Những kỷ lục của nữ tướng công an

TIẾN TRÌNH |

Phía sau trọng trách, “người phụ nữ thép” của lực lượng công an - thiếu tướng Bùi Tuyết Minh - vẫn giữ cho mình cuộc sống giản đơn của một phụ nữ rặt Nam bộ.

Tháng 7-2013, ngành công an Việt Nam lần đầu tiên có một nữ tướng, vì vậy tên tuổi của chị, thiếu tướng Bùi Tuyết Minh - giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang - được nhiều người quan tâm.

Thế nhưng, chị hầu như ít xuất hiện trên các trang truyền thông.

Cho nên, những mẩu chuyện về người giữ những kỷ lục của ngành công an, như vị tướng nữ đầu tiên, nữ giám đốc công an tỉnh đầu tiên, nữ đại biểu Quốc hội (khóa XII) đầu tiên của lực lượng công an... dường như đã được kể lặp đi lặp lại.

“Người dân 
ưa cô ấy lắm”

Khi có những điểm nóng xảy ra cần vai trò chỉ huy trực tiếp, người ta mới thấy người phụ nữ ăn mặc giản dị, dáng cao xuất hiện để chỉ huy răm rắp các sĩ quan công an dày dạn trận mạc.

Một lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nói rằng ông thường thấy nữ thiếu tướng Tuyết Minh xuất hiện trước những vấn đề cần sự mạnh mẽ, quyết đoán.

Và cũng như bao nhiêu người biết về chị, câu chuyện về người phụ nữ này lại kết thúc bằng nhận xét “chị ấy rất hay”.

Một lần, chúng tôi được nghe đại tá Trần Đình Hậu, trưởng phòng công tác chính trị Công an tỉnh Kiên Giang, sôi nổi kể về chuyện ông được vị nữ tướng “bốc” đi tham gia chỉ huy... chữa cháy rừng.

Đó là một ngày đầu tháng 4-2015, đại tá Hậu nhận được điện thoại của thiếu tướng Minh với thông điệp ngắn gọn: “Mười phút nữa tui tới đón anh đi chữa cháy rừng”.

Và ngay sau đó, thiếu tướng Tuyết Minh đã có mặt “bốc” ông chạy thẳng vào hướng rừng tràm U Minh Thượng đang cháy dữ dội.

Tỉnh Kiên Giang đã huy động mọi lực lượng tham gia dập lửa, với mục tiêu giữ cho được diện tích rừng tràm nguyên sinh được xem là cuối cùng này.

Trong lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, lực lượng cứu hỏa của công an nhất thiết cần một chỉ huy kinh nghiệm chiến trường.

Đại tá Hậu nguyên là trưởng phòng cảnh sát PCCC, 30 năm kinh nghiệm, tham gia hơn 300 vụ cháy... đã bất ngờ được tướng Tuyết Minh điều động lại để sử dụng kinh nghiệm đương đầu với giặc lửa của ông trong trận cháy lớn này.

Nhờ vậy, các lực lượng chữa cháy đã phối hợp nhịp nhàng với nhau. Trận bão lửa được dập tắt trong buổi chiều hôm đó.

Cũng năm 2015, khi Phú Quốc diễn ra hàng loạt vụ trọng án, đã nảy sinh những lo ngại về môi trường bình yên ở hòn đảo du lịch này.

Bên cạnh đó, nạn bảo kê, trộm cướp cũng đang nổi cộm lên với phần nhiều đối tượng gây án là dân nhập cư từ tỉnh khác đến.

Lúc này, lãnh đạo công an tỉnh là nữ tướng Tuyết Minh đã có chỉ đạo phải tung lực lượng tinh nhuệ ra đảo để phá án. Nhờ vậy, hàng loạt vụ án đã được phá, các băng nhóm, thành phần bất hảo bị loại trừ.

Đại tá Phạm Trung Thành, chánh văn phòng Công an tỉnh Kiên Giang, cho biết từ đầu năm đến nay, Phú Quốc đã không có trọng án và nạn cướp giật cũng không còn.

Hòa thượng Danh Nhưỡng - nguyên đại biểu Quốc hội (khóa XII), một người rất được kính trọng ở Kiên Giang - nhớ lại: “Những lần tiếp xúc cử tri, tôi thấy người dân ưa cô ấy lắm”.

Vì “dân ưa”, nên một thời gian, nhà chị thường xuyên có người lui tới để gửi đơn từ. Chị hướng dẫn người dân đến đúng nơi yêu cầu. Có người nói thật họ tìm đến chị có khi chỉ là để tìm sự chia sẻ chứ chẳng phải nhờ giúp đỡ chuyện gì.

Truyền thống gia đình

Những người thân thiết nói rằng tuổi thơ của nữ thiếu tướng Tuyết Minh là một câu chuyện đầy xúc động.

Sinh ra trong gia đình cả cha và mẹ đều thoát ly theo kháng chiến. Chị ở với bà ngoại trong thân phận là con của người cô ruột.

Vì vậy, chị phải gọi ngoại bằng nội và cải họ Bùi sang họ Phan của người dượng. Hai bà cháu sống trong một ngôi chùa ở thị xã Hà Tiên.

Mẹ chị hi sinh khi chị còn rất nhỏ. Đến năm 1975, khi 13 tuổi, chiến tranh kết thúc, chị mới lần đầu được gọi tiếng cha. Tình cảm gia đình là điều mơ hồ với đứa trẻ từ nhỏ đã xa cha mẹ.

Và người cha cũng vì đứa con gái duy nhất mà ở vậy nuôi con, không bước thêm bước nữa.

Năm 19 tuổi, chị vào ngành công an, nối nghiệp mẹ với nhiệm vụ của một trinh sát ngoại tuyến. “Lúc đó cũng có người khuyên học ngành ngân hàng, nhưng tính tôi “nhát tiền” nên theo nghề công an”.

Đến giờ, khi chị thấy rằng lựa chọn của mình là đúng thì con gái lớn của chị cũng bắt đầu nối nghiệp mẹ. Gia đình chị cũng là hiếm hoi khi cả ba thế hệ là nữ đều theo ngành công an: mẹ chị, chị và con gái chị.

Tuy là giám đốc công an với quân hàm thiếu tướng, nhưng chị vẫn giữ cuộc sống bình dị. Chị vẫn làm tròn vai trò người vợ, người mẹ vun đắp cho mái ấm gia đình mình hạnh phúc như bao người phụ nữ khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại