Ngày 22-8, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện kế hoạch phòng chống tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên mạng Internet.
Theo báo cáo của Bộ Công an, dịp World Cup 2014 vừa qua, ước tính mỗi ngày số tiền tham gia đánh bạc tại VN lên tới hàng chục triệu USD.
Các website đánh bạc hầu hết có máy chủ tại nước ngoài, cơ quan công an thống kê có 13 nhà cái lớn trong dịp World Cup vừa qua với 63 website chính tổ chức đánh bạc. Khi hướng dịch vụ vào VN, các website đều sử dụng tiếng Việt, câu kết với các đối tượng trong nước để thiết lập mạng lưới đánh bạc. Thậm chí còn cho phép đánh bạc dưới hình thức tín chấp (thanh toán tiền sau).
Mức độ nguy hiểm của hình thức này là con bạc không cần bỏ tiền vẫn có tiền đánh bạc với số tiền lớn được ứng trước, nhưng khi thua bạc mà không thanh toán được thì các đại lý sẽ dùng các biện pháp bắt giữ người trái pháp luật, buộc gán nhà cửa, xiết nợ, thuê xã hội đen đòi nợ...
Theo thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, một số đối tượng tại TP.HCM lập diễn đàn pro186.com để thu hút người chơi tham gia đánh bạc trên mạng Internet như cá độ bóng đá, casino online hoặc cho thuê mạng tổng của các trang web cá độ bóng đá.
Trang web này thu hút được gần 15.000 thành viên, cho phép đánh bạc thông qua P-coins là tiền do các đối tượng quản trị tạo ra để đánh bạc và bán thu tiền thật. Trước khi bị bắt, các đối tượng thu lời hàng trăm triệu đồng mỗi tuần.
Trong thời gian diễn ra World Cup 2014, công an cùng các nhà mạng cung cấp dịch vụ Internet ngăn chặn thành công 1.450 trang web, địa chỉ IP các máy chủ đánh bạc, cá độ bóng đá; giám sát, lưu trữ nhật ký truy cập của hơn 2,5 triệu lượt, chuyển hướng đến trang web cảnh báo.
Điều này góp phần răn đe, làm giảm đáng kể số lượt, số đối tượng tham gia đánh bạc, cá độ bóng đá, ước tính giảm khoảng 60% lượng người tham gia đánh bạc và giảm được khoảng 50% lượng tiền tham gia đánh bạc so với trước đây.
Theo trung tướng Trần Trọng Lượng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, cơ quan công an gặp nhiều khó khăn khi yêu cầu các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về các giao dịch đáng ngờ.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng thường viện dẫn lý do chỉ cung cấp khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Trong khi đó ngày 7-4-2014, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu về hoạt động của tài khoản phục vụ công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.
Việc nhiều ngân hàng vẫn viện dẫn quy định có từ nhiều năm trước làm lý do để từ chối cung cấp thông tin là không thực hiện hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật, tạo sơ hở cho các đối tượng thực hiện hành vi chuyển, nhận tiền đánh bạc.
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ về việc ngân hàng từ chối hoặc chậm trễ cung cấp thông tin, trung tướng Trần Trọng Lượng nói: “Từ tháng 9-2013 đến nay chỉ có 10 vụ giao dịch đáng ngờ được chuyển cho cơ quan công an, tôi cho con số này là quá ít. Cơ quan ngân hàng cần tăng cường trách nhiệm để làm rõ, phát hiện, cung cấp cho cơ quan điều tra thì sẽ hiệu quả hơn trong công tác phòng chống tội phạm”.