm. Sở dĩ TAND tỉnh Quảng Ninh phải mở tòa ở trong khuôn viên trại giam vì số lượng bị cáo quá đông (để đảm bảo an toàn cho công tác xét xử). Theo tôi được biết thì thân nhân của các bị cáo vẫn được theo dõi diễn biến của phiên tòa qua loa phóng thanh. Việc xét xử lưu động này nhằm tuyên truyền giáo dục cho mọi người nhận thức được tác hại của ma tuý và hình phạt dành cho những đối tượng tham gia mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý, để nâng cao hiệu quả phòng ngừa và răn đe tội phạm.
Đến vụ án có nhiều bị cáo bị đề nghị án tử hình nhất
89 bị cáo (trong đó có 27 bị cáo nữ) bị truy tố về 8 nhóm tội danh, gồm: Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; không tố giác tội phạm; kinh doanh trái phép; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; giả mạo trong công tác; đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ.
Cảnh sát bảo vệ được trang bị vũ trang đặc biệt.
Trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và triệt phá thêm 4 đường dây mua bán trái phép ma túy xuyên quốc gia từ Myanmar, Lào, Trung Quốc và nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam. Điểm mặt những nhân vật nổi cộm trong vụ án bị đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 3/1 có Nguyễn Duy Thắng (SN 1984, trú tại Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Thắng đã tham gia mua bán tổng cộng 2.690 bánh heroin. Bị cáo Trần Văn Cương (SN 1987, trú tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đã tham gia mua bán, vận chuyển tổng cộng 374 bánh heroin, 20.000 viên ma túy tổng hợp) cùng nhiều đối tượng khác.
Kết thúc giai đoạn điều tra thứ nhất, cơ quan CSĐT công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố 125 bị can, theo 9 tội danh khác nhau, đề nghị truy tố 90 bị can; Tách hành vi của 5 bị can tạm giam và 27 bị can đang truy nã, 1 bị can mắc bệnh hiểm nghèo, cùng các đối tượng liên quan để tiếp tục điều tra ở giai đoạn 2; Đình chỉ điều tra với 2 bị can chết do tự sát trong quá trình điều tra.
Đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh đã công bố bản cáo trạng dài trên 100 trang, nêu rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, trong đó nêu rõ vai trò của bà trùm Nguyễn Thị Bích Ngọc (tức Bé, SN 1960, trú ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) và một số bị cáo khác.
TS. Nguyễn Thị Mai Nga, Văn phòng VKSNDTC cho biết tin tức: Có thể nói đây là vụ án có nhiều bị cáo bị đề nghị án tử hình nhiều nhất từ trước tới nay, với nhiều dạng ma tuý khác nhau. Vì sự hấp dẫn và lợi nhuận cao nên các bị cáo vẫn lao vào như thiêu thân. Mặt khác, kinh tế càng khó khăn thì tội phạm càng ra tăng và liều lĩnh, nhất là tội phạm về ma tuý.
Mặc dù khung hình phạt cao nhất đối với tội phạm ma tuý là tử hình, nhưng ngày càng nhiều vụ án liên quan tới mua bán vận chuyển trái phép chất ma tuý diễn ra trên khắp cả nước.
Một điều tra viên công an tỉnh Quảng Ninh (xin được giấu tên) cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phiên toà phải xét xử ngay trong trại giam. Đây là vụ án liên quan tới nhiều thành phần xã hội trong đó có cả xã hội đen. Do đó để đảm bảo an ninh, an toàn cho HĐXX và những người thực thi nhiệm vụ, đồng thời tránh tình trạng những đối tượng liều mạng vào giải cứu cho bị cáo (bởi số lượng bị cáo quá đông và phạm tội đặc biệt nguy hiểm).