Người đàn ông H’re sau vụ án loạn luân

NGUYỄN TOÀN |

Định mệnh tàn nhẫn chia cắt chị em trong chiến tranh, khi hòa bìnhlại tái hợp hai người thành vợ chồng như trò đùa nghiệp chướng.

Tôi lên An Trung, xã vùng cao của huyện An Lão (Bình Định) một ngày mùa hạ. Trời xanh ngăn ngắt, nắng trải vàng dọc cung đường đồi uốn lượn.

“Đang mùa khô nên nước sông Đinh chưa lớn. Qua mùa mưa nước dữ lắm, phải đi xuồng chứ không lội được đâu” - anh Phú, Chủ tịch xã An Trung, vừa chạy xe vừa nói.

Gia đình H’re bên bờ sông Đinh

Sau thoáng đắn đo, tôi cởi quần dài cùng anh Phú bước xuống dòng sông dạt dào nước chảy ngang đến thắt lưng.

Bên kia là thôn 5, thôn duy nhất của An Trung chưa có đường giao thông nối liền trung tâm xã. Nơi chúng tôi đến thăm một gia đình H’re có số phận hết sức khác thường.

Đón tôi tại sân nhà là ông Đinh Văn Miên, người đàn ông nhỏ con, da sạm nắng. Tuổi tầm 60 mà tóc vẫn đen, ánh mắt tinh nhanh đượm buồn trên gương mặt ưu tư.

Vợ chăn trâu, các con đi làm, mỗi mình ông tiếp chuyện tôi trong gian nhà ngói cũ kỹ, thi thoảng vọng tiếng gà trưa.

Quá khứ dần hiện trong câu chuyện ngập ngừng. Ông, người trong cuộc, không muốn nhắc chuyện cũ, mối oan khiên hay nỗi đau thân phận như người đời vẫn gọi. Tôi từng nghe chuyện ông đã lâu, giờ mới có dịp gặp nhưng lại không đành khơi gợi.

Đến khi tình chủ khách mặn mà, gần gũi, ông mới bồi hồi rủ rỉ kể từng khúc một. Chuyện tan hợp kỳ lạ của kiếp người trong tấn tuồng sắp đặt khôn lường của tạo hóa.

Ông Đinh Văn Miên và những giai điệu đàn Preng như lời tự tình thiết tha đôi lứa. Ảnh: NG.T

Duyên phận “vợ chồng - chị em”

An Lão những năm đầu của cuộc chiến tranh, với địa thế án ngữ các đầu mối giao thông quan trọng, vùng thung lũng trải dài 22 km thường xuyên là địa bàn giao tranh ác liệt giành quyền kiểm soát giữa hai phe.

Tháng 12-1964, nơi đây biến thành điểm “oanh kích tự do” luôn hứng chịu bom của chiến tranh.

Mẹ chết oan ức bởi pháo bầy, cha bị thương khi hoạt động cách mạng tại Đức Phổ và sau đó hy sinh, tưởng bất hạnh đã tận cùng cho tuổi thơ côi cút hai chị em Miêu, Miên. Nhưng móng vuốt chiến tranh chưa dừng lại.

Trong một cơn đạn bom loạn lạc, ngôi làng nhỏ bị san phẳng. Hai chị em lạc mất nhau khi ký ức chưa kịp định dạng, lưu giữ hình ảnh, tên tuổi về nhau. Miên được một gia đình chạy loạn dắt díu hàng trăm cây số đưa về Vĩnh Thạnh.

Còn Miêu sau thời gian bơ vơ được huyện đoàn An Lão cưu mang nuôi nấng tại khu căn cứ An Vinh rồi đưa ra Bắc. Mất nhau trong cảnh bom rơi đạn lạc và bặt tin từ đó, họ ngỡ mình không còn ai thân thích trên đời.

Tháng 4-1975, đất nước thống nhất. Từng đoàn người tan tác trong lốc xoáy chiến tranh lũ lượt hồi hương trong hân hoan hòa bình. Từ Vĩnh Thạnh, chàng trai Đinh Văn Miên tìm xuống Trường Văn hóa - Dạy nghề Tây Sơn theo học.

Hiền lành, sáng dạ lại có năng khiếu đàn hát, anh được nhiều bạn bè quý mến và cả tình cảm yêu thương của bao bạn gái cùng trang lứa.

“Nhưng mình chỉ thương Miêu bởi hợp tính tình và cùng cảnh mồ côi. Miêu cũng rất thương mình nên mới quyết định thành vợ thành chồng. Lúc đó đâu hay là chị em”. Ông Miên chùng giọng nói. Mắt xa vời dõi tìm quá khứ êm đềm hạnh phúc với bao hệ lụy trầm luân.

Sau giải phóng Miêu từ miền Bắc về và cũng ngẫu nhiên xuống học tại Trường Văn hóa - Dạy nghề Tây Sơn. Ăn ở cùng nhau mà không biết chị em, ngỡ người dưng khác họ nên mới để bụng yêu thương.

Rồi cưới nhau năm 1980, sau đó mới quay về làng cũ ở An Trung sinh sống. Năm 1982, con gái đầu lòng cất tiếng khóc chào đời. Năm sau, Miêu tiếp tục mang thai đứa thứ hai cũng là lúc nghịch cảnh phơi bày lộ rõ gốc tích.

Bác gái của Miên, Miêu, người thân thích duy nhất còn tồn tại trên đời sau bao năm phiêu dạt phương xa quay về sinh sống tại ngôi làng kế bên, một buổi tình cờ đã ghé thăm gia đình. Bà hoảng kinh phát hiện họ là chị em ruột bởi “hai đứa giống cha mẹ nó như đúc khuôn”.

Như sấm nổ giữa trời, thoạt đầu Miên, Miêu rụng rời không tin đó là sự thật. Mãi về sau qua nhiều nguồn thông tin chắp nối, tìm hiểu nhân chứng gần xa nhất là những người sống sót qua cơn bom đạn kinh hoàng năm xưa, họ mới nhận biết mình đã lâm vào nghịch cảnh oan trái.

Định kiến thế gian và “búa rìu” pháp luật

“Khi biết chắc tụi mình là chị em, dân làng bắt đầu làm dữ. Lúc đầu là phạt heo gà, sau bắt hai đứa phải sống riêng không được ở chung. Là vợ chồng, giờ biết chị em thì cũng có hai đứa con rồi. Miêu lại mới sinh thằng Mang, thương lắm, làm sao bỏ.

Ông Miên chầm chậm kể về quãng đời khổ lụy. Tôi hỏi: “Lúc ấy đương nhiên ông buồn. Nhưng đồng thời có cảm thấy vui khi biết mình vẫn còn một người chị sống trên đời?”.

Trầm ngâm giây lát, ông gật gật: “Có chớ. Mình buồn nhưng trong bụng cũng có mừng vui. Vì chị vẫn còn, lại được sống chung nóc nhà. Giả sử tụi mình không ưng nhau, làm sao biết còn chị, còn em”.

Năm 1987, TAND huyện An Lão mở phiên tòa lưu động xét xử Miên về tội loạn luân. Hội đồng xét xử không quy kết việc hai người lấy nhau trước đây là hành vi phạm tội mà chỉ yêu cầu họ phải tách ra sống riêng, không được ở chung một nhà.

“Mình không đồng ý vì Miêu là chị nhưng cũng đã là vợ mình. Nếu bỏ nhau, mình có thể ưng người khác nhưng Miêu chắc chắn phải ở vậy nuôi con. Chị khổ, con khổ, mình làm sao chịu được. Có chết mình cũng không thể bỏ Miêu. Và biết chị em rồi thì sẽ không đẻ nữa”.

Trước tòa, Đinh Văn Miên đã thẳng thắn tỏ bày với sự đồng lòng của Miêu. Cuối cùng tòa đành tuyên xử Miên mức án hai năm tù giam. Một bản án bất đắc dĩ nhằm giáo dục pháp luật, làm gương cộng đồng hơn là cảnh tỉnh nhận thức đối với người thụ án.

Vượt lên quá khứ tìm bến đỗ bình yên

Rồi Miên được tha trước thời hạn chín tháng. Nỗi đau nguôi ngoai, định kiến xã hội không còn đè nặng, ông nhanh chóng hòa nhập cuộc sống đời thường.

Gắn bó với cộng đồng, nhạy bén trong công việc, vừa ra tù ba tháng Miên đã được dân làng tín nhiệm bầu làm thôn trưởng và đảm nhận công việc này suốt 26 năm qua.

Thời gian trôi nhanh như nước chảy. Manh, Mang hai người con của ông bà giờ đã trưởng thành, lập gia đình riêng nhưng vẫn sống quây quần cạnh cha mẹ. Niềm vui tỏa rạng gương mặt khi ông Miên khoe với tôi: “Mình đã có hai cháu trai, nội, ngoại đủ hết”.

Tôi cũng bắt gặp niềm hạnh phúc ấy trên nụ cười tươi tắn của Mang khi anh vừa đi về. Chàng trai có gương mặt giống cha như đúc hiện là bí thư chi đoàn nên khá bận rộn.

Nguồn thu nhập của ông bà giờ chủ yếu dựa vào sáu sào ruộng nước, 2 ha rừng trồng với vài con trâu sinh sản. Chưa đủ trang trải cuộc sống nên tranh thủ lúc nông nhàn Miên vẫn đi làm thêm, có khi lên tận Tây Nguyên.

Mỗi chuyến đi giúp ông hiểu thêm về cuộc đời rộng lớn, cảm nhận nhiều điều chưa biết về kiếp nhân sinh. Cho ông cái nhìn điềm tĩnh, an nhiên đối với quá khứ.

Đi qua kiếp nạn lạ thường mà tạo hóa vô tình bắt ông phải nếm trải trước khi tìm được bến đỗ bình yên cho cả gia đình.

Khẽ khàng nhấc cây đàn Preng trên nóc tủ, ông so dây rồi đặt vào lòng gẩy một làn điệu dân ca H’re. Những thanh âm dìu dặt vang như lời tự tình thiết tha đôi lứa.

Trên cánh đồng thoáng đãng trước sân, nắng vẫn chan hòa khắp các thửa ruộng bùn nước sóng sánh chuẩn bị vào mùa.

Miêu không phải chịu cảnh “hòn vọng phu”

Thế giới Đông Tây, kim cổ từng ghi nhận nhiều trường hợp loạn luân vô tình không ý thức. Nổi tiếng nhất phải kể đến truyền thuyết Oedipus trong thần thoại Hy Lạp với lời sấm tiên tri người anh hùng sẽ giết cha, lấy mẹ.

Lưu lạc từ nhỏ, lớn lên gặp lại vua Laius, Oedipus đã vô tình giết chết cha mình và sau khi lên ngôi lại cưới mẹ là hoàng hậu Jocasta. Khi biết sự thật, Oedipus rất đau khổ nên tự chọc mù, còn hoàng hậu Jocasta thì thắt cổ tự vẫn.

Tương tự là truyền thuyết Hòn Vọng Phu ở Việt Nam. Người anh khi phát hiện vợ mình chính là người em gái thất lạc trong cơn biến loạn năm xưa đã lặng lẽ bỏ đi trong đau khổ. Để người vợ trẻ ngày ngày bế con lên núi ngóng chờ cuối cùng hóa đá Vọng Phu.

Truyền thuyết đẹp nhưng kết lại rất buồn vì phải tuân thủ những quy tắc đạo đức truyền thống để được xã hội chấp nhận. May mắn là Miêu đã không chịu cảnh hòn vọng phu và vẫn được Miên che chở.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại