Lộ dần “mảng tối” vụ Dương Chí Dũng

“Ngoài làm rõ những kẻ đã giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn thì các cơ quan tố tụng cần phải tiếp tục làm rõ ai đã bao che cho người phạm tội”, ý kiến của ông Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Theo ông Quyền, việc ông Dương Tự Trọng, một cán bộ cấp cao của Bộ Công an bị bắt giữ cho thấy Bộ Công an đã rất nỗ lực làm rõ tất cả những hành vi vi phạm pháp luật xung quanh vụ tiêu cực xảy ra tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines), đồng thời thể hiện không có bất cứ vùng cấm nào trong hoạt động tố tụng.

Lộ dần “mảng tối” vụ Dương Chí Dũng
Đại tá Dương Tự Trọng (mặc cảnh phục, đứng giữa) khi còn là Phó giám đốc Công an TP.Hải Phòng

Vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Vinalines thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và gây ra nhiều bức xúc cho người dân khi kẻ đầu vụ là Dương Chí Dũng đột ngột bỏ trốn sát thời điểm cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) tống đạt quyết định khởi tố bị can.

Mặt khác, cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã từng triệu tập ông Dũng lên làm việc trước thời điểm khởi tố và “ông Dũng đã thừa nhận những sai phạm, làm trái với chỉ đạo của Chính phủ, trái luật Đầu tư, luật Đấu thầu”.

Theo ông Quyền, xung quanh vụ việc này dư luận và thậm chí có cả đại biểu Quốc hội đã từng đặt ra nhiều vấn đề như các cơ quan tố tụng để lọt thông tin và bao che, tạo điều kiện để ông Dũng bỏ trốn. “Tuy nhiên, để làm rõ những điều này cần phải có đủ bằng chứng chứ không thể đưa ra những nhận định chủ quan”, ông Quyền nói.

Trước đó, trả lời vấn đề này trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết đã chỉ đạo cơ quan CSĐT làm rõ nguyên nhân ông Dũng bỏ trốn xem có lộ, lọt thông tin hay không? Nếu có thì phải điều tra xử lý theo pháp luật.

Trả lời về việc ông Dũng từng bị cơ quan công an triệu tập và thừa nhận sai phạm nhưng không bị áp dụng biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn, ông Quyền cho rằng, về nguyên tắc tố tụng trước khi bị tống đạt quyết định khởi tố bị can, ông Dũng vẫn được hưởng đầy đủ mọi quyền công dân, không có quy định nào buộc cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp nghiệp vụ như theo dõi, giám sát.

“Trong vụ việc này, điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra phải dựa vào kinh nghiệm, niềm tin nội tại của mình để nhận định ông Dũng có bỏ trốn hay không. Có thể họ nhìn nhận, ông Dũng là cán bộ cấp cao, có nhân thân tốt nên việc bỏ trốn là không thể xảy ra, do vậy để quy trách nhiệm là không dễ”, ông Quyền nói.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, vụ ông Dũng bỏ trốn cũng là một vấn đề thực tiễn để Quốc hội sẽ xem xét các biện pháp phòng ngừa bỏ trốn trong việc sửa đổi bộ luật Tố tụng hình sự tới đây.

“Về nguyên tắc hoạt động tố tụng là công khai, do vậy đây cũng là nguyên nhân ông Dũng biết trước mình sẽ bị bắt để bỏ trốn. Việc bị can này bỏ trốn trong thời gian dài, ra được cả nước ngoài có thể sẽ liên quan đến nhiều người khác đã bao che giúp đỡ, không tố giác tội phạm. Theo tôi đây là những vấn đề mà cơ quan tố tụng tiếp tục phải làm rõ”, ông Quyền nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại