'Nếu mất đầm tôm, chúng tôi không còn gì'

vytran |

Vợ bị can vừa bị khởi tố về tội giết người sau vụ nổ súng ngày 5/1 ở Hải Phòng chia sẻ.

Một ngày sau khi được trả về từ nơi tạm giữ, chị Phạm Thị Hiền và bà Nguyễn Thị Thương cùng các con phải tá túc ở nhà bà Trần Thị Mịn. Căn nhà tuềnh toàng, lạnh lẽo với gần chục người đều là phụ nữ và trẻ em. Chồng, cha, anh của họ - những trụ cột trong gia đình - nếu không bị bắt thì cũng đang lẩn trốn. Bà Mịn là vợ của một trong hai người đang lẩn trốn, ông Đoàn Văn Thoại.

Cơ ngơi hai chục năm gây dựng của anh em ông Đoàn Văn Vươn, sau khi bị cưỡng chế hiện do chính quyền xã tiếp quản. Căn nhà hai tầng cùng nhiều gian nhà khác của đại gia đình này ở khu đầm đã bị san phẳng.

Mượn chiếc áo da to sụ để mặc chống rét, bà Thương (vợ ông Vươn) cho biết, đêm trước vụ cưỡng chế, sau khi ăn cơm tối bà đưa các con về nhà thím Mịn để yên tâm học hành. Chị Hiền cùng hai con nhỏ cũng đi cùng. "Dự định chỉ về một hai hôm nên tôi chỉ mang ít sách vở cho các cháu. Không thể tưởng tượng mọi chuyện lại xảy đến thế này", bà Thương kể.

Chị Hiền (trái) và bà Thương (giữa) kể về đêm trước khi xảy ra vụ cưỡng chế. Ảnh:Nguyễn Hưng.

Người phụ nữ này cho hay, công việc của bà ở đầm thủy sản chủ yếu lo cho vườn chuối, chăm nom các cháu nhỏ và làm việc vặt. "Giờ chúng tôi như chết đuối giữa dòng, không biết bấu víu vào đâu, không biết lấy gì nuôi con", bà nói.

Chiều 11/1, biết tin chồng cùng các anh em bị khởi tố tội giết người, bà Thương cũng chỉ còn biết bày tỏ hy vọng chính quyền sớm làm mọi việc sáng tỏ để gia đình có thể tiếp tục được thuê khu đầm làm ăn trả nợ.

Trong khi đó, chị Phạm Thị Hiền (vợ Đoàn Văn Quý - nghi can được cho là trực tiếp nổ súng vào cảnh sát) cho biết, đêm trước khi bị cưỡng chế, khi thấy chồng cùng các anh em trai chuẩn bị vũ khí để đối phó với lực lượng cưỡng chế, chị đã góp ý khuyên bảo. Tuy nhiên, do đây là chuyện quan trọng nên phụ nữ và trẻ em không được can dự nhiều.

Chị Hiền kể, nhiều năm nay gia đình đã gõ đủ các cửa cơ quan công quyền ở Hải Phòng bằng đủ các loại văn bản, giấy tờ nhưng kết quả như đá ném ao bèo. Công khai phá của anh em, vợ con, họ hàng đối với khu bãi ven sông, cửa biển ở xã Vinh Quang đứng trước nguy cơ mất trắng.

Trong khi đó, dù mang tiếng được quản lý khu đầm thủy sản màu mỡ, trù phú nhưng bao nhiêu của cải, đất đai, nhà cửa đều đã bán đi hết để đổ đầu tư vào đây, chưa kể đến khoản nợ nhiều tỷ đồng vẫn treo lơ lửng trên đầu.

"Nguyên nhân dẫn đến hành động như vừa rồi là do gia đình em bị dồn nén quá lâu, quá nhiều. Kế sinh nhai ở đầm tôm, nếu mất nó chúng em không còn gì. Nhà em nói, đằng nào cũng chết, thế thì chết như thế nào để mọi người còn nhìn vào. Em nghe vậy có khuyên bảo chồng nhưng chính em cũng không nhìn thấy lối thoát", người phụ nữ cắn môi, khóc rấm rứt.

Sau buổi sáng 5/1 những người đàn ông trong gia đình ông Vươn rơi vào vòng lao lý. Cả nhà chỉ còn phụ nữ và trẻ em. Ảnh:Nguyễn Hưng.

Cũng như bà Thương, trước hôm diễn ra vụ việc sáng 5/1, chị Hiền đưa hai đứa con trai 8 tuổi và 5 tuổi về nhà thím Mịn ngủ. Sáng sớm, sau khi đưa các con đi học, nghe tin cưỡng chế, chị và bà Thương chạy lên. Từ trên đê hai người chứng kiến cảnh cả trăm cảnh sát, bộ đội ồ ạt tiến vào khu đầm. Ngay sau đó, cả hai cùng cháu Quỳnh (học sinh lớp 11, con ông Vươn) cũng bị bắt.

Người phụ nữ này cho hay, dù đã lên phương án phản kháng cực đoan nhưng gia đình vẫn chưa hết hy vọng vào công lý. Vì thế, trước hôm cưỡng chế, ông Vươn đã mang toàn bộ giấy tờ, văn bản tới nhà bạn ở trong xã ngủ. Sáng sớm, khi vụ cưỡng chế diễn ra, ông không có mặt ở khu đầm mà vẫn tới kêu với cơ quan chính quyền, Viện Kiểm sát. Khi tới Viện KSND thành phố thì ông bị bắt.

Theo VNE

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại