Nhận án tù treo sau khi đá vào ống chân kẻ trộm xe máy

Hoàng Đan |

Từ mức án bị truy tố theo tội Giết người, bị cáo Yên với hành vi đá vào ống chân kẻ trộm xe máy, sau đó, đối tượng này tử vong đã được tòa tuyên chuyển xuống mức án treo.

Phạm tội Giết người vì đá vào ống chân kẻ trộm (!?)

Vụ án xảy ra từ năm 2012, sau khi kẻ trộm xe máy ở Sóc Sơn tử vong, VKSND huyện Sóc Sơn đã truy tố ba bị cáo là Nguyễn Văn Nhâm, Lưu Văn Long và Nguyễn Đình Yên về tội cố ý gây thương tích.

Tuy nhiên, khi TAND huyện Sóc Sơn xét xử vụ án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Cơ quan điều tra công an huyện Sóc Sơn đã đề nghị chuyển tội danh các bị cáo sang tội Giết người và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra công an thành phố Hà Nội giải quyết.

Năm 2014 TAND thành phố Hà Nội xét xử và thấy không đủ cơ sở tuyên bị cáo Nguyễn Đình Yên về tội Giết người nên đã trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ cú đá vào chân kẻ trộm của bị cáo Yên có để lại hậu quả gì không.

Sau đó, TAND thành phố Hà Nội tiếp tục xét xử và tuyên bố cả ba bị cáo phạm tội giết người, áp dụng khoản 2, Điều 93 Bộ luật hình sự tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Nhâm 12 năm tù; bị cáo Lưu Văn Long 11 năm tù và bị cáo Nguyễn Đình Yên 7 năm tù.

Sau khi xét xử sơ thẩm thì bị cáo Nhâm không kháng cáo, còn bị cáo Lưu Văn Long và Nguyễn Đình Yên kháng cáo kêu oan.

Vụ án này được tòa án cấp phúc thẩm mở đi mở lại và hoãn nhiều lần. Tại phần xét hỏi của phiên phúc thẩm diễn ra ngày 12/1, các bị cáo một mực kêu oan, cho rằng mình không có mục đích giết trộm. Việc bắt trộm là cả làng tham gia.

Bị cáo Nhâm có vụt hai ba cái gậy vào đầu nạn nhân (tên trộm) nhưng cái gậy gồ mỏng đó thì không thể gây ra hậu quả: Tụ máu màng cứng, dập não, tụt hạch nhân tiểu não như nội dung kết luận giám định.

Thời điểm các bị cáo giao tên trộm cho cơ quan công an thì tên trộm vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, đi lại, ăn uống bình thường, không có biểu hiện thương tích nặng.

Các bị cáo trước phiên tòa diễn ra ngày 12/1.
Các bị cáo trước phiên tòa diễn ra ngày 12/1.

Tại phiên tòa phúc thẩm, tình tiết quan trọng của vụ án là bị cáo Nguyễn Đình Yên không bàn bạc, xúi giục, không giúp sức Long và Nhâm đánh Tuấn (tên trộm) đã được làm rõ.

Theo đó, thời điểm Nhâm và Long khống chế, đánh và bắt được Tuấn thì Yên không chứng kiến, không tham gia. Nhâm và Long đánh Tuấn thế nào, đánh vào đâu thì Yên không biết.

Yên chỉ có hành vi là đá một cái vào chân của Tuấn khi Tuấn đã bị bắt giữ và đang dẫn đi giao nộp cho công an.

Hành vi của Yên không thỏa mãn dấu hiệu đồng phạm với Long và Nhâm về tội giết người. Yên chỉ có một hành vi là đá vào chân Tuấn khi hành vi phạm tội của Long và Nhâm đã hoàn thành.

Vì vậy, các luật sư đề nghị tòa án xem xét tội danh giết người với Yên như tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên là không đúng pháp luật. Đề nghị không xử lý bị cáo Nguyễn Đình Yên về tội danh này.

Hành vi của Yên không gây ra thương tích cho Tuấn (theo kết luận giám định pháp y) nên cũng không thể xử lý Yên về tội cố ý gây thương tích.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị xét xử Nguyễn Đình Yên về tội danh khác là tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự (trước đó Nguyễn Đình Yên đã bị tạm giam 3 tháng).

Bị cáo từ Giết người xuống nhận án treo

Cuộc tranh luật trở lên căng thẳng giữa các luật sư và đại diện VKS thực hành quyền công tố về tội gây rối trật tự công cộng.

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng hành vi của bị cáo Yên đá vào chân Tuấn không làm "ách tắc giao thông 2 giờ; không làm ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan nhà nước; không gây hậu quả xấu cho xã hội..."

Nên không được cho là hậu quả "nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự. Do vậy, hành vi của Yên không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội danh này.

Hành vi của bị cáo Yên không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả chết người là do hành vi trước đó của hai bị cáo khác gây nên vì vậy không thể xử lý bị cáo Yên về tội gây rối trật tự công cộng.

Các luật sư cũng chỉ ra nhiều vi phạm tố tụng của tòa án cấp sơ thẩm và cho rằng việc tuyên phạt các bị cáo khác với mức án hàng chục năm tù tại cấp sơ thẩm là quá nghiêm khắc, mất đi tính khoan hồng nhân đạo của pháp luật, làm các bị cáo không phục...

Sau khi nghị án vào cuối giờ sáng, đến 15 giờ cùng ngày, tòa đã tuyên giảm hình phạt cho bị cáo Long từ 11 năm tù xuống còn 7 năm tù về tội giết người.

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Đình Yên không phạm tội giết người nhưng xét xử bị cáo về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 245 BLHS, tuyên phạt bị cáo Yên 18 tháng tù nhung cho hưởng án treo, trừ vào thời gian tạm giam.

Trao đổi thêm với chúng tôi, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi đá vào ống chân kẻ trộm của bị cáo Yên cùng lắm chỉ bị xử phạt hành chính.

Bởi, theo diễn biến của vụ việc, sau khi Yên đá vào chân Tuấn thì không có ai đánh nữa, việc bắt đối tượng này giải cho cơ quan công an không bị cản trở.

Hành vi đó không gây cách tắc giao thông, không gây mất trật tự xã hội... nên không được cho là "hậu quả nghiêm trọng" theo quy định của Điều 245 Bộ luật hình sự.

Trong vụ án trên, sau cú đá của bị cáo Yên không gây ra hậu quả như trên cho xã hội nên việc xét xử bị cáo vào tội danh này là khiên cưỡng.

"Trước đó bị cáo đã bị tạm giam gần 3 tháng nên việc tuyên bị cáo không có tội sẽ đối mặt với câu chuyện bồi thường oan sai.

Phải chăng vì thế mà  cơ quan tiến hành tố tụng đang "né" bồi thường oan sai nên mới tuyên phạt bị cáo vào một tội danh nào đó và cho hưởng án treo?

Vụ án này khép lại gia đình bị cáo và các luật sư hài lòng phần nào nhưng vẫn còn những trăn trở khi mà nguyện vọng, yêu cầu, quan điểm của họ chưa được Hội đồng xét xử ghi nhận đầy đủ", luật sư Cường chia sẻ.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại