Ngày 29.5, khi đi trên xe buýt từ nhà máy về ký túc xá, do bất đồng ngôn ngữ nên đã xảy ra va chạm giữa một số lao động Việt Nam và lao động Bangladesh làm cùng nhà máy Dệt Recron ở TP.Nilai bang N.Sembilan (Malaysia). Sáng ngày 30.5, một số lượng rất lớn lao động Bangladesh đã sang ký túc xá đánh nhau với lao động Việt Nam, khiến nhiều người bị thương. Cảnh sát đã bắt 7 lao động Bangladesh để điều tra.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Nhà máy Dệt Recron ở TP.Nilai bang N.Sembilan (Malaysia) đã nhận lao động Việt Nam từ năm 2002. Hiện nay có trên 1.700 lao động Việt Nam đang làm việc tại đây. Bên cạnh lao động Việt Nam, nhà máy còn sử dụng một số lượng lớn lao động người Bangladesh.
Ngày 29.5, khi đi trên xe buýt từ nhà máy về ký túc xá, do bất đồng ngôn ngữ nên đã xảy ra va chạm giữa một số lao động Việt Nam và lao động Bangladesh làm cùng nhà máy. Sáng ngày 30.5, một số lượng rất lớn lao động Bangladesh đã sang ký túc xá đánh nhau với lao động Việt Nam, khiến nhiều người bị thương. Cảnh sát đã bắt 7 lao động Bangladesh để điều tra.
Sau đó, vào khoảng sau 22 giờ 30 (thời điểm giao ca) ngày 7. 6, tại khu ký túc xá của Nhà máy Dệt Recron, khoảng 200 lao động Bangladesh kéo sang ký túc xá nam để đánh nhau với lao động Việt Nam. Cảnh sát đã huy động cả lực lượng phản ứng nhanh của Malaysia (khoảng 200 người) đến giải quyết vụ việc và đã kiểm soát được tình hình.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong vụ xô xát trên, hai bên có khoảng 30 người bị thương, trong đó Việt Nam khoảng 10 người. Số bị thương được đưa đến bệnh viện sơ cứu và trở về ký túc xá ngay trong đêm. Hiện chỉ còn 3 lao động đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có 1 lao động Việt Nam với thương tích nhẹ.
Theo ông Lê Văn Thanh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia đã làm việc với các cơ quan chức năng của Malaysia và các bên có liên quan để giải quyết vụ việc. Ban Quản lý lao động đã thống nhất với Đại sứ quán Bangladesh tại Malaysia gặp gỡ lao động của nước mình để khuyên nhủ và kiềm chế những hành động quá khích; hai bên chọn ra một số người đại diện lao động để tiếp xúc với nhau, thông qua họ giúp làm dịu tình hình, thông báo diễn biến của hai bên.
Ngoài ra, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia đã đề nghị lực lượng cảnh sát tăng cường lực lượng bảo vệ trong ký túc xá, điều tra tìm ra những nhân vật chủ mưu để xử lý theo pháp luật nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra. Phía nhà máy cần có các biện pháp an ninh cụ thể để đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam.
Theo Danviet.vn