Kỳ2: Vụ Hỏa hoạn kinh hoàng

Hằng Sơn |

Tháng 1-2008, một vụ hỏa hoạn thương tâm đã xảy ra tại ngôi nhà 3 tầng ở xóm Kho, thôn Phú Mỹ (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) khiến 3 người trong một gia đình tử vong.

Sau đúng một năm điều tra ròng rã, CA Hà Nội đã tìm ra kẻ thủ ác là một cô giáo dạy Anh văn. Cuộc đấu trí với người đàn bà nham hiểm này từ giờ phút đầu tiên cho đến khi thị ra tòa khiến CQĐT tốn không ít công sức…

Thượng tá Trần Ngọc Hà, nguyên Đội trưởng Đội điều tra trọng án, Phòng CSHS CA Hà Nội nhớ lại. Sáng 25-1-2008, CQCA nhận được thông tin về vụ hỏa hoạn xảy ra ở xóm Kho ngay lập tức các chiến sĩ phòng CSHS tỏa xuống hiện trường.

Qua công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, CQCA đặt nhiều dấu hỏi về vụ hỏa hoạn kỳ lạ này. Đặc biệt, khi các trinh sát phát hiện có dấu hiệu của xăng còn sót lại, và chất dễ cháy đó được đưa từ ngoài vào.

Do đó, CQCA khẳng định đây là vụ giết người chứ không còn đơn giản là vụ hỏa hoạn nữa.

Thượng tá Hà cũng tâm sự, suốt hơn một năm ròng rã các trinh sát, điều tra viên của Đội 9 đã đổ không biết bao nhiêu công sức để phá án.

Phần vì nhiệm vụ phải thực thi, phần cũng vì đau xót cảm thương cho cái chết oan uổng của 3 con người vô tội: Đại úy quân đội Nguyễn Chí Hưng, Tiến sĩ văn học Bùi Thu Hà và bé gái 6 tuổi Thảo Hiền.

Có một chi tiết mà Thượng tá Hà không bao giờ quên được là khi tổ công tác vào BV đến hỏi chị Hà rằng nhà cháy chị có nghi cho ai đốt không, thì chị Hà, trong nước mắt chứa chan vẫn lắc đầu.

Cho đến lúc chết, chị vẫn không bao giờ ngờ rằng, người em dâu (Nguyễn Thị Thuận) mà chị đã mát tay mai mối, người bạn thân thiết với chị từ thuở nhỏ lại có thể độc ác đến mức ra tay với gia đình chị.

Những ĐTV có mặt bên giường bệnh không ai cầm được nước mắt trong giây phút chị Hà ra đi trong đau đớn.

Thượng tá Trần Ngọc Hà bảo, nhìn cảnh ấy đau đớn lắm và những người làm trọng án đã nỗ lực hết mình vì vụ án này một phần cũng vì những đau đớn ấy.

Mặc dù đã rất quyết tâm, và dồn toàn sức toàn lực cho công tác phá án, song phải nói là hiếm có vụ án nào mà CQCA gặp nhiều khó khăn như trong vụ này.

Hiện trường hầu như không còn dấu vết, lại bị xáo trộn do hoạt động cứu hỏa và cấp cứu nạn nhân. Bên cạnh đó các nạn nhân đều không thể cung cấp được thông tin; vụ án xảy ra trong đêm vắng trước đó trời đổ mưa nên không có nhân chứng...

Tất cả những mối quan hệ có thể xảy ra mâu thuẫn lớn của anh Hưng, chị Hà được rà soát khá kỹ lưỡng nhưng không có kết quả. Vụ án tưởng như đi vào ngõ cụt.

Cho đến khoảng tháng 10-2008, bà Huỳnh, mẹ chồng của chị Hà, khi đang ôm bé Kiên, con trai duy nhất của Thuận và anh Tuấn (em trai anh Hưng) thì bé Kiên bỗng thốt lên hờn dỗi: "Con ghét mẹ Thuận".

Bà hỏi thêm: "Vì sao?" thì bé Kiên trả lời: "Vì mẹ Thuận xui chú Diệp đốt nhà". Khi ấy Tuấn đang ở một tỉnh miền núi phía bắc làm lễ cầu siêu cho gia đình anh trai, bà Huỳnh vội vã gọi điện thoại cho Tuấn trở về.

Cuộc điều tra của CATP Hà Nội đã mở ra một hướng mới bằng việc xác minh một nhân vật có tên là "Diệp". Suốt cả tháng ròng, các ĐTV của Đội điều tra trọng án dồn sức truy tìm manh mối của một người tên là Diệp nhưng không thấy.

Tất cả các mối quan hệ của gia đình anh Hưng, anh Tuấn trước đã rà soát nay lại được rà soát lại, kỹ lưỡng hơn.

Không chỉ có bạn bè thân quen mà kể cả những người đã từng trông coi hộ nhà anh Hưng và cả nhà anh Tuấn lúc xây dựng cũng được lần tìm lại.


Nguyễn Thị Thuận, Hoàng Hải Tiệp tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: H.Sơn

Nguyễn Thị Thuận, Hoàng Hải Tiệp tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: H.Sơn

Trong số hàng trăm mối quan hệ đó, dù đã lần tìm rất tỉ mẩn nhưng tuyệt nhiên không thấy có một người nào tên là Diệp.

Chỉ có duy nhất một người từng có thời gian ở nhà Thuận nhưng lại tên là Tiệp. Các ĐTV ngồi lại cùng trao đổi và đi đến thống nhất, rất có thể đó là Tiệp chứ không phải Diệp vì hai tên đó phát âm gần giống nhau.

Tuy nhiên, các thông tin về đối tượng Tiệp cũng rất ít ỏi. Chỉ có một thông tin duy nhất rằng thanh niên tên Tiệp đó trong thời gian ở nhà Thuận thì có đi học nghề nấu ăn.

Nếu học trường nấu ăn thì nhiều khả năng chỉ có trường trung cấp Du lịch Hà Nội. Trường này mỗi khóa học nấu ăn là 2 năm.

Tính lùi thời gian, khi xảy ra vụ án năm 2008 còn đang học thì chỉ có thể là sinh viên nhập học vào khoảng hai năm 2007 hoặc 2008 mà thôi.

Sau nhiều ngày tìm kiếm, hồ sơ của khoảng chục sinh viên tên Tiệp đã được rút ra nghiên cứu. Và, trong số gần chục sinh viên tên Tiệp, các ĐTV đặc biệt chú ý đến hồ sơ của người có tên là Hoàng Hải Tiệp, SN 1980 người dân tộc Tày quê ở Yên Bái.

Vì lẽ , ở anh ta có hai điểm trùng khớp: thứ nhất là trùng tên, thứ hai là đồng hương với Thuận.

Và các trinh sát đã đem ảnh tới cho những người dân làng Phú Mỹ xem, những người mà theo phán đoán của các ĐTV thì họ biết người thanh niên đã từng ở nhà Thuận tên là Tiệp.

Nhiều người trong làng, khi nhìn ảnh của sinh viên Hoàng Hải Tiệp đều khẳng định người trong ảnh chính là thanh niên đã có thời gian tá túc ở nhà cô Thuận trước khi vụ cháy xảy ra.

Nhưng từ sau khi vụ cháy xảy ra thì người thanh niên này đã chuyển đi đâu không rõ.

Một cuộc viếng thăm bất ngờ gia đình Hoàng Hải Tiệp trên Yên Bái của những người khách lạ đã diễn ra ngay sau đó. Tiệp không có nhà. Trong căn nhà tồi tàn ở một xã miền núi heo hút, chỉ có một mình mẹ Hoàng Hải Tiệp ở.

Bà lấy chồng từ khi còn rất trẻ và ngay sau khi sinh ra Hoàng Hải Tiệp được ít lâu thì cha Tiệp bỏ lên Tuyên Quang lấy vợ hai, không ngó ngàng gì đến bà và Tiệp.

Bà vò võ một mình, lần hồi nhọc nhằn kiếm sống từng bữa chắt chiu nuôi Tiệp. Niềm hy vọng của cả cuộc đời bà dồn vào mụn con trai duy nhất đó.

Tiệp học xong phổ thông, muốn xuống Hà Nội học nghề nấu ăn, hy vọng sẽ thay đổi được cuộc sống nghèo túng của hai mẹ con.

Nông dân ở miền núi như bà, nuôi con ở quê đã khó huống chi xuống tận Hà Nội ăn học nhưng thương con bà đành gắng gượng, giật gấu vá vai.

Tiệp xuống Hà Nội, chịu khó học hành, vừa học vừa làm thêm phục vụ ở các quán ăn để đỡ đần mẹ tiền ăn học. Bà khoe với những người khách, Tiệp đã ra trường, đang làm việc cho một quán ăn ở phố Báo Khánh trên Hà Nội.

Tiếp tục xác minh ở nơi Tiệp làm việc, các ĐTV thu được một thông tin quan trọng. Tiệp hiện vẫn đang làm việc ở đây và đang dùng số điện thoại 09xxxxxxxx.

Các ĐTV đã suýt reo lên sung sướng khi đó chính là số máy gọi vào tổng đài báo cháy ở Hà Nội vào đúng đêm xảy vụ cháy ở nhà anh Nguyễn Chí Hưng. Tuy nhiên, người dùng số máy này đã ngắt ngay khi có kết nối.

Điều tra tiếp về Tiệp, các ĐTV lại có thêm một thông tin nữa: Tiệp có một người đồng hương tên là Bùi Tiến Hà. Trên quê Yên Bái, nhà Hà và nhà Tiệp ở gần nhau. Hà SN 1959, bằng tuổi mẹ Tiệp nên Tiệp gọi bằng chú.

Thời điểm Tiệp xuống Hà Nội học cũng là thời điểm Bùi Tiến Hà xuống Hà Nội trông coi công trình xây dựng cho gia đình Thuận.

Lúc đó Thuận xây ngôi nhà 5 tầng mới ở ngay sát nhà anh Hưng mà hai vợ chồng Thuận thì đã ly thân nên mẹ Thuận phải nhờ Hà xuống trông coi công trình giúp con gái.

Đã có lần Tiệp gọi điện thoại về quê cho vợ Hà xin số điện thoại của Hà để hai chú cháu liên lạc với nhau ở Hà Nội.

Cuối tháng 12-2008, Tiệp bị bắt tại Cổ Nhuế. Cùng lúc Hà bị bắt ở Yên Bái. Thuận cũng bị bắt ngay sau khi kết thúc giờ dạy ở trường.

Một ĐTV PC45 kể lại với chúng tôi khi đưa thị ra xe đặc chủng về số 7 Thiền Quang (trụ sở Phòng PC45), Thuận lên giọng dọa anh em: "Danh dự của tôi lớn lắm các ông biết chứ?".

Có lẽ Thuận biết rõ rằng vụ án đã xảy ra được một năm, không dễ gì mà CQCA có đủ chứng cứ.

Bên cạnh đó, Thuận sinh ra trong một gia đình “có thế lực” vì vậy mà dân trong thôn Phú Mỹ lúc ấy đổ xô đến vây quanh xe, ném về thị những lời cay độc nhất, nhưng gương mặt Thuận vẫn giữ được vẻ thản nhiên.

Khi được đưa về phòng hỏi cung tại Đội 9, Thuận vẫn một mực không khai. Phải mất hai ngày trời ròng rã, các ĐTV mới có thể khiến Thuận phải tâm phục khẩu phục…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại