Chẳng hạn, chuyện đối phó băng nhóm Năm Cam trả thù ông và những người thân của ông; Chuyện ông nuốt nước mắt khi phải xử lý những đồng đội của mình có liên quan tới Năm Cam...
Đề phòng vẫn hơn
Năm 1999, ông Tư Bốn rời Tiền Giang về TPHCM nhận nhiệm vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) phụ trách phía Nam. Hằng ngày, ông Tư Bốn làm việc và ăn nghỉ trong cơ quan trên đường Nguyễn Trãi.
Ông sống một mình ở TPHCM, xa vợ con, chuyện ăn uống vì vậy mà rất đơn giản ở nhà ăn tập thể, thỉnh thoảng ông cũng ăn “cơm bụi” các quán vỉa hè gần cơ quan. Ông chỉ thực sự có những bữa cơm ngon vào cuối tuần với vợ con ở huyện Chợ Gạo. Vườn nhà ông trồng nhiều rau, cây trái, có ao nuôi cá, bữa cơm gia đình thường là “cây nhà lá vườn”.
Được phân công làm Trưởng ban chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”, ông Tư Bốn vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường như thế, không có gì thay đổi. Ông không hề biết rằng lúc đó Năm Cam đã phân công con rể mình là Hiệp “phò mã” theo dõi sát mọi sinh hoạt của ông. Chỉ đến khi chuyên án đi vào giai đoạn “cao trào”, theo yêu cầu của cơ quan, ông Tư Bốn mới thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết. Ông buộc phải hạn chế đi ra khỏi cơ quan nếu không có chuyện thật cần thiết.
Mọi nhu cầu ăn uống, sinh hoạt hằng ngày của ông đều diễn ra trong cơ quan, dưới mái “nhà vòm”. “Nhà vòm” là tên mà cánh nhà báo lúc đó đặt cho chỗ làm việc, nghỉ ngơi của tướng Tư Bốn - một ngôi nhà bình dân nhưng kiên cố, có mái che hình vòm làm bằng kim loại giống như căn hầm chỉ huy của tướng De Castries ở Điện Biên Phủ ngày trước. Ngày 3 bữa sáng - trưa - chiều ông được anh nuôi trong cơ quan lo liệu.
Ông Tư Bốn hay nhậu rượu đế sau giờ làm việc, trước đây ông cũng thỉnh thoảng cùng anh em “lai rai” ở các quán bình dân, giờ cũng nhậu với anh em, bạn bè, nhưng ông nhờ anh nuôi làm “mồi” để nhậu tại “nhà vòm”. Ông cũng hạn chế về thăm gia đình ở Tiền Giang, thường thì ông kết hợp đi công tác ở miền Tây để ghé lại thăm gia đình một chút rồi đi, cả tháng ông mới ngủ lại nhà một lần.
Trong quá trình thu thập thông tin về băng nhóm Năm Cam, ông Tư Bốn đã phát hiện những dấu hiệu bất thường có liên quan tới những cán bộ nhà nước, trong đó có những bạn bè, đồng nghiệp của ông. Là người từng công tác lâu năm trong ngành công an, ông Tư Bốn hiểu rất rõ một điều: Tệ nạn và tội phạm xã hội khó mà lộng hành nếu không có sự dung dưỡng, bao che, tiếp tay của những cán bộ có trách nhiệm thuộc các cơ quan chức năng được Nhà nước giao nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội.
Ông Tư Bốn không khó để xác định có sự giao du, quan hệ bất thường giữa Năm Cam với những cán bộ Công an TPHCM như Dương Minh Ngọc (Trưởng phòng Cảnh sát hình sự), Nguyễn Mạnh Trung (Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra)…
Tôi hỏi ông chuyện từng nghe dư luận đồn: Mỗi khi ra ngoài ông phải dùng biện pháp cải trang, như đi cùng lúc 2 - 3 xe, ông không ngồi trên chiếc xe quen thuộc của mình, mà ngồi xe khác. Có lúc xe ông chạy trước nhưng không có ông, mà ông đi xe taxi phía sau. Lần ông trực tiếp ra Hà Nội để xin chỉ thị của cấp trên về một quyết định quan trọng liên quan tới vụ án, biện pháp bảo vệ và bảo mật càng nghiêm ngặt, ly kỳ như phim Hollywood. Ông đi lại bằng xe có lắp kính chống đạn...
Đợi cho tôi hỏi hết những điều “ly kỳ”, ông mỉm cười nói: “Lúc đó anh chẳng ngại, chẳng sợ chuyện gì. Lúc chiến tranh anh từng đối mặt với nguy hiểm gấp trăm ngàn lần như thế mà chẳng hề gì thì lẽ nào lại sợ một băng nhóm “xã hội đen” luôn trốn tránh pháp luật. Có những lúc tập thể, tổ chức yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho Ban chuyên án theo quy định chung của ngành thì mình phải tuân thủ. Nhưng chuyện lắp kính chống đạn cho chiếc xe anh đi thì hoàn toàn không có, lúc đó anh vẫn đi lại bằng chiếc xe cũ biển số 80B-1917 bình thường”.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh Tiền Giang, em ruột của ông Tư Bốn - cho biết, lúc đó tập thể cũng lưu ý ông nên cẩn trọng trước khả năng trả thù của băng nhóm Năm Cam. Ông Nhàn không lo cho mình, mà lo cho sự nguy hiểm của ông Tư Bốn và vợ con ông có thể gặp phải. Ông Chín Nhàn thường xuyên về thăm chị Tư Bốn và các cháu, cũng như quan sát, để ý tình hình xung quanh. Bà Nguyễn Thị Bé Năm - người em kế của ông Tư Bốn - lúc đó công tác ở Công ty du lịch Tiền Giang, vì thế bà hằng ngày luôn nghe nhiều thông tin về chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” do khách du lịch từ TPHCM đến bàn tán.
Một trong những chuyện người ta hay bàn tán là sự lo ngại của họ về một sự trả thù nào đó của Năm Cam đối với ông Tư Bốn và gia đình. Vậy là cứ sau giờ làm việc, bà Năm lại vượt mười mấy cây số về Chợ Gạo với chị Tư Bốn để “có chị có em”. Ông bà Tư Bốn có 3 người con, lúc đó người con lớn Nguyễn Tấn Dũng đã công tác ở Công an tỉnh Tiền Giang, người con út Nguyễn Tấn Phúc cũng đang học trường trung cấp công an ở TPHCM, vì vậy việc bảo vệ an toàn cho các anh không phải là khó.
Gia đình ông Tư Bốn quan tâm nhiều tới người con giữa Nguyễn Thị Việt Hồng mới tốt nghiệp Đại học Cần Thơ (ngành y) về nhận công tác ở TPHCM. Tôi hỏi ông Tư Bốn lúc đó Ban chuyên án có thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho vợ con ông hay không, ông trả lời rằng, bản thân ông không có yêu cầu, nhưng ông biết anh em trong ngành có quan tâm làm việc đó để ông an tâm tập trung vào chuyên án. Suốt mấy năm trời gia đình ông Tư Bốn phải trải qua không khí căng thẳng, bất an, mãi cho đến khi toàn bộ băng nhóm “xã hội đen” Năm Cam lần lượt bị sa lưới pháp luật.
Bà Tư Bốn lo chồng bị đầu độc
Lúc vụ án “Năm Cam và đồng bọn” đang diễn ra căng thẳng, vào mỗi chiều thứ bảy hằng tuần, người ta thấy chiếc xe hơi quen thuộc biển số 80B-1917 mà ông Tư Bốn vẫn đi rời khỏi văn phòng phía Nam của Tổng cục Cảnh sát trên đường Nguyễn Trãi trực chỉ hướng Tiền Giang.
Thực tế thì trên xe chỉ có mỗi người tài xế, không có ông Tư Bốn trên ấy. Chiếc xe chạy một mạch về xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, đậu lại trước nhà ông khoảng vài giờ, xong lăn bánh trở lại TPHCM. Nhiều người bàn rằng đó là cách ông Tư Bốn đánh lạc hướng hệ thống “rađa” của Năm Cam, ông “nghi binh” đã về Tiền Giang, nhưng thực tế ông vẫn đang ở TPHCM để chỉ đạo Ban chuyên án.
Nghe tôi nhắc chuyện này, ông Tư Bốn cười khà nói: “Nghi binh nghi tướng gì đâu, vì công chuyện của Ban chuyên án, rồi công chuyện của cơ quan Tổng cục Cảnh sát ở phía Nam quá lu bu, cả tháng anh mới về Chợ Gạo thăm chị Tư em được một lần. Trong những tuần không về được, anh nhờ tài xế về quê chở đồ ăn của chị Tư mấy em gửi lên ăn cho đỡ nhớ vậy mà”.
Hơn ai hết, bà Tư Bốn biết rất rõ những món ăn dân dã mà chồng thích, lúc nào trong nhà bà cũng có sẵn những món ăn ông thích như: Nước mắm nhĩ loại ngon, các loại mắm đồng quê Nam Bộ, rau các loại…
Ông cũng rất thích ăn món cháo cá lóc, cá lóc kho tiêu, vì vậy mà trong ao nhà luôn có sẵn cá lóc do chính tay bà nuôi. Bà Tư Bốn cũng luôn trồng sẵn trong vườn nhà các loại rau mà ông Tư Bốn thích dùng như rau đắng (để ăn với cháo cá lóc), rau má, rau càng cua… Ông Tư Bốn cũng có một sở thích khác là uống trà hoặc uống nước sôi để nguội được nấu bằng nước mưa trữ trong hồ. Ông không về nhà được, bà phải gửi lên TPHCM cho ông những “món ruột” ấy.
Tôi đặt câu hỏi: “Lúc ấy người ta đồn rằng, chuyện hằng tuần anh cho tài xế về Chợ Gạo chở các loại thức ăn, nước uống lên, còn có nguyên nhân là để đề phòng chuyện anh có thể bị trả thù qua con đường đầu độc vào thức ăn, nước uống?”. Ông Tư Bốn ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Nếu chuyện đó có thì cũng rất phụ thôi, cái chính là anh thích ăn uống những thứ do chính tay chi Tư em chuẩn bị”.
Có mặt trong buổi trò chuyện giữa nhà báo và chồng, bà Tư Bốn góp lời: “Anh Tư em không có yêu cầu, cũng không có ai gợi ý, nhưng trong thâm tâm, chị muốn mọi thứ thức ăn, nước uống của chồng phải do chính tay chị lo, một mặt vì chỉ có chị hiểu sở thích ăn uống của chồng, mặt khác chị cũng sợ ông bị ngộ độc hoặc bị đầu độc”.
Vậy là trên chiếc xe từ Chợ Gạo về TPHCM hằng tuần luôn chở đầy đủ các loại thức ăn, nước uống đủ cho ông Tư Bốn dùng cả tuần, như: Gạo, thịt, cá, rau cải, trái cây, mắm muối… Đặc biệt, bà Tư Bốn không bao giờ quên gửi cho chồng mấy can nhựa loại 20 lít chứa nước mưa lấy từ hồ nhà do chính tay bà chuẩn bị để ông ăn uống suốt cả tuần. Thức ăn gửi lên cho chồng, bao giờ bà Tư Bốn cũng chia ra để dùng trong nhà, nếu có bị thức ăn xấu thì bà cũng phát hiện trước, trước khi nó tới tay ông Tư Bốn.
Lo cho chồng là vậy, nhưng trong suốt thời gian diễn ra chuyên án Năm Cam, bà Tư Bốn không lo gì cho mình, bà nói: “Việc ổng thì ổng làm, việc tui tui làm, chẳng có việc gì phải sợ bọn tội phạm đó, trước sau gì chúng cũng bị trừng trị”. Chỉ duy có một lần bà cảm thấy lo sợ thật sự. Lúc ấy vào cuối giờ chiều, chỉ có một mình bà Tư Bốn ở nhà, bất ngờ có 2 người đàn ông lạ, ăn mặc sang trọng, xách vali nặng, ghé vào nhà bà hỏi thăm đường.
Sau khi bà chỉ đường xong, họ chưa chịu đi mà còn hỏi thăm huyên thuyên nhiều chuyện khác, xong nói bị lỡ đường, xin nghỉ lại nhà bà qua đêm. Bà cũng để ý quan sát thấy họ thầm thì to nhỏ điều gì đó. Vừa khéo léo mời 2 người lạ ngồi uống nước, bà vừa kín đáo ra nhà sau điện thoại cho Công an xã Thanh Bình thông báo chuyện lạ ở nhà bà. Khi bà quay trở lên nhà trên thì 2 người khách lạ đã biến mất mà không một lời chào hỏi, bà kiểm tra cũng không thấy mất bất cứ đồ đạc gì trong nhà. Anh em Công an xã Thanh Bình túa đi tìm 2 người lạ ấy, nhưng không tìm được.
Mất mát và đau xót
Trong quá trình thu thập thông tin về băng nhóm Năm Cam, ông Tư Bốn đã phát hiện những dấu hiệu bất thường có liên quan tới những cán bộ nhà nước, trong đó có những bạn bè, đồng nghiệp của ông. Là người từng công tác lâu năm trong ngành công an, ông Tư Bốn hiểu rất rõ một điều: Tệ nạn và tội phạm xã hội khó mà lộng hành nếu không có sự dung dưỡng, bao che, tiếp tay của những cán bộ có trách nhiệm thuộc các cơ quan chức năng được Nhà nước giao nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội.
Ông Tư Bốn không khó để xác định có sự giao du, quan hệ bất thường giữa Năm Cam với những cán bộ Công an TPHCM như Dương Minh Ngọc (Trưởng phòng Cảnh sát hình sự), Nguyễn Mạnh Trung (Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra)…
Ông Tư Bốn từng rất thích sự mạnh mẽ, trẻ trung của người chiến sĩ công an Dương Minh Ngọc (từng là khắc tinh của bọn tội phạm ở TPHCM những năm sau ngày miền Nam giải phóng). Ông Tư Bốn lớn tuổi hơn Ngọc, ông được xem là “đàn anh” của Ngọc, nhưng trong công việc ông luôn xem Ngọc là người đồng nghiệp có năng lực. Vì vậy khi phát hiện Ngọc có quan hệ thân thiết với Năm Cam, Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành đã hết sức bất ngờ, nhất là việc Ngọc thường xuyên ăn nhậu chung và có phần hùn trong các cơ sở “làm ăn” của gia đình Năm Cam. Tương tự như vậy là trường hợp của Nguyễn Mạnh Trung.
Ông Tư Bốn từng rất quý trọng người cán bộ trẻ Nguyễn Mạnh Trung đã có thành tích phá nhiều vụ án phức tạp ở TPHCM cũng như phối hợp với Công an tỉnh Tiền Giang ngăn chặn nhiều vụ tội phạm. Vì vậy mà ông Tư Bốn cũng hết sức cẩn trọng trước những dấu hiệu bất thường trong quan hệ giữa Trung với băng nhóm của Năm Cam. Nhưng việc gì đến rồi cũng đến, không gì có thể che giấu tai mắt của nhân dân. Nhiều cán bộ cốt cán vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho Năm Cam đã phải trả giá trước pháp luật.
Nỗi khổ tâm lớn nhất của ông Tư Bốn khi thực hiện chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” chính là sự “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của Trung tướng Bùi Quốc Huy (Năm Huy) Thứ trưởng Bộ Công an. Ông Năm Huy từng là Giám đốc Công an tỉnh An Giang, cùng địa bàn miền Tây với ông Tư Bốn, nên hai người khá thân thiết với nhau. Ông Năm Huy lớn hơn ông Tư Bốn 2 tuổi, nên ông Tư Bốn luôn xem Năm Huy là anh. Vì vậy mà khi buộc phải triệu tập ông Năm Huy từ Hà Nội vào để làm rõ một số vấn đề liên quan đến chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”, ông Tư Bốn rất khổ tâm.
Ông đã thức cả đêm để đọc đi đọc lại hồ sơ liên quan đến ông Năm Huy và mong cho “anh Năm” không dính líu gì đến bọn tội phạm này. Bùi Quốc Huy với vai trò Giám đốc Công an TPHCM đã không có biện pháp đấu tranh hiệu quả, để tội phạm có tổ chức xảy ra trong một thời gian dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TPHCM. Trong thời gian Bùi Quốc Huy làm Giám đốc Công an TPHCM đã để xảy ra tình trạng nhiều cán bộ bị tổ chức tội phạm của Năm Cam mua chuộc, lôi kéo làm tha hóa biến chất, thậm chí tiếp tay hoặc bao che tội phạm. Ngày 30.10.2003 Toà phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TPHCM đã tuyên y án Bùi Quốc Huy 4 năm tù giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Kết thúc chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”, trước khi bắt tay vào triệt phá các hoạt động tội phạm khác, ông Tư Bốn đã đi thăm, cảm ơn những người đã giúp ông và Ban chuyên án hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông cũng đi thăm những nạn nhân, gia đình nạn nhân bị băng nhóm Nam Cam gây hại. Cuối cùng ông đến trại giam thăm ông Năm Huy và những người bạn của ông vì những phút thiếu trách nhiệm, sa ngã mà bị xử tù.
Ông quan niệm, dù ông Năm Huy có sai với Đảng, với dân, thì ông vẫn là bạn, thậm chí là đàn anh của Tư Bốn. Ông Tư Bốn nói: “Tình cảm của tôi đối với anh em cán bộ bị đưa ra xét xử trong vụ án “Năm Cam và đồng bọn” thì là tình đồng chí, tình bạn rất xót xa. Nhất là đối với anh Năm Huy, là người anh; còn Dương Minh Ngọc, Nguyễn Mạnh Trung đều là bạn. Nhưng hành vi của các anh ấy thì không thể chấp nhận được”. Đích thân ông Tư Bốn đã nhiều lần đến trại giam thăm ông Năm Huy. Họ nói chuyện với nhau bình thường, kể cho nhau nghe về những kỷ niệm gian khổ thời kháng chiến, trao đổi kinh nghiệm về cách thức giữ gìn sức khoẻ dành cho người lớn tuổi…
Ông Tư Bốn chợt nhớ thời còn ở An Giang, ông Năm Huy rất thích ăn chuối xiêm, bữa cơm nào ông cũng tráng miệng vài trái chuối xiêm được trồng ở miệt Chợ Mới - An Giang hoặc ở các cồn đất tốt giữa sông Tiền thuộc tỉnh Đồng Tháp. Ông Tư Bốn bỗng thấy cảm thương thật nhiều khi ông Năm Huy cho biết từ ngày vào trại giam, ông không có điều kiện ăn chuối xiêm sau mỗi bữa cơm. Ngay ngày hôm sau, ông Tư Bốn đã tìm mua cho bằng được nguyên buồng chuối xiêm thật ngon có nguồn gốc từ Đồng Tháp để mang đến trại giam biếu ông Năm Huy.
Khi chuẩn bị bắt Dương Minh Ngọc, ông Tư Bốn đã gặp và trò chuyện thân mật với vợ chồng anh. Ông Tư Bốn cũng dành tình cảm, sự kính trọng đối với gia đình, mẹ của Dương Minh Ngọc. Trước tình cảm của ông Tư Bốn, bà Phan Thị An (đảng viên lão thành, mẹ của Dương Minh Ngọc) đã viết thư gửi ông: “Tôi xin lãnh một phần trách nhiệm vì thiếu giáo dục con đến nơi đến chốn, tôi xin nghiêng mình tạ lỗi...”.
Ông Tư Bốn đã viết thư trả lời bà Phan Thị An với những lời cảm động như sau: “...Anh Ngọc từng là đồng chí, đồng đội của cán bộ, chiến sĩ Tổng cục Cảnh sát và Công an TPHCM, chúng tôi rất hiểu và cảm thông sâu sắc tâm trạng của bác lúc này, cũng như của vợ anh, chị Ngọc. Việc khoan hồng, giảm nhẹ tội cho anh Dương Minh Ngọc - người đã có nhiều thành tích trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trước đây - sẽ được xem xét khi Dương Minh Ngọc ăn năn, thành khẩn khai báo tội lỗi của mình và tố cáo bọn tội phạm, giúp sức cho cơ quan điều tra...”.
Sau đó, người mẹ đã gửi thư cho con đang bị tạm giam: “Trong những ngày qua, má đã viết đơn gửi Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành và đại tá Nguyễn Chí Dũng (Giám đốc Công an thành phố). Thiếu tướng đã thay mặt gửi thư trả lời một cách chân tình như những đồng chí, đồng đội trước đây của con (dù con đã bị loại ngũ ngành công an). Điều này đã an ủi má… Hôm nay má mạo muội xin phép Thiếu tướng viết thư này cho con với mong muốn giúp con hiểu được tấm lòng của má và gia đình luôn luôn thương nhớ đến con, rất mong con sáng suốt vượt qua cơn hoạn nạn này mà ăn năn thành khẩn khai báo tội lỗi của mình và dũng cảm tố cáo bọn tội phạm, giúp sức cho cơ quan điều tra, lập công chuộc tội...
Đó là điều mong muốn duy nhất của má và gia đình đối với con. Con hãy vì má và gia đình có truyền thống hơn 60 năm trời đối với nước non, vì vợ và hai con của con mà sáng suốt hành động theo chiều hướng này. Má tin tưởng ở con thật nhiều. Hãy dũng cảm thành khẩn khai báo như con đã dũng cảm săn bắt cướp trong những năm trước đây. Má mong sớm gặp mặt con”. Sau đó, như chúng ta đã biết, Dương Minh Ngọc đã trở nên thành khẩn hơn, giúp công tác điều tra được thuận lợi.