Hai “bửu bối” của Dương Chí Dũng có đấu thắng ba “vòng kim cô“?

Liệu hai tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Dũng có đấu thắng ba tình tiết tăng nặng hay không?

Không chỉ có cơ hội thoát án tử hình từ việc nộp từ 5 tỉ đồng đến 10 tỉ đồng khắc phục hậu quả đối với tội tham ô, Dương Chí Dũng - bị cáo đầu vụ trong vụ án tham nhũng tại Vinalines còn có cơ hội được giảm án tử hình vì các căn cứ pháp lý quan trọng khác.

Thoạt nhìn thì có vẻ như Dương Chí Dũng có nhiều tình tiết tăng nặng để bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án tử hình trong phiên tòa sơ thẩm ngày 16.12.2013.

Cân đo từng tình tiết tăng nặng

Theo Điều 48 Bộ luật Hình sự, có thể xem các tình tiết phạm tội có tổ chức (Dũng có vai trò chủ mưu), lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, xâm phạm tài sản của Nhà nước, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có những hành động xảo quyệt nhằm trốn tránh là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Dũng.

Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 48 quy định những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng. Bị cáo Dũng bị truy tố ở Khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự về tội tham ô tài sản. Cụ thể người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý mà phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

Tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 278 mục A Chương XXI Bộ luật Hình sự (các tội phạm về tham nhũng). Khách thể của tội tham ô tài sản xâm phạm quan hệ sở hữu về tài sản và hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Trong cấu thành tội này đã có yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội và xâm phạm tài sản của Nhà nước rồi. Như vậy, bị cáo Dũng còn ba tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Những danh hiệu giả tạo cũng "cứu" Dương Chí Dũng

Xem xét danh sách liệt kê tại Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự, bị cáo Dũng có một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác (Điểm s).

Mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4.8.2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn Bộ luật Hình sự 1999 ghi rõ: “Người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sĩ thi đua...”.

Ở đây, bị cáo Dũng được tặng nhiều huân chương lao động, chiến sĩ thi đua, nhiều bằng khen về các hoạt động khác về sản xuất. Đã có chuyên gia phân tích rõ các thành tích này là giả tạo (cấp dưới cả nể, sợ bị trù dập, sự "độ lượng" của cấp trên, sai phạm, yếu kém nhiều thì lại càng lên chức cao). Tuy vậy, do các danh hiệu này chưa bị thu hồi nên trước tòa vẫn được xem là một tình tiết giảm nhẹ.

Khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “Tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án".

Điểm c Mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn theo các văn bản hướng dẫn trước đây của Toà án nhân dân Tối cao và của Tòa án nhân dân Tối cao với các cơ quan hữu quan khác cũng như thực tiễn xét xử trong thời gian qua, thì các tình tiết sau đây được coi là các tình tiết giảm nhẹ khác:

"Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước".

Dương Chí Dũng có cha mẹ được tặng nhiều huân chương, huy chương kháng chiến nên được xem là tình tiết giảm nhẹ khác.

Án tử hình liệu có hên - xui?

Vậy hai tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Dũng có đấu thắng ba tình tiết tăng nặng hay không? Đây lại là chuyện khác.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre), nếu người thân bị cáo có huân chương kháng chiến (quan hệ trực hệ: cha, mẹ... hoặc vợ/chồng), thì thực tế xét xử các tòa luôn giảm án tử cho bị cáo. Kể cả các bị cáo phạm tội về ma túy, giết người… lẽ ra phải lãnh án tử nhưng cũng được giảm xuống tù chung thân nhờ vào “bửu bối” này.

Thậm chí ở cấp sơ thẩm bị cáo không trưng các "bửu bối" này ra và bị tuyên tử hình thì lên cấp phúc thẩm nếu bị cáo trưng ra giấy tờ chứng minh người thân của mình có huân chương kháng chiến vẫn được tòa cấp phúc thẩm giảm án từ tử hình xuống tù chung thân. Việc trình giấy tờ này sẽ được tòa cấp phúc thẩm nhận định là phát sinh tình tiết mới.

Còn nếu bị cáo đã trưng ra các giấy tờ này rồi nhưng không được tòa sơ thẩm xem xét thì lên cấp phúc thẩm bắt buộc phải xem xét. Những vụ án khác đều vậy hết. Tuy nhiên, không biết đường lối xét xử của tòa án cấp trên đối với vụ án tham nhũng tại Vinalines như thế nào và có thẳng tay gạt "tập quán" xét xử này qua một bên hay không.

“Theo tôi nên hạn chế tử hình, tử hình càng ít người càng tốt. Không phải tuyên vài án tử hình là nạn tham nhũng ở nước ta sẽ giảm bớt được. Vấn đề căn cơ để hạn chế tham nhũng phải là giáo dục cán bộ từ trong trứng nước, còn án tử hình, tù chung thân, tù có thời hạn… chỉ là cái ngọn, là phần đuôi thôi. Phải dạy dỗ, đào tạo làm sao để mọi người nhận thức rằng tham nhũng là xấu hổ. Ví dụ: vụ hôi bia ở Đồng Nai, khi giật được bia người ta mừng chứ người ta có thấy xấu hổ đâu.

Mặt khác, phải xem lại cơ chế vận hành các công ty, tập đoàn nhà nước tại sao mà sai phạm lớn và lâu dài lại lọt lưới dễ dàng như vậy”. Luật sư Lương nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại