Trong ngôi nhà cổ bên Hồ Gươm, bà Tạ Ngọc Thúy hồn hậu tiếp khách. 76 tuổi nhưng bà vẫn nhanh nhẹn và hoạt bát. Mái tóc xoăn buông nhẹ, chiếc áo màu đen kiểu cách, ở bà toát lên vẻ thanh lịch của phụ nữ gốc Hà thành.
Giọng
nói chậm rãi và nhẹ nhàng, bà bảo đã nhiều năm sống ở phố trung tâm
Đinh Tiên Hoàng nên chứng kiến sự đổi thay của thủ đô từ sự phát triển
kinh tế cũng như phát sinh tệ nạn xã hội.
Hơn 40 năm làm tổ trưởng dân phố, tham gia công tác tại các Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, Ban bảo vệ tổ dân phố, bà bảo chưa lúc nào thôi đam mê làm việc. Khu phố văn minh trật tự, đường sạch đẹp, không còn tệ nạn... là niềm vui lớn đối với bà.
Theo bà Thúy, "cai quản" tổ dân phố 26 ở phường Hàng Bạc không phải dễ dàng. Tổ có 32 hộ với khoảng 200 nhân khẩu nhưng phần lớn đều làm kinh doanh nên rất dễ xảy ra va chạm. Mỗi buổi sáng, bà đi dọc tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, nhắc nhở các hộ không lấn chiếm vỉa hè, giữ gìn vệ sinh chung.
"Tôi phải đến từng hộ nhắc nhở, vận động họ sống đoàn kết, văn minh để tạo hình ảnh đẹp của tuyến phố cổ có nhiều du khách nước ngoài ghé thăm", bà Thúy cho biết.
Bà Tạ Ngọc Thúy 76 tuổi được vinh danh là "Công dân thủ đô ưu tú". Ảnh:A.Thư
Theo bà, mấy năm trước, ở khu phố này nổi lên hiện tượng người bán hàng rong chèo kéo rồi bắt nạt du khách. Nhiều lần, bà chứng kiến có người bắt chẹt bán mấy trăm nghìn đồng một nải chuối, gấp hơn 20 lần giá thực tế.
Thấy những cảnh "chướng tai gai mắt", bà Thúy đã bỏ công đi vận động, thuyết phục từng người với lời lẽ khuyên nhủ nhẹ nhàng. Nhiều lần thành công, nhưng cũng không ít lần bà thất bại vì họ cãi rằng làm vậy là do "miếng cơm, manh áo". Những trường hợp đó, bà báo chính quyền can thiệp.
Ngoài công việc tổ trưởng dân phố, ở tuổi thất thập cổ lai hy, người phụ nữ mảnh mai này còn đảm nhận công việc của Phó ban bảo vệ dân phố. Mỗi tối, sau bữa cơm quây quầy bên gia đình, bà cùng lực lượng dân phòng, bảo vệ đi tuần tra, kiểm soát an ninh.
Bà bảo cách đây ít năm ở khu vực xung quanh bờ Hồ luôn có một nhóm khoảng 5 người cả già lẫn trẻ câu kết để cướp giật, móc túi du khách. "Khi phát hiện ra "con mồi", chúng tỏa ra các phía. Đứa bán hàng, kẻ đóng giả khách rồi dàn cảnh móc túi, cướp giật", bà Thúy cho hay.
Phát hiện sự việc, nhiều lần bà khuyên bảo kẻ cầm đầu là nữ nhưng cắt tóc con trai bằng "đòn tâm lý"... "Hơn một năm nay, tệ nạn trộm cắp, móc túi giảm hẳn", bà Thúy tươi cười cho biết.
Nhiều năm đấu tranh dẹp tệ nạn ở phố cổ, nhưng lần bắt một nghi can nước ngoài khiến bà nhớ mãi khi không ngờ ở tuổi 70 lại có thể "khỏe" đến vậy. Bà nhớ vào sáng mùa hè, một người đàn ông cao lớn, ăn mặc khá kỳ dị đến hỏi mua túi tại cửa hàng của bà. Thấy dấu hiệu bất thường nên bà cũng để ý vị khách. Người đàn ông đưa cho bà tờ 100 USD. Sau đó, ông ta theo bà vào trong nhà lấy tiền trả lại.
"Khi tôi vừa cầm chiếc ví lên, chỉ trong nháy mắt, người này đã giở trò "ảo thuật" hòng lấy tiền của tôi", bà Thúy nhớ lại. Ngay lập tức, bà khóa cửa và gọi điện cho cảnh sát. Bà bảo lúc đó không hiểu sao ở trong căn phòng chỉ có bà và hắn nhưng không hề thấy sợ. Mặc cho khuyên can của nhiều người, bà nhất quyết không mở cửa, chờ công an tới để "lật mặt" tên lừa đảo.
Cuối cùng, cảnh sát làm rõ, người đàn ông này bằng "màn ảo thuật" trộm tiền đã gây ra khoảng 20 vụ tương tự trước đó.
Kỷ niệm chương Bộ Công an tặng cho bà Thúy. Ảnh:A.T
“Sống cạnh hồ Gươm, nhiều khi nhìn thấy du khách trong và ngoài nước bị kẻ gian chèo kéo, bắt chẹt, tôi tự cảm thấy “ngại” với họ. Vì vậy, tôi mong muốn đóng góp chút sức lực để cho Hà Nội văn minh hơn”, bà Thúy tâm sự.
Gần 40 năm “vác tù và hàng tổng”, kỷ niệm chương, giấy khen của Bộ Công an, UBND Hà Nội, quận Hoàn Kiếm… trao tặng cho bà được treo kín căn phòng nhỏ đối diện hồ Gươm. Đầu tháng 10 vừa qua, bà lại được vinh danh "Công dân thủ đô ưu tú", đại diện cho hàng chục vạn cá nhân có việc làm tốt của Hà Nội.