Thượng tá Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng cảnh sát hình sự (Công an Hà Nội) cho biết trong 4 lãnh đạo của Công ty Cổ phần đào tạo Mua bán trực tuyến Muaban24 có lệnh bắt khẩn cấp ngày 2/8.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Tuấn Minh (hiện không có mặt tại nơi cư trú) đóng vai trò quan trọng nhất và là người điều hành mọi hoạt động của MB24.
Nhân vật có vai trò quan trọng thứ hai của mạng lưới này là Nguyễn Văn Hà (đã bị bắt) - người chịu trách nhiệm thiết kế phần mềm mua bán trên mạng Internet.
Theo cơ quan điều tra, toàn bộ máy chủ và hệ thống
phần mềm điều hành của Muaban24 bị công an thu giữ, nên trang web
muaban24.vn ngừng hoạt động.
Theo ước tính ban đầu của cơ quan điều tra, mạng lưới của Muaban24 đã phát triển tới hơn 100.000 “gian hàng”, có dấu hiệu chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng bằng hình thức kinh doanh đa cấp.
Dù trang muaban24 đã ngừng hoạt động và nhiều nhân vật chủ chốt bị bắt khẩn cấp, nhưng các chi nhánh của công ty này tại một số tỉnh vẫn tiếp tục chiêu mộ khách hàng. Trong 3 ngày gần đây vẫn có thêm những nạn nhân mới bỏ tiền ra mua “gian hàng điện tử”, sau khi nghe lời mời mọc của nhân viên tư vấn.
Những mặt hàng mẫu được trưng bày tại chi nhánh của MB24 ở Phú Thọ.
Chị Nguyễn Thu Hà (ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) cho biết, cách đây khoảng một tháng, nhân viên Muaban24 đã chủ động liên hệ để giới thiệu về hình thức kinh doanh mới được cho là tiềm năng tại Việt Nam.
“Họ biết tôi có nhiều mối quan hệ nên đề nghị tôi trở thành thành viên và sẽ chi trả lợi nhuận để tôi quảng bá, thúc đẩy loại hình thương mại điện tử trên khắp các vùng cả nước”, chị Hà nói.
Sau thời gian đầu cẩn trọng thăm dò, chị định mua một “gian hàng điện tử” với giá 5,2 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi được các tư vấn viên, trong đó có cả Phó giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị của Muaban24 thuyết phục rằng nếu tham gia với số lượng lớn thì giá mỗi gian hàng sẽ giảm, đồng thời được mua những sản phẩm chính hãng với giá ưu đãi đến hơn 50%.
Vì vậy cách đây ít ngày, chị Hà đã giấu chồng mua 9 “gian hàng” với tổng số tiền 42 triệu đồng. “Giờ đòi lại tiền không được, chuyển nhượng cũng không xong. Nếu chồng tôi biết, chắc chắn sẽ bị đuổi ra khỏi nhà”, người phụ nữ vừa làm thành viên của Muaban24 sụt sùi.
Chiều 2/8, tại trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Hà Nội) còn có nhiều nạn nhân khác đến trình báo. Tất cả các thành viên sau khi mua “gian hàng điện tử” của Muaban24 đều cho rằng công ty đã lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.
Theo ông Chu Minh Hoài (48 tuổi ở huyện Thanh Trì) khi
mời gọi, đại diện Muaban24 khẳng định việc bỏ tiền ra mua “gian hàng”
sẽ phát sinh lợi nhuận, có thể bán lại cho người khác và các giao dịch
mua bán đều có hóa đơn chứng từ.
Các tư vấn viên còn đưa ra các giấy tờ,
văn bản pháp lý về loại hình thương mại điện tử, rồi cam đoan sau khi
nộp tiền, nếu càng để lâu thì càng có lãi.
Tuy nhiên, Công ty Muaban24 chi nhánh Phùng (huyện Đan Phượng) sau nhiều ngày mới thông báo việc thu tiền đã được quy đổi thành “điểm tương ứng” nên không có hóa đơn. Khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường, ông yêu cầu lấy lại tài sản nhưng không được. Ông Hoài cho biết đã mua 7 gian với giá 28 triệu đồng.
Còn
theo phản ánh của bà Kiều Thị Hoa (huyện Từ Liêm), Muaban24 đã không
rành mạch, bắt ép người tham gia. Bà cho biết từ tháng 4/2012 đến nay,
đã bỏ ra 60 triệu đồng để mua 15 “gian hàng điện tử”.
Theo đó, đại diện
Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến chi nhánh tại Thái Bình cũng
cam kết nếu tài khoản không phát sinh lợi nhuận sẽ có trách nhiệm mua
lại hoặc giúp các thành viên chuyển nhượng “gian hàng”.
Tuy nhiên sau hơn một tuần không thấy điểm số thay đổi, bà Hoa đòi toàn bộ số tiền đã nộp thì được công ty trả lại 14,5 triệu đồng (tương đương giá trị 5 “gian hàng”).
Một cán bộ Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đánh giá, do có quá nhiều cấp trong sơ đồ đa cấp, các nhân vật đứng đầu của công ty này đã rút tiền thật, chỉ để lại điểm số ảo. Điều đó có nghĩa, điểm số các thành viên sở hữu là vô nghĩa, không thể đòi lại tài sản đã nộp.
Ngày hôm nay (3/8) Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk vừa phối hợp với Chi cục Quản lý thị
trường tiến hành kiểm tra hành chính 2 Chi nhánh MB24 trên địa
bàn gồm:
Công ty Cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến - Muaban24 Chi nhánh Đắk Lắk (buôn Suk, xã Ea Đar, Ea Kar) và Công ty Cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến Chi nhánh Buôn Ma Thuột (A8, khu Hiệp Phúc, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột).