Hành trình trốn nã suốt 6.000 ngày của kẻ giết người

Nam Hoàng |

Năm 1992, khi tròn 20 tuổi, Phạm Hữu Thực rời quê (xã Nghi Công, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) vào Tây Nguyên kiếm sống.

Tại đây, Thực đã làm đủ nghề để mưu sinh, từ xách vữa phụ hồ đến nhặt cỏ thuê.

Cuộc sống cứ thế chảy trôi nếu không diễn ra cái đêm định mệnh biến Thực thành kẻ giết người rồi sống cuộc đời chui lủi suốt hơn 6.000 ngày...

Một phút sai lầm, cả đời trả giá

Phạm Hữu Thực sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Năm 1992, Thực rời quê, lên đường vào Tây Nguyên làm thuê kiếm sống, phụ giúp gia đình.

Nhờ có người quen, anh ta xin được việc làm tại tỉnh Đắk Lắk.

Vốn là chàng thanh niên quê hiền lành, chịu khó nên Thực được các ông chủ quý mến, tin tưởng.

Đến đầu năm 1996, nhờ một mối quen biết, Thực xin được vào làm công nhân tại Nhà máy chế biến phân bón hữu cơ Buôn Ma Thuột (ở tổ dân phố 6, khối 8, phường Tân Tiến, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Từ đó, cuộc sống của Thực cũng đỡ vất vả, không còn phải dầm mưa, dãi nắng với công việc phụ hồ và hái cà phê nữa.

Có công việc, thu nhập tạm gọi là ổn định, mỗi tháng, Thực thường dành ra chút ít tiền lương phụ giúp cho gia đình.

Nhờ số tiền đó mà bố mẹ Thực cũng đỡ vất vả đi nhiều. Cuộc sống nơi đất khách quê người cứ bình lặng trôi đi cho đến một ngày, Thực không kiềm chế được bản thân nên đã vướng phải vòng lao lý.

Hôm đó là ngày 15/9/1996, sau khi tan ca chiều, Thực cùng với anh Lưu Văn Hường (trú tổ dân phố 5, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột, cùng làm công nhân với Thực) rủ nhau đi uống rượu.

Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, Thực đi từ quán về khu nhà trọ gần nhà máy để nghỉ. Trên đường về, Thực gặp anh Trần Văn Hoàng và Phạm Văn Thịnh (bảo vệ Trạm bê tông Công ty 710, Tổng Công ty 6, Cục đường bộ Việt Nam) có trụ sở đóng gần nơi Thực ở trọ.

Lúc này, do anh Hoàng đã uống rượu lại nói to tiếng, gắt gỏng với anh Thịnh về chuyện đi uống nước.

Do có sẵn hơi men trong người, Thực tưởng anh Hoàng chửi mình nên hỏi: “Tụi mày nói gì tao?” thì được anh Hoàng trả lời:“Tao nói thằng này chứ không nói gì mày”.

Hai bên lời qua tiếng lại nên có xảy ra xô xát, ẩu đả.

 Phạm Hữu Thực khi mới bị bắt

Do sẵn có hơi men, lại không làm chủ được bản thân, Thực chạy vào nhà người dân bên đường lấy một con dao rồi quay lại đuổi theo đâm một nhát vào vùng bụng bên phải làm anh Hoàng ngã gục xuống đất và chết trên đường đi cấp cứu.

Gây án xong, Phạm Hữu Thực bỏ trốn khỏi hiện trường. Ngay trong đêm, hắn bắt xe vào TP. Hồ Chí Minh bỏ trốn.

Gian nan hành trình truy bắt

Ngày 30/12/1996, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định truy nã số 08 đối với đối tượng đặc biệt nguy hiểm Phạm Hữu Thực trên địa bàn toàn quốc.

Đồng thời, do Thực quê ở Nghệ An nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk cũng gửi cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An công văn đề nghị phối hợp bắt giữ đối tượng Phạm Hữu Thực, phòng khi đối tượng về quê lẩn trốn.

Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã giao trách nhiệm cho Đội truy nã thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (nay là Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm) lập Chuyên án mang bí số 197.N để tiến hành các biện pháp phối hợp, truy bắt.

Thời gian lặng lẽ trôi đi, các trinh sát trong Đội truy nã tốn rất nhiều công sức lần tìm tung tích của đối tượng, đưa thư kêu gọi đầu thú đến tận gia đình hung thủ nhưng không mang lại kết quả.

Danh tính của đối tượng cướp đi mạng sống của người khác luôn hiện hữu trước mặt các trinh sát bắt truy nã trong mỗi chuyến công tác ngược xuôi vào Nam, ra Bắc.

Đặc biệt là từ khi Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Nghệ An được thành lập, Phạm Hữu Thực cũng là một trong những đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt, được đưa vào tầm ngắm truy bắt theo kế hoạch và phương pháp mới.

Các chiến sỹ Công an một mặt tiếp tục truy tìm đối tượng lẩn trốn ở các tỉnh phía Nam theo kế hoạch, mặt khác nghe ngóng, thu thập thông tin liên quan đến đối tượng ở địa phương.

Kinh nghiệm thực tiễn đã giúp ích cho Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm bước đầu đã phát hiện ra tung tích đối tượng Phạm Hữu Thực.

Đó là vào khoảng đầu tháng 10/2013, một nguồn tin thân cận cho hay đã nhìn thấy đối tượng Phạm Hữu Thực ở thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

Rất khẩn trương, một tổ công tác đã có mặt tại địa bàn huyện Tân Kỳ tiến hành xác minh, làm rõ.

Suốt một tuần lễ, tổ công tác với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền cơ sở lần tìm, sàng lọc nhưng không ai có tên tuổi như đối tượng trong lệnh truy nã; mở rộng diện truy xét ra một số vùng phụ cận cũng không có kết quả.

Mọi chuyện tưởng như lâm vào bế tắc thì các trinh sát nắm bắt được một nguồn tin vô cùng quý giá từ một người dân.

Người này khẳng định có một người quê gốc huyện Nghi Lộc, giống người bị truy nã nhưng lại có tên khác, thuộc diện hộ nghèo.

Linh tính nghề nghiệp mách bảo, các thành viên trong tổ công tác lập tức xuống xã Tân Lập để kiểm chứng thông tin.

Thật bất ngờ khi vào ngôi nhà của một người tên là Phạm Văn Dũng (SN 1970), xóm Đông Hạ, xã Tân Hợp, nhìn thấy bức ảnh gia đình treo trên tường, các trinh sát ngay lập tức nhận ra người đàn ông trong ảnh chính là Phạm Hữu Thực, đối tượng đang bị truy nã toàn quốc.

Đúng 12 giờ 30 ngày 24/10/2013, tổ công tác đã đón lõng đối tượng cần truy bắt tại một địa điểm trên địa bàn thị trấn Tân Kỳ.

Khi một thành viên trong tổ công tác nói: “Phạm Hữu Thực, anh đã bị bắt!”, đối tượng tái mặt, biết hành tung của mình đã bị bại lộ nhưng hắn vẫn cố gắng chống chế: “Tôi là Phạm Văn Dũng, các anh nhầm rồi!”.

Trước khi được di lý về Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk, đối tượng Phạm Hữu Thực khai nhận:

Sau khi gây án giết người, y lẩn trốn vào TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố phía Nam để trốn tránh lệnh truy nã của Công an tỉnh Đắk Lắk.

Cũng như muôn vàn đối tượng đang trốn nã khác, Thực không ở bất kỳ đâu quá lâu. Cứ thấy "động" hoặc phát hiện ra một hay nhiều mối đe dọa cho bản thân mình, Thực lại di chuyển đến địa bàn khác, trong một cái vỏ bọc khác.

Đến năm 1997, Phạm Hữu Thực trốn về xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ, Nghệ An làm thuê và mang một cái tên mới là Phạm Văn Dũng, sau đó kết hôn với một phụ nữ tại địa phương và hiện đã có hai con.

Tuy có cuộc sống mới nhưng trong suốt 17 năm qua, Phạm Hữu Thực luôn sống trong bất ổn, lo lắng về tội lỗi mà mình đã gây ra.

Ngày 27/10/2013, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, Phạm Hữu Thực đã được di lý về Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk.

"Tôi tưởng pháp luật đã quên mình..."

Ngày 27/3/2014, TAND tỉnh Đắk Lắk đã đưa Phạm Hữu Thực ra xét xử. Khi đứng trước vành móng ngựa, Thực trải lòng về quãng thời gian sống chui lủi của mình:

“Ngần ấy năm qua, chưa một đêm nào tôi ngủ yên, cứ nhắm mắt là mọi hình ảnh trong cái đêm định mệnh ấy lại ùa về. Đã có những lúc, lương tâm dằn vặt, tôi định đi đầu thú nhưng nỗi sợ hãi lại ập đến...".

"Vậy sao trong suốt quãng thời gian ấy, bị cáo không chịu ra đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng?”, chủ tọa phiên tòa chất vấn, Thực im lặng cúi đầu.

Phải mất một hồi lâu, Thực mới chịu “giải thích” lý do về việc mình “lặn” một hơi suốt 17 năm kể từ khi gây án. Đó là bởi, từ lúc lấy nhau, Thực chưa bao giờ tiết lộ cho vợ hay bất kỳ ai biết về quá khứ của mình.

Ngay cả bố mẹ ruột của mình, Thực cũng cắt đứt mọi thông tin liên lạc.

Thế nên, hắn sợ nếu lộ chuyện sẽ làm khổ vợ, khổ hai đứa con. Đồng thời, Thực cũng chắc mẩm rằng thời gian đã xóa nhòa tội ác.

 Hành trình trốn chạy của Thực đã chính thức khép lại

Ngày gây án, Thực mới vừa 25 tuổi, độ tuổi tươi đẹp, sung sức nhất đời người. Giờ gã vịn vành móng ngựa ở tuổi 43, mắt trũng sâu, ánh nhìn lấm lét.

17 năm trốn chạy đã lấy đi của Thực mọi thứ, từ tuổi trẻ, sức lực cho đến sợi dây tình cảm với bố mẹ và các anh chị em ruột. Hơn thế nữa, hắn còn bị bản án lương tâm hành hạ suốt hơn 6.000 ngày.

Thực bảo, “nếu biết pháp luật chưa quên đi tội ác của mình thì bị cáo đã chẳng trốn chạy làm gì cho khổ. Suốt quãng thời gian ấy, bị cáo phải sống chui lủi chẳng khác gì loài chồn cáo trên rừng.

Bố mẹ già cả, đau ốm triền miên mà bị cáo không một giờ phụng dưỡng. Bị cáo ân hận lắm rồi…”.

Sau khi xem xét các tình tiết của vụ án, HĐXX đã tuyên phạt Phạm Hữu Thực 18 năm tù về tội giết người. Thực bảo:

"Giờ không còn bị nỗi lo bị bắt với những ám ảnh về quá khứ đè nặng hàng đêm nữa, tôi sẽ cố gắng chuyên tâm vào cải tạo cho tốt để mong sớm trở về đoàn tụ với gia đình...".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại