Việc quản lý Vương đổ keo 502 vào tay công nhân Lê Thị Phương khó có thể xử lý hình sự?
Theo luật sư: Tội làm nhục người khác (điều 121 BLHS) quy định việc làm nhục chủ yếu tập trung xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Ở đây, các dấu hiệu khách quan thể hiện ra bên ngoài chưa tập hợp đủ. Trong vụ việc này, công nhân Phương cũng có vi phạm nội quy, quy định của công ty trong quá trình sản xuất và đây là nguyên nhân của vụ việc. Tình tiết này cũng sẽ được xem xét đến khi xử lý đối với quản lý Vương.
Về vấn đề báo chí nêu, ngoài hành vi đối với công nhân Lê Thị Phương ngày 26.11 thì A Vương còn nhiều lần có hành vi hành hung các công nhân khác. Khi cơ quan điều tra vào cuộc xác minh điều tra lại các vụ việc này và có tố cáo của các bị hại thì tùy thuộc kết quả điều tra mà xử lý nếu cấu thành tội phạm thì xử lý theo quy định.
Hành vi của A Vương đối với công nhân Lê Thị Phương có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại khoản 1 điều 104 BLHS khi giám định tỷ lệ thương tật đối với Lê Thị Phương phải cho kết quả 11% trở lên hoặc gây cố tật nhẹ cho nạn nhân. Nói chung, nếu dựa vào các thông tin đã phản ánh thì hành vi của A Vương nhiều khả năng sẽ chỉ bị xử lý bằng các biện pháp hành chính (chưa đến mức xử lý hình sự) đồng thời có thể trục xuất A Vương khỏi Việt Nam, buộc phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe bị xâm hại, chi phí khám chữa bệnh và mất thu nhập từ lao động của công nhân Lê Thị Phương.
Theo Infonet