Kinh hoàng vụ thảm sát Mường Lống

camnhung |

Mường Lống ngày nay, với sự êm đềm mấy ai biết được, 47 năm về trước, nơi đây đã diễn ra 1 vụ thảm sát kinh hoàng của giặc phỉ.

Vào đêm 24-6-1964, sau 1 đợt tập kích của phỉ, hầu như tất cả các cơ quan trên địa bàn xã Mường Lống đã bị "san phẳng”, riêng Trạm cây giống của Ty Lâm nghiệp Nghệ An đóng tại địa bàn đã có đến 21 người bị hạ sát hết sức thảm khốc. Sau gần 50 năm, đêm thảm sát kinh hoàng này đã được chúng tôi cùng ông lần giở lại. Những tột đỉnh đớn đau giữa người sống sót và chúng tôi vẫn chưa hề nguôi ngoai.

Mường Lống ngày nay, với sự êm đềm mấy ai biết được,

47 năm về trước, nơi đây đã diễn ra

1 vụ thảm sát kinh hoàng của giặc phỉ

Đêm kinh hoàng!

Là nhân chứng còn sót lại trong đêm thảm sát kinh hoàng này, ông Lê Văn Toản hiện đang sống ở khối 2, thị trấn Mường Xén. Ông sinh năm 1940 ở Mỹ Thành (Yên Thành, Nghệ An). Do cuộc sống khó khăn và bệnh tật nên bố mẹ ông lần lượt từ giã cõi đời, bỏ lại ông và người em gái bơ vơ.

Làng đói, lần mò kiếm ăn ở khắp nơi nhưng ông cũng không nuôi nổi em gái mình. Sau một cơn bệnh nặng, em gái ông cũng trút hơi thở cuối cùng. Còn lại một mình, ông lang bạt tứ xứ. Trên hành trình phiêu dạt ấy, theo đoàn dân công đi mở đường, ông đã tới Kỳ Sơn, 1 huyện nằm xa ngái tột cùng nơi miền Tây xứ Nghệ. Tại đây, ông đi làm thuê cho mấy nhà ở quanh thị tứ kiếm cơm qua ngày.

Năm 1962 may mắn đã đến với đời ông. Thấy khí hậu tại xã Mường Lống mát mẻ, Ty Lâm nghiệp Nghệ An quyết định mở một trại giống ở đây với việc ươm những giống cây, rau thích hợp khí hậu ôn đới. Thành lập trại ươm, Ty Lâm nghiệp tuyển công nhân trong địa bàn tỉnh, ông đã nằm trong quân số tuyển dụng.

Thời gian này, Mường Lống là điểm nóng của phỉ Châu Phà do Già Xay Xua cầm đầu. Ông Toản kể, ở Kỳ Sơn đã lâu nên ông biết rõ mối nguy hiểm của giặc phỉ. Thế nhưng, muốn thay đổi đời mình nên ông đã không quản ngại. Ngày ấy, hơn 30 công nhân được tuyển đều là người quê ở Nam Đàn chỉ riêng ông là người Yên Thành. Ông bảo, người ta chọn ông là bởi ở vùng dân tộc lâu năm, ông biết tiếng đồng bào, nên người ta cần ông để làm thông ngôn cho những ngày đầu lạ đất, lạ người.

Tập kết anh em xong, đầu Hạ năm 1962, đoàn công nhân từ Mường Xén lội bộ vào Mường Lống.

Do giặc phỉ tập kích, ém quân dọc đường nên đoàn cứ lặng lẽ đi, không dấu chân để lại. Ngày ấy, Mường Lống hoang sơ, đêm, thú rừng vẫn lảng vảng quanh lều bạt của mọi người. Ông Toản bảo, gọi là thị tứ nhưng hồi ấy, trung tâm Mường Lống chỉ lác đác vài mái nhà của mấy người Kinh lặn lội lên buôn bán. Còn nhà của đồng bào người Mông thì ở tít trên các núi cao, đi vài tiếng đồng hồ mới đến.

Ổn định xong nơi ở bằng nhà gỗ, mái lá phên tre, trại bắt tay vào sản xuất. Trại được phân 5 khẩu súng trường của Mỹ, ngoài 2 khẩu chuyên dành cho người gác thì 3 khẩu còn lại được giao cho những người thành thạo việc dùng súng sử dụng. Mỗi khẩu chỉ có 15 viên đạn. Ngày ấy, anh em trong trại quý những khẩu súng trên hơn bất cứ của nả đắt giá nào. Có lẽ, ai cũng biết, sẽ có ngày họ phải dùng đến chúng dù không muốn chút nào.

Và rồi, cái điều không ai muốn ấy cũng đến! Đêm ngày 24-6-1964, sau phiên gác của ông là đến phiên của một công nhân tên Phùng và nữ công nhân Nguyễn Thị Lan. 3 giờ sáng, vừa thiu thiu ngủ ông bỗng giật mình bởi phía trước trại có tiếng súng nổ. Biết đã bị phỉ tập kích, ông vội vàng nép mình vào cây cột nhà rồi hô hoán mọi người dậy. Có người vừa vùng ra khỏi chăn thì đã đổ ụp xuống bởi trúng đạn bất ngờ. Có người vẫn nằm im trong chăn, thấy ồn ào, ú ớ chưa hiểu chuyện gì thì đã nằm yên bất động. Trong lán, tiếng kêu rên của những người bị thương mỗi lúc một thêm thảm thiết.

Chỉ hơn tiếng sau, điểm mặt anh em, thấy người thì đã chết, người thì bị thương, đang cố lết về phía ta luy ở phía sau nhà. 8 giờ sáng, phỉ lại ồ ạt tấn công. Lần này, chúng vừa hùng hổ tiến chúng vừa quãi đạn vào bất cứ chỗ nào nghi ngờ. Mấy người bị thương khi đêm trườn ra ngoài ta luy cũng bị chúng quăng lựu đạn, chết phủ phục trên những đống đất bị cầy xới nát vụn.

Nằm trong lán, quan sát ông thấy thằng đi đầu vai mang ba lô cùng chiếc dù xanh, tay lăm lăm khẩu súng vừa đi khoát tay hô. Đoán thằng ấy là chỉ huy của toán phỉ, ông quyết hạ. Đoàng! Tiếng nổ khô khốc vang lên. Thằng chỉ huy trúng đạn. Vội vàng lên đạn. Đoàng! Phát đạn thứ hai vang lên, một thằng mà ông rõ mặt, rõ tên ở bản Xa Lây ôm tay lùi lại. Thấy đồng bọn liên tiếp bị dính đạn, toán phỉ ngồi thụp xuống rồi không ai bảo ai, từ từ rút ra. Không để chúng kịp hoàn hồn, ông bồi thêm hai viên nữa. Lại hai tên lộn nhào rồi lê lết lẩn vào những lùm cây um tùm trước lán.

Đêm thảm sát vẫn còn là sự khiếp đảm, nỗi đớn đau nhất

mà ông Lê Văn Toản đã từng chứng kiến trong đời

Nước mắt người còn lại

Nhận được tin báo Mường Lống bị tập kích, công an biên phòng từ đồn Mỹ Lý cách đó gần chục cây số cũng đã vào ứng cứu. Thế nhưng, vào Mường Lống chỉ duy nhất có một con đường độc đạo là băng qua cổng trời. Và ở nơi yết hầu ấy, địch đã đặt quân mai phục khiến lực lượng của ta không thể tiến được. Tuy nhiên, sự có mặt kịp thời của công an biên phòng cũng đã làm phân tán lực lượng của địch. Từ trong thị tứ, chúng phải rút bớt quân ra ứng phó. Tiếng súng nổ đì đoàng vọng lại mỗi lúc một mau khiến ông thở phào nhẹ nhõm.

Quá trưa, thấy cánh rừng trước mặt không còn động tĩnh gì, đoán địch đã rút ra ngoài, ông mới lê ra cửa, hô hoán mọi người đến giúp. Và khi ấy ông mới biết, không chỉ riêng trại giống của ông, mà tất cả các cơ quan của nhà nước đóng trên Mường Lống, từ uỷ ban đến trạm y tế, đêm qua cũng đồng loạt bị phỉ tấn công. Nơi nào cũng có thương vong.

Tại uỷ ban, có cô y tá ngủ lại, sau khi bị hãm hiếp, địch đã man rợ chặt chân, đặt ra giữa nhà như chiếc ủng. Tuy nhiên, nặng nhất là trại giống. Đêm ấy, trừ những người may mắn đi công tác vắng, tổng cộng đã có 21 công nhân thiệt mạng.

Sang đến ngày thứ ba, tại những nơi xung yếu, cuộc giao tranh giữa biên phòng của ta và phỉ vẫn dai dẳng diễn ra. Toàn bộ Mường Lống vẫn bị phong toả hoàn toàn. Được sự giúp đỡ của nhân dân, dù vết thương vẫn còn rỉ máu, nhưng ông đã tiến hành an táng cho tất thảy đồng chí của mình. Tuy chỉ có manh chiếu cuốn thân nhưng ai ở xã nào, ông chôn tuần tự theo khu của xã ấy. Phía bản Xa Lây, địch vẫn cho máy bay tiếp viện lương thực và vũ khí.

Sang đến ngày thứ tư, khi bộ đội ta từ Mường Xén kéo vào, biết không cầm cự được, phỉ đã rút quân. Đến khi ấy, ông mới được mọi người đưa ra Mường Xén rồi về Vinh chữa trị vết thương. Viên đạn mà các y bác sĩ gắp được từ đùi mình ra, ông bảo, ông đã giữ làm kỷ niệm suốt mấy chục năm trời.

Cuối năm 2006, từ những lá đơn khẩn thiết của ông, tỉnh Nghệ An đã thành lập một đoàn kiểm tra liên ngành để trở vào Mường Lống, xác định lại vị trí, công lao của những người đã nằm xuống năm nào. Từ chuyến đi chính thức ấy, đoàn kiểm tra đã nhờ ông lên danh sách đầy đủ, chính xác những người đã hi sinh rồi soạn thảo công văn gửi Bộ LĐTB và XH, yêu cầu truy tặng những người đã hi sinh trên là liệt sĩ, bởi họ đã hi sinh vì sự nghiệp chung của Tổ quốc. Yêu cầu chính đáng và đã nhanh chóng được chấp thuận.

Hôm huyện Kỳ Sơn long trọng tổ chức lễ truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho những đồng chí của mình, ông đã khóc!

Theo Đại đoàn kết

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại