Trang tự truyện mang nỗi niềm sâu kín
Gặp Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc (SN 1977) khi cô đang chăm sóc những luống hoa sen đá trong phân trại nữ, Trại giam số 5 (thuộc Tổng cục Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp, Bộ công an), cô bảo, những ngày tháng tù đày đang giúp cô vun đầy thêm nhân cách và nhận thức về cuộc đời. Những lúc rảnh rỗi, cô thường trải lòng lên trang giấy, như là một cách nguôi nỗi nhớ con và cũng để tự răn mình.
“Tôi muốn quên đi quá khứ, muốn cất giấu tất cả vào miền kí ước riêng để nó ngủ yên và tôi sẽ không còn cảm thấy đau đớn nữa mỗi khi nghĩ về nó. Nhưng giờ đây, trong tận cùng đau khổ, cái quá khứ ấy lại hiện hữu trước mắt tôi như một thước phim đầy hình ảnh chứa đựng biết bao nụ cười và giọt nước mắt hạnh phúc. Để rồi giờ đây tôi oà khóc ân hận và nuối tiếc…”
Từng nét chữ mềm mại trên giấy trắng trong trang tự truyện của Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc cứ lướt qua tâm trí tôi rồi đọng lại rất lâu, như thể những câu văn viết ra trong niềm day dứt, mặc cảm tội lỗi kia có một sức nặng vô hình khiến người ta không thể không để tâm dõi theo để hiểu đến tận cùng cõi lòng sâu kín của một nữ phạm nhân tuổi đời còn khá trẻ.
16 tuổi, Ngọc đã sải những bước chân kiêu hãnh trên sàn catwalk. Cô từng được biết đến và nổi danh trong làng người mẫu của thập niên 90, từng gặt hái được khá nhiều thành công với những chuyến lưu diễn nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo… với những đêm diễn đầy ánh hào quang danh vọng. 18 tuổi, trở thành sinh viên Học viện Quan hệ Quốc tế, cô chinh phục cuộc sống bằng nghị lực, niềm tin và hoài bão tuổi trẻ…
Tốt nghiệp đại học, Ngọc lấy chồng cùng làm tại một Đài truyền hình với mức lương ổn định. Sau vài năm, một đứa con trai xinh xắn ra đời đánh dấu cho cuộc hôn nhân hạnh phúc. Khi bảo vệ xong tấm bằng Thạc sỹ, Ngọc tin, sự nghiệp của cô sẽ còn tiến xa hơn. Bởi lúc đó, cuộc sống như trải thảm hồng cho người phụ nữ nhan sắc và đầy tài năng này.
Vậy mà trong phút chốc, tất cả quá khứ vinh quang, tương lai tươi đẹp cùng một mái ấm gia đình hạnh phúc đã vụt tan biến khỏi tầm tay của Ngọc khi cô bị buộc phải đối mặt với khoản nợ hơn 3tỷ đồng do chơi cá độ bóng đá trên mạng của chồng mình. Và như bao người phụ nữ Việt Nam nhẫn nại, hết lòng thương chồng, quí con khác, Quỳnh Ngọc tìm mọi cách để có thể trả được nợ cho chồng.
Tất cả những nơi có thể vay cô đã vay, tất cả mọi mối quan hệ có thể dùng đến cô đã dùng… vậy mà con số 3 tỷ cứ mãi như phình ra, chèn ép mọi lối đi, che mờ sự sáng suốt và lí trí nhạy bén của Ngọc, dồn đuổi cô vào đường cùng là đi vay nặng lãi và dùng danh tiếng của mình để đi mượn sổ đỏ của người dân ở Đông Anh để đem đi thế chấp vay tiền.
Rồi cơn bĩ cực dồn dập đổ lên đầu cô gái trẻ vốn đã quá quen với thành công này. Chồng cô trong một cơn say vì tuyệt vọng đã tìm đến cái chết, chất lên vai Ngọc gánh nợ đời cùng đứa con thơ dại. Sáu tháng sau khi chồng mất, cô bước chân vào trại giam Hoả Lò và đối mặt với cáo buộc của các cơ quan chức năng về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công dân.
Ngọc kể lại, những tháng ngày mòn mỏi trong trại tạm giam, cô nhận thêm một hình phạt nữa, hình phạt dành cho trái tim. Mẹ cô, vì quá thương và choáng váng khi con mình bị bắt, bà đã đổ bệnh rồi qua đời.
“Tôi thèm cảm giác được ôm con…”
Nhận tin dữ, Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc khóc lặng rất lâu. Cô không còn nhìn thấy ai ngoài mẹ, không còn nghe thấy gì ngoài lời mẹ dặn trước khi con gái vào tù rằng “Con là một người phụ nữ yêu chồng hơn mọi thứ trên đời. Chỉ cần có lòng tin và hướng thiện, biết sửa sai, con sẽ làm lại được. Mẹ sẽ cố gắng sống để chờ con về”. Vậy mà, vụ việc của Ngọc còn chưa thành án, mẹ đã vội đi xa.
Rồi Ngọc bị kết án tù chung thân, sau phiên phúc thẩm, mức án được giảm xuống còn 20 năm, một bản án đúng người đúng tội, thấu tình đạt lý. Con số 20 năm tù dài bằng nửa đời người, nhưng như thế, pháp luật khoan hồng cũng đã tạo cho Ngọc còn có cơ hội làm lại cuộc đời. Và cô đang trả án tại Trại giam số 5, đồng hành cùng hàng ngàn nữ phạm nhân trên con đường phục thiện.
Khắc khoải một nỗi nhớ con
Cô bảo: “ Mọi thứ có thể qua đi khi nỗi đau, sự dằn vặt, ân hận được
tôi trả lại bằng chính những giọt nước mắt và những giọt mồ hôi. Có đôi
khi tôi như muốn quên lãng bản thân mình để hòa vào cái nắng, cái gió
khắc nghiệt để quên đi quá khứ đẹp, quá khứ êm đềm và phẳng lặng…
Dù cuộc sống vất vả, thiếu thốn về tinh thần và vật chất có thể làm cho tôi phai tàn về nhan sắc, nhưng sẽ không bao giờ làm tôi mất đi ý chí quyết tâm hướng về phía trước. Tôi tin rồi một ngày nào đó cánh cửa tội lỗi sẽ đóng lại…”
Con đường tối mà Ngọc sẽ phải đi qua trong cô đơn mới được những đoạn đầu, nhưng cô đã thấy phía trước hừng lên những tia sáng hi vọng. Tình đời, tình người mà cô nhận được từ những cán bộ làm công tác quản giáo ở Trại giam số 5 (thị trấn Lam Sơn, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) cùng các bạn tù đã “đánh thức lương tri của những đôi chân trần bởi cuộc sống xô đẩy đã đi lạc lối” (trích tự truyện của Ngọc).
Rạng rỡ ngày nhận phần thưởng từ Thượng tá Nguyễn Thị Can (Phó giám thị Trại giam số 5)
Tại phân trại nữ thuộc trại giam số 5, hiện cô được phân công làm công tác thi đua, giúp việc cho các cán bộ quản giáo trong phân trại số 4 . Vượt qua những hoang mang, mặc cảm ban đầu, cô đã dần hoà nhập cuộc sống cùng các bạn tù và một lần nữa toả sang, dẫu sự toả sáng này sẽ chỉ là những kỷ niệm dịu buồn trong hành trang kí ức của cô, trên sân khấu văn nghệ dành cho phạm nhân, trên bục khen thưởng dành cho những phạm nhân có thành tích cải tạo tốt và toả sáng trên những trang tự truyện đời mình.
Khoảng thời gian phía trước vẫn còn dài, nhưng Ngọc không còn thấy lòng ngổn ngang trăm mối nữa. Bởi bài học về giá trị thực của cuộc sống, về tình người ấm nóng, cô đã thấm thía lắm rồi.
Nhưng trên tất cả, đó là khát vọng hoàn lương luôn thôi thúc trong cô. Dù có phải vắt kiệt sức mình qua từng ngày, từng giờ để vượt qua ngưỡng cửa tội lỗi, cô cũng sẽ cố gắng, để một ngày nào đó được trở về bên đứa con thơ.
Ngọc bảo, “tôi thèm cảm giác được ôm con vào lòng, được hôn lên má con. Khi tôi bị bắt, cháu mới hơn ba tuổi, giờ đã bắt đầu đi học. Nhìn bàn tay bé xíu của nó ngày nào ôm di ảnh của bố, giờ vẫn bàn tay ấy đặt lên tấm kính ngăn cách như muốn lau cho tôi những giọt nước mắt đang vỡ oà trên má mà lòng tôi đau buốt.
Nghe cháu nói: Mẹ đừng khóc, con không khóc đâu. Con nhớ mẹ lắm! Tôi nghe tim mình nhói đau, nghẹn lại. Tôi có lỗi với con tôi, tôi chỉ muốn ôm nó, xiết chặt nó vào lòng như sợ nó sẽ vuột khỏi tay mình…".
Cũng chính vì cái bản năng làm mẹ, tình mẫu tử luôn thôi thúc hằng đêm, nên cô không cho phép mình gục ngã. Cô đã tự trang bị cho mình nghị lực, lòng tin để vượt qua cơn giông bão cuộc đời. Và, cô vẫn tin, hạnh phúc sẽ lại mỉm cười...