Chị kể năm 2011, anh chị về sống chung một nhà. Một năm sau thì con trai đầu lòng chào đời. Từ lúc mang thai đến khi sinh con anh chẳng quan tâm, chăm lo cho vợ con và gia đình.
Rồi anh đánh vợ, dù chị đang mang thai hay đang trong những ngày sinh.
Cạn tình
TAND huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đưa vụ án của anh chị ra xét xử. Đứng trước tòa, chị không giấu được cảm xúc tủi nhục của mình khi phải chịu đựng trong suốt thời gian làm vợ.
Chị cho biết lúc sinh con thì về nhà cha mẹ. Hơn ba tháng chị ở nhà cha mẹ sinh con, anh chỉ đến thăm đôi ba lần.
Mỗi lần anh đến thường rất khuya, người nồng nặc mùi bia rượu. Một lần thấy con rể đã khuya mới đến, cha chị nói: "Lần sau đến thăm vợ con thì đến sớm, đến muộn tôi không mở cửa đâu".
Thế là anh lao đến đánh cha vợ (việc này đã được chính quyền địa phương xử phạt hành chính). Phải đến khi những người hàng xóm sang can ngăn anh mới dừng lại.
Chị nghẹn ngào: “Xin tòa cho tôi được ly hôn. Thời gian qua tôi chịu đựng đã đủ rồi”. Chị cho biết vợ chồng chị lấy nhau không có công ăn việc làm ổn định.
Anh chẳng chịu chí thú làm ăn, chỉ biết tụ tập bạn bè chơi bời, ăn nhậu. Vợ có thai cũng bỏ đi biệt, không chăm lo lấy một bữa. Anh bác bỏ tất cả những gì chị nói.
Cho rằng chị bịa đặt và bôi nhọ chồng: “Người ta thường nói là phụ nữ thì phải công, dung, ngôn, hạnh.
Thử hỏi suốt thời gian làm vợ, làm dâu cô đối xử với gia đình chồng như thế nào. Tôi đi chơi, đi nhậu cũng chỉ vì cô không khéo. Bây giờ ra tòa cô còn nói xấu chồng cái gì”.
Về như thế nào phải ra đi như thế đó
Ra tòa anh dứt khoát: “Nếu đã ly hôn thì tự ôm con mà nuôi. Từ nay tôi không liên quan nữa. Cô về nhà chồng như thế nào thì phải ra đi như thế đó. Vàng cưới, tiền mừng cưới hãy trả hết cho tôi”.
Nghe anh nhắc đến vàng cưới và tiền mừng cưới mà chị ngao ngán kể: Ngày cưới, cha mẹ anh và cha mẹ chị cùng các anh chị em cho hai vợ chồng được hơn 10 chỉ vàng thì anh lén lấy gần một nửa bán lấy tiền tiêu xài.
Chị nói tiền mừng cưới do cha mẹ đứng ra tổ chức đã đưa cho cha mẹ trả nợ. Từ ngày mang thai, sinh con, không đi làm được chị đã phải bán số vàng còn lại để lo các chi phí.
“Giờ tôi lấy đâu vàng mà đưa cho anh. Thời gian qua, hai mẹ con tôi chỉ biết sống nhờ vào ông bà ngoại”.
“Không. Đó là vàng của cha mẹ tôi. Phải khó khăn lắm cha mẹ tôi mới mua được chừng đó trao cho cô. Cô không là con dâu nữa thì phải trả” - anh đòi đến cùng.
Dù tòa giải thích vàng cưới là tài sản chung của hai vợ chồng, cả hai đã bán hết thì không đòi được. Tòa không giải quyết việc này.
Nhưng chị đồng ý trả cho anh: “Nếu anh hết tình, hết nghĩa thì tôi trả. Tôi chỉ mong anh hãy để mẹ con tôi được sống vui vẻ”.
Tòa chấp nhận đơn ly hôn của chị, giao con cho chị nuôi, anh được quyền thăm nuôi. Gia đình chị mỗi người góp vào một ít cho chị mua vàng đưa cho anh.
Phụ nữ chủ động ly hôn thường khó hòa giải thành
Theo một thẩm phán của TAND quận 4 (TP HCM) hiện nay án ly hôn ngày càng tăng, nằm rất nhiều ở các cặp vợ chồng trẻ.
Có những cặp ra tòa ly hôn với những lý do rất lặt vặt, cũng có những cặp mới cưới nhau được thời gian ngắn đã ly hôn.
Ra tòa hỏi thì bảo tìm hiểu không kỹ, yêu nhanh, cưới vội nên chưa chuẩn bị tốt tâm lý có gia đình. Những vụ án như thế tòa thường tìm cách hòa giải để hai bên nghĩ lại, cho nhau một cơ hội.
Tuy nhiên, cũng có những vụ tòa phải “động viên” đương sự nên ly hôn như tình trạng bạo hành, nạn nhân là những phụ nữ.
Họ không chỉ bị bạo hành về mặt thể chất, nhiều người còn bị bạo hành về tinh thần như chồng ngang nhiên cặp bồ, rẻ rúng, khinh thường, lạnh nhạt…
Chính vì vậy mà hiện nay phụ nữ có xu hướng chủ động xin ly hôn nhiều hơn nam giới.
Thẩm phán này trải lòng đối với những vụ án mà nguyên đơn là phụ nữ, khả năng hòa giải thành công rất thấp, bởi khi quyết định chấm dứt hôn nhân, người vợ đã cân đo, đong đếm rất kỹ nên sự cương quyết rất cao.
Ban đầu thẩm phán nghĩ anh chị mới kết hôn, con còn nhỏ nên ra sức hòa giải để cả hai cùng nghĩ lại, tha thứ cho nhau.
Nhưng khi mở phiên xử, nghe cả hai trình bày, thấy anh quá ích kỷ với vợ con nên vị thẩm phán phải chấp nhận ly hôn để giải thoát cho chị.