Kẽ hở “chết người” sau vụ 5 công an dùng nhục hình

Y. Dương |

(Soha.vn) - Chưa có văn bản hướng dẫn về tội “Dùng nhục hình” làm chết bao nhiêu nạn nhân là nghiêm trọng, chết bao nhiêu nạn nhân là rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Kẽ hở của pháp luật

Như chúng tôi đã đưa tin, 5 công an bị truy tố về tội dùng nhục hình khiến anh Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ngụ tại thôn Mỹ Thuận Ngoài, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) tử vong vừa chịu phán quyết của tòa án. Trong đó, nặng nhất là Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy tại Công an TP Tuy Hòa) bị tuyên 5 năm tù. Mức án này gây nhiều phẫn nộ trong dư luận. Về mặt luật pháp, liệu phán quyết của tòa án đã đúng chưa. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với cựu thẩm phán, luật sư Phạm Công Út, Giám đốc công ty Luật TNHH MTV Phạm Nghiêm.

Vị cựu thẩm phán này nêu quan điểm: “Trong vụ án này, các bị cáo bị truy tố về tội “Dùng nhục hình” theo khoản 1, khoản 2 điều 298 Bộ luật Hình sự, với tình tiết định khung gây hậu quả nghiêm trọng, có mức án cao nhất từ 2 năm đến 7 năm. Như vậy, nếu tòa xử bị cáo Nguyễn Thân Thành Thảo, là người đã dùng dùi cui cao su đánh vào đầu anh Kiều gây chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong với mức án 05 năm tù là đúng hay sai? Theo tôi thì mức án được tòa tuyên trong phạm vi từ 2 đến 7 năm thì không sai. Nhưng điều đó có đủ sức trừng trị tội phạm và răn đe nhằm phòng ngừa chung đối với các điều tra viên khác sử dụng nhục hình trong hoạt động điều tra trong tương lai không? Câu trả lời là thật khó có thể khẳng định rằng có thể cải thiện việc tra tấn phạm nhân hiện nay và trong tương lai của một bộ phận không lớn trong đội ngũ điều tra viên.

Mặt khác, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về tội “Dùng nhục hình” là chết bao nhiêu nạn nhân là nghiêm trọng, chết bao nhiêu nạn nhân là rất nghiêm trọng và chết bao nhiêu nạn nhân là đặc biệt nghiêm trọng.

Do đó, đây chính là kẽ hở của pháp luật khi nạn nhân là công dân Ngô Thanh Kiều bị chết thì các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ truy tố bị cáo theo khoản 1, khoản 2 với tình tiết “Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng” chỉ với mức 2 đến 7 năm tù.

Nếu có Nghị quyết hướng dẫn rõ về tội này tương tự như các tội vi phạm an toàn giao thông nhưng với tình tiết định khung nghiêm khắc hơn, hình phạt nặng hơn thì điều đó sẽ ngăn chặn hiệu quả những cái chết đau đớn về thể xác và tinh thần của công dân và thân nhân gia đình họ dưới những đòn tra tấn của những người có quyền điều tra nhưng có cái tâm không lương thiện”.

Luật sư Phạm Công Út. (Ảnh: Internet)

Phán quyết mang tính… “cầu an” của HĐXX

Trong phiên xét xử và tuyên án hôm 3/4 vừa qua, tòa đã không đề cập yêu cầu của gia đình bị hại, luật sư là làm rõ ai đã đánh anh Kiều khiến các cơ quan nội tạng của anh Kiều đều bị tổn thương, xung huyết, vỡ nát như kết quả giám định thương tích. Như vậy có hợp lý không?

Luật sư Phạm Công Út nhận định, tòa án chỉ được quyền xét xử những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử. Nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc HĐXX bất lực khi phát hiện bản cáo trạng đã bỏ lọt người, lọt tội, nên HĐXX vẫn có quyền kiến nghị điều tra, khởi tố trong bản án hoặc tự mình khởi tố tại Tòa bằng một quyết định. Do đó, nếu tòa máy móc chỉ căn cứ vào điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự, dù trước khi mở phiên tòa đã yêu cầu điều tra bổ sung các đồng phạm của bị cáo Nguyễn Thân Thành Thảo có cùng bức cung để dẫn đến cái chết của nạn nhân không nhưng không được Viện kiểm sát chấp nhận điều tra bổ sung, điều này có thể bị dư luận đánh giá là một phán quyết mang tính cầu an cho mình của HĐXX.

Chị Ngô Thị Tuyết (chị ruột anh Ngô Thanh Kiều) đau đớn và bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành.

Tòa "tự cho mình quyền" tha bổng người phải chịu trách nhiệm hình sự

Bên cạnh đó, một tình tiết cũng gây nhiều phản ứng từ phía dư luận và giới luật gia đó là, tòa cho rằng, ông ông Lê Đức Hoàn, phó Công an TP Tuy Hòa cùng các cán bộ công an khác có dấu hiệu bắt, giữ người trái pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và Viện không truy tố nên HĐXX không xét.

“Việc không khởi tố người có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là tòa đã tự cho mình cái quyền tha bổng một người lẽ ra phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm điều 123 Bộ luật Hình sự. Vì điều luật này không mô tả hành vi đến mức nào mới bị truy tố, mà chỉ cần có việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là đã phải bị khởi tố. Do đó, các phán quyết của Hội đồng xét xử của cấp sơ thẩm trong vụ án này quả là khó hiểu. Hy vọng cấp Phúc thẩm sẽ có cách để trả lại sự công bằng cho nạn nhân Ngô Thanh Kiều”, cựu thẩm phán Phạm Công Út nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại