Phút nông nổi
Trước khi gây án, Phạm Long Giang (33 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) là huấn luyện viên đấu kiếm quốc tế (thuộc Sở Thể dục thể thao Hà Nội), từng giành được nhiều huy chương trong các đấu trường quốc tế.
Năm 2006, Giang và chị Nguyễn Thị Phương (quê Bắc Ninh) có quan hệ tình cảm. Giữa năm 2007, quan hệ của hai người bắt đầu trục trặc.
Trong một lần cãi nhau, không giữ được bình tĩnh, anh ta đã tát bạn gái. Cảm thấy bị xúc phạm, chị Phương đã tuyên bố chia tay.
Chiều 28/7/2007, Giang vay tiền anh trai là Phạm Ngọc Châu để mua nhẫn tặng chị Phương, với ý định làm lành nhưng không mua được.
Tối hôm đó, Giang đến chỗ ở của Phương ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy. Gần 2 giờ sau, thanh niên này nhìn thấy anh Trần Mạnh Hùng đèo chị Phương bằng xe máy về khu trọ.
Khi gặp nhau, anh ngỏ lời xin lỗi Phương, muốn hai người tiếp tục nối lại tình cảm nhưng cô gái không chấp nhận, đuổi Giang về. Nghe người yêu bảo không về, Phương đáp lại: "Anh không về thì tôi lại đi. Anh ngồi cả đêm thì tôi cũng đi cả đêm".
Ngay sau đó, Giang đi bộ đến một hàng tạp hóa gần đó, mua con dao nhọn và quay lại nhà Phương. Khi anh Hùng đang dắt xe máy và Phương khóa cổng thì Giang bước đến, rút dao đâm một nhát vào bụng nạn nhân.
Chị Phương không kịp chống đỡ, chỉ kịp hét một tiếng rồi ôm bụng gục ngã. Anh Hùng đuổi theo, đạp mạnh vào lưng Giang khiến hung thủ loạng choạng vài bước.
Gây án xong, Giang phóng xe về nhà, kể lại toàn bộ sự việc cho anh trai. Chị Phương được đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng do mất máu nhiều nên tử vong. Một giờ sau khi gây án, người thân đã đưa Giang lên Công an phường Quan Hoa đầu thú.
Trước khi gây án một thời gian, Giang được cử làm huấn luyện viên bộ môn kiếm quốc tế và đã từng được biết tới là một vận động viên xuất sắc môn kiếm quốc tế của Hà Nội.
Trong Sea Games 22 năm 2003 tổ chức tại Việt Nam, Giang đã giành Huy chương đồng giải đồng đội.
Tiếp đó, tại các giải đấu kiếm toàn quốc các năm 2005, 2006, 2007, Giang đã đóng góp cho Đoàn đấu kiếm Hà Nội Huy chương vàng đồng đội, bản thân Giang được Huy chương bạc và Huy chương đồng.
Giang cũng đã nhiều lần đưa Phương đến nhà bạn bè thân thiết giới thiệu và có ý định cuối năm 2007 hai người sẽ cưới.
"Bố mẹ ơi! Con xin lỗi!"
"… Suốt hơn 7 năm qua kể từ ngày Phương ra đi, cháu vẫn thật ân hận và dằn vặt vô cùng vì những gì cháu đã gây ra cho em, cũng như cho gia đình cô chú.
Cái giá của cháu phải trả cho một giây phút nông nổi và ngu ngốc nhất cuộc đời, đó chính là những năm tháng sống trong sự tủi nhục và khắc khổ nơi nhà tù này.
Nhưng cháu biết, dù cháu có phải chịu đựng đến thế nào đi chăng nữa thì cùng không thể mang Phương trở lại cuộc đời này và cũng không thể bù đắp nổi những mất mát, những đớn đau của cô chú cùng gia đình.
Giờ đây, khi thời gian đã che phủ một lớp bụi nơi quá khứ đau thương và tang tóc ấy, cháu mới dám đối diện với cuộc đời, cũng như đối diện với cô chú và gia đình" - Phạm Long Giang mở đầu bức dài 3 trang giấy.
Trong thư, Giang cho biết, bản thân mình cũng là người phải chịu đau khổ sau sự ra đi của Phương - người con gái mà Giang nói là yêu thương nhất, người mà anh ta hy vọng được sống cùng nhà hạnh phúc đến trọn đời.
"Ngày đó cháu và Phương vẫn thường gọi bố mẹ của nhau bằng hai tiếng "Bố mẹ", nghe thật gần gũi và thân thương. Chúng cháu hẹn thề với nhau rằng, khi hai đứa cùng tốt nghiệp đại học sẽ tổ chức đám cưới.
Vậy mà giờ đây tất cả đã trở thành một đống tro tàn đối với cuộc đời của cháu.
Phía trước cũng chẳng còn tương lai nào chờ, bởi nếu mai này cháu có trở về thì vết nhơ nơi quá khứ là một trở ngại lớn bắt cháu phải chấp nhận, học cách vượt qua" - Giang tự dằn vặt tội lỗi của mình.
"Số phận thật nghiệt ngã cho cả cháu và Phương. Cháu không thể ngờ rằng tình yêu của cháu dành cho Phương lại trở nên mù quáng và ích kỷ như thế!
Chắc có lẽ trong cháu ngày đó và cả bây giờ thì Phương vẫn là người con gái tuyệt vời nhất, một viên ngọc quí giá nhất mà cháu đã đánh mất, để rồi cả ngàn đêm trôi qua, cháu cứ giật mình tỉnh giấc lúc nửa đêm mỗi khi gặp em trong những giấc mơ.
Nhưng chưa bao giờ sự trở về của em lại làm cho cháu hoảng sợ, vẫn thật nhẹ nhàng và thật hiền dịu, ấm áp qua những ánh mắt nụ cười. Tất cả những gì Phương để lại trong những giấc mơ ngắn ngủi ấy là sự tiếc nuối, buồn tủi của cháu.
Khi tỉnh giấc, để rồi 4 bức tường trong đêm vắng cùng những song sắt lạnh lùng của nhà tù như bắt cháu phải đối diện với tất cả những cung bậc cảm xúc khủng khiếp đến tột cùng nhất của sự cô đơn và sợ hãi.
Cháu đã bật khóc vì nhớ nhà, vì nhớ Phương và vì cả bản thân phải chịu cảnh lạnh lẽo, tủi hổ.
Nhưng rồi khi con người ta phải chạm tay đến tận cùng của đau khổ và tăm tối thì tất cả dần dần cũng sẽ học được cách vươn lên, tìm đến nơi có ánh sáng dù cho ánh sáng nhỏ nhoi đó đang ở rất xa".
Một cán bộ giáo dục ở Trại giam Phú Sơn 4 cho biết, Phạm Long Giang là một phạm nhân có ý thức cải tạo và thường được xếp loại cải tạo tốt. Mới đây, trong đợt xét giảm án, Giang cũng đã được xét giảm 12 tháng.
"Cô chú có biết không! Ngày cháu được lắng nghe cán bộ đọc giảm án, cháu thật bồi hồi. Cháu ngẩng lên nhìn vào bầu trời xa xăm cầu mong cho Phương cũng lắng nghe thấy niềm, vui của cháu.
Cháu tin rằng em ấy vẫn đang dõi theo những nẻo đường cháu đi. Trong sâu thẳm tâm hồn cháu vẫn luôn nguyện cầu cho Phương sẽ mãi được bình yên che chở, thanh thản ở một nơi xa xăm nào đó.
Còn cháu, suốt quãng đời còn lại này sẽ mang theo trong trái tim mình hình ảnh của Phương, và một lời hứa năm xưa của chúng cháu.
Cháu chỉ xin cô chú mai này cháu trở về, cho phép cháu được đến nơi mộ phần của Phương thắp nén nhang buồn, tạ lỗi trước hương hồn của em" - Giang viết.
Giang chia sẻ rằng, bố mẹ mình đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng nhiều năm nay không có một ngày thanh thản.
Giang mường tượng ra việc bố mẹ đẻ chẳng dám nhìn ai mỗi khi ra đường, phải đối mặt với điều tiếng của dư luận vì có đứa con gây thảm án, đang chịu cảnh tù tội.
"Hôm nay, cháu viết những dòng thư này trong nước mắt và kính gửi đến cô chú, không phải là để kể tấm lòng của cháu đối với cha mẹ, mà cháu chỉ cầu xin cô chú đừng oán trách bố mẹ cháu nữa.
Trong câu chuyện này, tất cả mọi căn nguyên dẫn đến đau đớn và tang tóc đều là do cháu gây ra.
Cháu nghĩ, nếu cô chú phải chịu đựng sự xót xa, cay đắng sau cái chết của Phương bao nhiêu thì bố mẹ cháu cũng phải chịu sự tủi nhục và đắng cay bấy nhiêu thôi cô chú ạ!
Một năm nữa lại qua, vậy mà cháu chẳng làm được điều gì để báo hiếu cho bố mẹ. Cũng chẳng có cơ hội để thay Phương viết tiếp chữ hiếu cho tròn.
Xin cô chú hãy cho phép cháu một lần, chỉ một lần duy nhất trong đời cháu được gọi hai chữ thật gần gũi và thân thương đó là "Bố mẹ!". "Bố mẹ ơi! Con xin lỗi! Vâng xin cho con được xin lỗi bố mẹ của con và bố mẹ".
Cầu mong cho đức Phật sẽ phù hộ cho hai bố mẹ mãi được mạnh khỏe và phù hộ cho hai gia đình sẽ hạnh phúc và bình yên".