Cố gắng tìm mọi cách minh oan cho con trai luôn là nỗi lòng đau đáu của anh Lê Văn Hiệu.
Tính đến nay đã có hơn 1.000 lá đơn kêu oan được gửi đi, trong đó có cả những lá đơn của hơn 100 người dân, của 1 vị lão thành cách mạng và của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Từ sau phiên toà sơ thẩm, nhận thấy vụ án xử các con mình có nhiều chi tiết mâu thuẫn và vô lý, hàng nghìn lá đơn khiếu nại, kêu oan đến hàng chục cơ quan chức năng được các phụ huynh gửi đi. Gần 6 năm qua, họ (những phụ huynh của 6 thanh niên trên) hoặc là không nhận được phản hồi hoặc chỉ nhận được thông báo: "Đã nhận được đơn thư của ông (bà)".
Những lá đơn khiếu nại được gửi đi gửi gắm bao hy vọng.
Uẩn khúc
Trao đổi với PV, các phụ huynh của 6 thanh niên bị phạt tù trong vụ án hiếp dâm ở xã Minh Đức, Tứ Kỳ mà chúng tôi đã đề cập, đều có chung nguyện vọng tiếp tục kêu oan, dù thời điểm diễn ra sự việc ấy đã hơn 5 năm rồi, dù lần lượt những thanh niên này đã mãn hạn tù.
Ông Vũ Đình Thuận (bố của Vũ Đình Ý) cẩn thận lôi trong tủ ra một tập hồ sơ giấy tờ, ngồi đếm đi đếm lại rồi nói với chúng tôi: "Mỗi lần gửi đi đâu, tôi đều lưu lại một bản. Nó nhiều đến thế này đây!". Ông Thuận cũng khẳng định lại rằng sở dĩ các gia đình viết đơn khiếu nại là do phát hiện thấy trong bản án có nhiều uẩn khúc chưa được làm rõ. "Nếu như là một bản án rõ ràng, chúng tôi không kêu oan. Con mình nếu có tội thì pháp luật xử lý, nhưng thấy chúng bị oan, chúng tôi phải kêu oan. Bây giờ sau khi các cháu đã trở về, chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh. Nói thật, nếu không oan ức thì các cháu sẽ bảo chúng tôi rút đơn, chứ tù đày đến từng ấy năm, lại lao vào vòng xét xử, tâm lý con người ai dại gì...", ông Thuận nói rồi bỏ lửng.
Căn cứ đầu tiên để các phụ huynh bắt đầu lật lại vấn đề là từ những mảnh báo mà các thanh niên này bí mật viết lại gửi cho bố mẹ. Ông Lê Văn Hiệu (bố của Lê Văn Phương) kể: "Công an bắt con tôi tại nhà mà không hề cho chúng tôi biết, là những người làm cha làm mẹ mà chúng tôi không hay lấy một tiếng. Chiều tối không thấy con về nhà, đi hỏi bạn bè mới biết là bị bắt. Có một điểm làm tôi cứ phân vân, lúc gặp tôi lần cuối trước khi bị giải đi, Phương cứ một mực kêu oan. Bước lên ô tô rồi, Phương ném lại cho tôi mấy mảnh báo cũ. Mở ra thấy dòng chữ viết "Con là Phương đây. Bây giờ bố nhờ anh Th. điều tra bọn Vạn (thôn Vạn) xem chúng làm việc đó có phải vào ngày 3/9 không và ở đâu. Nhưng đừng cho những người cùng anh Th. biết ngay không thì họ lại đánh bọn con để hỏi cung đấy" và nhiều mảnh khác, một mực kêu oan. Lúc đó, tuy tôi rất tức giận về con nhưng một phần cũng tin con. Đặc biệt sau khi dự phiên xử sơ thẩm nhận thấy có nhiều tình tiết vô lý bị toà bỏ qua, thế rồi từ đó chúng tôi gửi đơn kêu oan đi khắp nơi".
Nước mắt người cha đã rơi khi nghĩ về những ngày tháng tủi cực của con.
Nghìn lần chờ đợi, nghìn lần thất vọngTrong hơn nghìn lá đơn theo như tính toán của ông Thuận có cả những lá đơn của hơn 100 người dân, của một vị lão thành cách mạng 50 năm tuổi Đảng, của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng thấy sự việc bất bình. Trong đó còn có đơn của bào chữa viên nhân dân, của luật sư bào chữa đề nghị xem xét lại vụ án. Nhưng đến thời điểm này, tất cả như "ném đá ao bèo".
Ông Thuận đọc vanh vách: "Ngày 10-1-2007, đơn khiếu nại án sơ thẩm gửi Toàn án nhân dân huyện Tứ Kỳ, Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương. Ngày 3-2-3007 đơn khiếu nại gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương, gửi Mặt trận Tổ quốc, gửi báo, gửi đài PT-TH. Ngày 6-3-2007 đơn gửi đến Chánh án Toà án Nhân dân Hải Dương, gửi Viện Kiểm sát tỉnh Hải Dương. Và những lá đơn kêu oan còn được chúng tôi gửi lên các cơ quan chức năng ở Trung ương. Mỗi lần gửi đi là một lần nhen nhóm lên hy vọng, nhưng rồi cho đến tận bây giờ, có nơi thì thông báo đã nhận được đơn, có nơi thậm chí còn không thấy phản hồi lại gì cả".
Ông Mai Văn Bỉ (bố của Mai Thanh Hải) tâm sự: "Chờ đợi phiên Giám đốc thẩm để được xét lại vụ án mà ngày càng thấy xa vời. Có lúc tuy buồn trong thất vọng, nhưng rồi nghĩ đến việc oan sai, nhục nhã nên chúng tôi kêu oan cho bằng được. Tôi biết trong số những bác phụ huynh đây, nhiều người đã viện ra lý do này, lý do khác để dần rút lui khỏi các cơ quan đoàn thể mà mình tham gia. Nhưng có lý do nào khác ngoài sự xấu hổ đâu. Một ngày các cháu chưa được minh oan là một ngày trong tâm mình chưa thanh thản, cho dù đến bây giờ nỗi đau đã có phần nguôi ngoai. Tôi chỉ băn khoăn một điều, tại sao đơn từ gửi đi nhiều như vậy mà tất cả đều bặt tăm???".
Rồi đây, những lá đơn ấy sẽ còn được tăng lên nhiều nữa, không chỉ là những lá đơn kêu oan mà còn là đơn xin nhập học, đơn xin việc làm... Quả đúng như ông Thuận tâm sự: "Con đường trở về, tìm lại danh dự, tìm lại những gì đã mất, tìm lại cuộc sống thường nhật sao mà lắm gian nan đến thế".
“Đơn thương độc mã”
Cùng một ngày đi, nhưng ngày về người sớm kẻ muộn. Tuy chưa được minh oan, cả 6 gia đình vẫn cùng chung nỗi niềm, nhưng khi thấy Ý, Thuyên, Hải đã trở về, phụ huynh của 3 gia đình còn lại không khỏi buồn bã, nóng ruột.
Ông Lê Văn Hiệu, bố của Lê Văn Phương đoán già đoán non: "Hết năm, ra giêng là Phương về. Không biết có được giảm án mà về sớm hay không? Thấy Ý, Thuyên, Hải trở về mạnh khoẻ tâm lý tốt là tôi mừng rồi. Cầu mong cho thời gian qua nhanh để Phương được trở về đoàn tụ cùng gia đình". Phương là anh cả trong gia đình có 3 anh em. Ông Hiệu cùng vợ chật vật lắm mới lần hồi đủ tiền nuôi em gái của Phương đang học năm thứ 4 đại học và một em nữa đang học cấp III. Ngoài mấy sào ruộng khoán, vợ chồng ông còn phải chăn nuôi những cũng chẳng đủ. Ông Hiệu tâm sự: "Phải vay mượn mới đủ muôi con. Mỗi lần vào trại thăm Phương cũng tốn đến dăm bảy tạ thóc". Dạo trước, khó khăn quá, cứ hết mùa màng ở quê là mẹ của Phương lại lên Hà Nội làm thuê làm mướn kiếm tiền. Còn ông Hiệu một mình ở nhà làm hậu phương. "Nhiều lúc thấy cảnh đời sao mà gian nan quá, gia đình tan đàn xẻ nghé mỗi người một nơi, nhưng đành phải cố gắng vậy", ông tâm sự.
Đối với bà Nguyễn Thị Ly, mẹ của Phạm Quốc Trưởng, khi thấy Ý, Thuyên, Hải trở về, bà không khỏi rơi nước mắt khi nghĩ đến con vẫn đang ngồi tù. Bà tâm sự: "Còn lâu lắm Trưởng mới được về. Mãi đến tháng 9-2015 cơ mà". Cũng giống như gia đình của Phương, gia đình Trưởng cũng sống nhờ vào 5 sào ruộng. Kinh tế gia đình không lấy gì khá giả. Bà Ly cho biết mỗi năm, gia đình tổ chức khoảng 4 đến 5 lần vào trại thăm Trưởng. Mỗi lần đi tốn đến cả tiền triệu: "tiền tàu xe, tiền ăn uống, tiều lưu phí gửi cho con lúc nó cần rút ra tiêu pha".
Hoàn cảnh gia đình của Nguyễn Văn Thìn cũng không khác là mấy. Tất cả đều xuất phát từ thuần nông, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Nhưng, khi hỏi đến chuyện có tiếp tục khiếu nại, kêu oan thì tất cả phụ huynh đều đồng lòng làm tới cùng cho dù phải tốn kém rất nhiều tiền. "Tốn bao nhiêu công, bao nhiêu của, chúng tôi cũng phải minh oan bằng được cho con mình. Nhưng để làm được điều đó chúng tôi còn phải nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng. Chứ đơn thương độc mã, chỉ có 6 gia đình với nhau gửi đến cả nghìn lá đơn mà cũng chẳng ăn thua gì", bà Ly nói.
Theo Gia Đình XH