Một số điều tra viên còn bị người thân gọi điện đến trách mắng vì chuyện này. Tuy nhiên, đã là công việc thì các anh phải gạt tất cả những điều đó ra ngoài.
1. Từ khi đưa Thuận về CQCA các điều tra viên đã thay nhau tiếp xúc, lấy khẩu cung – song Thuận đều không hợp tác.
Bằng kinh nghiệm cộng với những chứng cứ khoa học mà cơ quan Kỹ thuật hình sự, Cơ quan Kỹ thuật nghiệp vụ đã thu thập, phân tích được các điều tra viên nhận thấy tâm lý của Thuận đã có sự biến chuyển.
Thượng tá Hà nói với Thuận rằng, lẽ ra hôm nay cả tôi và chị đều phải ở nhà đón năm mới cùng gia đình. Một ngày có ý nghĩa nhất trong năm như ngày hôm nay, việc buộc phải vắng mặt ấy thật là đáng tiếc. Nhưng chúng ta đã phải ở đây.
Tôi khuyên chị nên thành khẩn. Và, sau khi uống hết cốc sữa nóng hổi, Thuận đã xin được viết bản tự khai, tường trình một cách chi tiết về tội ác của mình trong vụ tổ chức đốt nhà anh chồng.
Cuối năm 2007, sau khi ly thân với chồng, Nguyễn Thị Thuận đã được anh chồng là Nguyễn Chí Hưng khuyên răn nên xin lỗi chồng để về đoàn tụ.
Cho rằng gia đình chồng bênh nhau, Thuận rất bức xúc. Ngày 20-1-2008 Thuận nói với Bùi Tiến Hà: "Cháu rất tức vợ chồng ông Hưng vì luôn bênh em trai. Chú mua ít xăng về, giúp cháu đốt cái biển C`ty của ông Hưng cho bõ tức".
Thấy Hà lưỡng lự, Thuận bảo: "Chú cứ đốt đi, nếu xảy ra chuyện gì cháu chịu trách nhiệm".
Do ông Hà chưa làm ngay, Thuận nhờ Hoàng Hải Tiệp ra tay và không quên hứa hẹn: "Chị xây nhà xong, mày xuống ở với chị, chị không lấy tiền nhà". Tiệp đã đồng ý, nhận 50.000 đồng từ Thuận để đi mua xăng.
Đêm 24 rạng ngày 25-1-2008, lợi dụng lúc gia đình anh Hưng ngủ say, Tiệp và Hà đã rót xăng qua thước nhôm đổ vào cửa sắt nhà anh Hưng và châm lửa đốt.
Ngọn lửa bùng lên dữ dội biến ngôi nhà thành một ngọn đuốc khổng lồ khiến cả 3 người sống trong nhà vào thời điểm đó là hai vợ chồng anh Hưng và con gái là cháu Thảo Hiền đã bị tử vong do bỏng.
2. Trung tá Đào Trung Hiếu, nguyên điều tra viên Đội 9 đã từng tâm sự với chúng tôi, trong suốt hành trình làm điều tra của mình, hiếm có bị can nữ nào gây cho anh nhiều ám ảnh đến như thế.
Sau khi các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Nguyễn Thị Thuận được công bố, Thuận đã được đưa vào trại tạm giam Hỏa Lò (Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội).
Để tiếp tục củng cố chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ vụ án, Trung tá Hiếu nhiều lần phải vào tận trong trại tạm giam, tiếp xúc với Thuận rất nhiều lần. Và cuộc đấu trí lần này có phần còn căng thẳng hơn lúc đầu.
Khoảng một tuần sau ngày nhập trại, Thuận dường như đã lấy lại được “cân bằng”. Bên cạnh đó, Thuận được sự hậu thuẫn rất lớn từ gia đình, nên cô ta lại càng tỏ ra tự tin hơn. Đồng thời, lý trí của Thuận lúc ấy cũng trỗi dậy.
Thuận thừa thông minh để hiểu rằng, với tội chủ mưu đốt nhà, thiêu sống một lúc ba mạng người, và với sự nghiêm khắc của pháp luật, Thuận khó thoát khỏi án tử.
Cũng chính vì như vậy, khi được mời lên phòng hỏi cung, Thuận đã áp dụng chiến thuật “ba không”. Nghĩa là “không biết, không nghe và không thấy”.
Mấy tuần trong trại giam, Thuận gầy hơn trong bộ quần áo sọc rộng, quầng mắt sâu bên dưới mái tóc bù xù, trĩu nặng nỗi ưu tư xen lẫn sợ hãi.
Một hôm, nhân nói về tình yêu ngoài hôn nhân, bất chợt điều tra viên hỏi về một người đàn ông tên S... vốn học cùng lớp ĐH tại chức kinh tế với Thuận.
Thoáng chút ngạc nhiên, bối rối rồi Thuận nói: "Sau cánh cửa ai chẳng giống ai mà anh"! Rồi nét mặt Thuận đanh lại, khi nhắc về Y - một người Thuận nghi ngờ có quan hệ với chồng mình, nói như để biện minh cho việc: "Vì ông ăn chả nên bà xơi nem".
Hôm khác, điều tra viên hỏi Thuận một câu đúng chuyên ngành ngoại ngữ của cô ta: "Honesty is the best policy" - Em dịch câu này thế nào?", Thuận bật ra ngay: "Thật thà là phương pháp tốt nhất".
Nói xong, chợt thấy ngường ngượng, Thuận nhìn điều tra viên rồi cúi xuống, vân vê tà áo sọc, cười cười.
Những nỗ lực của tổ làm án cuối cùng đã được trả công. Câu nói cuối buổi chiều ấy của Thuận là: "Cho tôi gặp bố". Nguyện vọng của thị được đáp ứng. Ông C đã khuyên con gái: "Nếu con trót làm thì con phải nhận tội, nếu không làm, không được nhận".
Thuận xin lỗi bố mẹ và ủy quyền giải quyết việc tài sản, đất đai. Xong xuôi, Thuận cắm cúi viết ra bản tường trình về tội lỗi của mình.
Có một chi tiết mà Trung tá Hiếu còn nhớ mãi. Sau cái lần tỏ ra hợp tác với cơ quan điều tra, bẵng đi một thời gian Hiếu mới lại vào hỏi Thuận. Thị nhìn thẳng vào Hiếu, nói: "Em thấy nhớ anh!".
Câu hỏi làm điều tra viên dày dạn kinh nghiệm sững người, cảnh giác rồi nghiêm mặt hỏi: "Là ý gì vậy?". Thuận vội giải thích: "Nhớ vì anh là cầu nối duy nhất của em với thế giới bên ngoài lúc này, nhớ như với một người bạn!”.
3 Hoàng Hải Tiệp, kẻ thực hiện âm mưu đốt nhà do Thuận sắp đặt, gia cảnh thật éo le. Bố Tiệp đã bỏ hai mẹ con, đi biệt xứ theo người đàn bà khác từ khi Tiệp còn ẵm ngửa.
Từ khi ly hôn, bà N tần tảo nuôi con bằng nghề quét vôi thuê. Thương mẹ, Tiệp ngoan ngoãn, vâng lời. Tuy lực học chẳng bằng ai, nhưng được cái lành tính, ít nói.
Học hết phổ thông, Tiệp theo mẹ làm thuê một thời gian rồi nộp hồ sơ xin xét tuyển vào khoa Chế biến thực phẩm -trường cao đẳng Du lịch Hà Nội. Quá trình học nghề, để có tiền ăn học, vừa thêm thắt đỡ mẹ, Tiệp xin đi làm phụ bếp ở nhiều nhà hàng.
Tích cóp từng đồng, rồi Tiệp cũng có vài triệu gửi về nhờ mẹ mua cho chiếc xe máy Tàu lấy cái đi lại. Khi làm ở một nhà hàng trên đường Kim Mã, Tiệp đã yêu một cô bé chạy bàn. Hai đứa đã về ra mắt trong nỗi hân hoan của bà N...
Bà cũng nhanh nhảu khoe chuyện cu Tiệp mấy tháng trước được chị Thuận ở Mỹ Đình cho ở nhờ không lấy tiền!
7 giờ sáng hôm ấy, khi Tiệp bị triệu tập tới CQCA làm việc. Suốt đoạn đường về nhà số 7 Thiền Quang, Tiệp câm lặng. Một cốc nước, bao thuốc lá và cái bánh mỳ được đặt lên bàn trước mặt Tiệp.
Một câu hỏi buông ra trước khi cửa phòng khép lại: "Từ khi về Hà Nội, cháu có làm điều gì sai không?". Một mình trong căn phòng vắng, Tiệp đốt thuốc liên tục và ôm đầu ngẫm ngợi.
Giờ nghỉ trưa, cán bộ mang cơm đến tận nơi cho Tiệp ăn rồi lặng lẽ dọn đi. Đến 15 giờ, một điều tra viên bước vào, hỏi Tiệp về quá trình ăn ở, sinh hoạt, học tập tại Hà Nội.
Tiệp khai với giọng run run rồi câm lặng trước câu hỏi lặp đi lặp lại: "Có sai phạm gì?". Hồi lâu, Tiệp cất lời đầu tiên: "Gần một năm nay cháu sống trong sợ hãi, cháu biết có ngày này, cháu có tội!".
Sau câu nói ấy, Tiệp cắm cúi viết bản tự khai đầu tiên, chân tướng tội ác dần dần bộc lộ. Trong gần hai năm, lời khai của Tiệp thủy chung như nhất.
Tiệp luôn thừa nhận tội lỗi, kể cả khi có mặt luật sư bào chữa, đồng thời tố giác đồng bọn. Mong muốn duy nhất của Tiệp là được khoan hồng để có cơ hội trở về với mẹ.
Trong hai ngày 3 và 4-8-2010, Tòa sơ thẩm Tòa án quân sự Quân khu Thủ đô đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án với các mức hình phạt tù chung thân đối với bị cáo Nguyễn Thị Thuận, 20 năm tù giam đối với Bùi Tiến Hà và 18 năm tù giam đối với Hoàng Hải Tiệp.
- Ngày 9-8-2010, cả 3 bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đòi minh oan.
- Ngày 18-8-2010, ông Bùi Tiến Lực (cha đẻ của nạn nhân Bùi Thu Hà) và bà Hoàng Thị Huỳnh (mẹ đẻ của nạn nhân Nguyễn Chí Hưng) đã kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị áp dụng các tình tiết tăng nặng: Giết người có tổ chức, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng để tuyên phạt bị cáo Thuận với mức án tử hình, Hà chung thân và Tiệp từ 20 đến 23 năm.
- Trong các ngày 31-11 và 1-12-2010, Tòa phúc thẩm Tòa án quân sự Trung ương đã tiến hành xét xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm. Phía gia đình người bị hại bày tỏ sự bất bình với bản án này.