Cụ Nguyễn Thị Ngừng (88 tuổi), trú ở thôn Quảng Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Nơi ấy là vùng căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, nên cụ Ngừng không chỉ là cơ sở nuôi giấu, tiếp tế lương thực, thực phẩm, mà còn động viên chồng con thoát ly cầm súng chiến đấu.
Hai nỗi đau lần lượt ập đến với cụ khi người chồng Trương Tố cùng con trai Trương Ngọc Thạch hy sinh sau cuộc chiến đấu kiên cường với địch và được công nhận danh hiệu liệt sĩ. Nén nỗi đau đó, cụ Ngừng vất vả chăm nuôi những người con còn lại trưởng thành, trong đó có người con út Trương Thị Đỉnh.
Năm 1978, cụ Ngừng dốc hết số tiền dành dụm, xây dựng một căn nhà mái ngói, vách xây 48m2 trên thửa đất ông bà để lại. Hơn 10 năm sinh sống ở đó, sức khỏe giảm sút, cụ Ngừng phải xuống nhà người con trai Trương Ngọc Hoàng, ở TP Tuy Hòa để chữa bệnh.
ũng từ đó, vợ chồng người con út Trương Thị Đỉnh - Nguyễn Thành Hiếu trông coi nhà của cụ Ngừng, nhưng họ lại tự ý tu sửa nâng cấp căn nhà lên 100m2 vào năm 1994, rồi kê khai đăng ký hồ sơ địa chính để được UBND huyện Tuy Hòa trước đây cấp "sổ đỏ" vào năm 1998.
Cụ Nguyễn Thị Ngừng trong những ngày đêm vất vưởng ngoài hiên nhà của cụ đã bị vợ chồng người con gái chiếm dụng, khóa cửa
Bốn năm sau, vợ chồng Hiếu "thuyết phục" cụ Ngừng lập di chúc cho tặng căn nhà và đất vườn. Di chúc đó đã được UBND xã Hòa Mỹ Tây chứng thực ngày 26-2-2002. Theo quy định pháp luật dân sự, di chúc đó chỉ có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế sau khi cụ Ngừng qua đời.
Đằng này di chúc chưa có hiệu lực pháp luật, nhưng vợ chồng ông Hiếu đã lập thủ tục và được UBND huyện Tây Hòa cấp "sổ đỏ" số AG 973382 ngày 1-12-2006 với diện tích 200m2 đất thổ cư để chiếm dụng nhà của cụ Ngừng, trong khi họ đã có nhà riêng trên diện tích đất 100m2 từ năm 1997.
Cũng từ đó, vợ chồng ông Hiếu dựa vào "chứng cứ pháp lý" hai "sổ đỏ" để trở mặt, ngược đãi bà mẹ già yếu. Tệ hại hơn nữa là thời gian gần đây, cụ Ngừng về lại căn nhà và thửa đất của mình, nhưng vợ chồng ông Hiếu khóa cửa, sang nhà riêng của mình để ở, bỏ mặc bà cụ già yếu nằm ngoài hiên nhà nhiều ngày đêm bên cạnh hai tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ.
Trước hành vi ngược đãi, bất tuân đạo lý của vợ chồng ông Hiếu, ngày 25-4-2011, UBND xã Hòa Mỹ Tây lập biên bản hủy bỏ di chúc đã lập trước đây theo yêu cầu của cụ Ngừng, biên bản đó có chữ ký của vợ chồng ông Hiếu.
Tại biên bản hòa giải ngày 1-8, UBND xã Hòa Mỹ Tây yêu cầu vợ chồng ông Hiếu mở cửa cho cụ Ngừng vào nhà lưu trú nhưng họ bất chấp. Thậm chí người con gái là Trương Thị Đỉnh nhẫn tâm đến mức ghi vào biên bản hòa giải rằng "Tôi không đồng ý mở cửa, vì nhà tranh chấp, khiêu chiến". Chính quyền can thiệp bất thành, chiều tối hôm đó cụ Ngừng phải phá khóa cửa đưa di ảnh liệt sĩ Trương Tố, Trương Ngọc Thạch và hai tấm bằng Tổ quốc ghi công vào nhà.
Đến nửa đêm, vợ chồng ông Hiếu từ nhà riêng của mình đến căn nhà họ đã chiếm dụng của cụ Ngừng, lớn tiếng chửi mắng, văng tục, thách thức pháp luật và đập vỡ kính cửa sổ, khiến cụ Ngừng hoảng loạn phải sơ tán sang nhà cháu nội Trương Ngọc Thủy để tạm trú từ đó đến nay. Sau đó bà Đỉnh nhiều lần đến nơi cụ Ngừng tạm trú lớn tiếng đe dọa, chửi mắng, gây áp lực với mẹ ruột, Công an xã Hòa Mỹ Tây phải can thiệp ngăn chặn.
Làm việc với phóng viên sáng 23-4, ông Nguyễn Thành Hiếu thừa nhận có khóa cửa, vợ ông có lớn tiếng tranh chấp, không cho mẹ ruột vào nhà. Ông Hiếu "đổ trút" mọi hành vi đó cho vợ mình vì ông là đảng viên, Trưởng trạm y tế, đại biểu HĐND xã Hòa Mỹ Tây nhiệm kỳ 2011-2016.
Liên quan trách nhiệm ông Nguyễn Thành Hiếu xung quanh việc trên, ông Lê Văn Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Mỹ Tây cho biết đã thành lập tổ kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên. Ngày 4-8, UBND xã Hòa Mỹ Tây đã chuyển hồ sơ vụ tranh chấp đến TAND huyện Tây Hòa giải quyết theo thẩm quyền.
Vấn đề đặt ra là vì sao di chúc của cụ Nguyễn Thị Ngừng chưa có hiệu lực pháp luật nhưng UBND huyện Tây Hòa lại cấp "sổ đỏ" đất ở cho vợ chồng ông Hiếu để họ công nhiên chiếm đoạt tài sản của người vợ và mẹ liệt sĩ? Nhiều luật gia cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, cụ Nguyễn Thị Ngừng có quyền khiếu nại và kiến nghị UBND huyện Tây Hòa thu hồi và hủy bỏ hiệu lực "sổ đỏ" nêu trên hoặc khởi kiện hành chính để tòa án xét xử.
Trong lúc chờ một phán quyết có liệu lực pháp luật từ phía tòa án, chính quyền xã Hòa Mỹ Tây cần có biện pháp giáo dục, đấu tranh ngăn chặn và xử lý bà Đỉnh về hành vi đe dọa, chửi mắng mẹ ruột, đồng thời tạo điều kiện để người vợ và mẹ liệt sĩ có nơi tạm trú ổn định
Theo 24h