Cái giá phải trả của cô nữ sinh sư phạm
Người xưa từng bảo, nhan sắc là mầm mống của khổ đau. Đôi khi điều đó đúng. Nhưng, nhan sắc không có tội. Bởi thế, đứng trước những người đẹp phạm tội thì sự tiếc nuối, xót xa càng nhức nhối hơn. Và có lẽ, nhiều người sẽ có cảm giác đó khi đối diện Vũ Thị Kim Anh tại Trại giam Phú Sơn.
Trong muôn vàn những “đầu gấu, đại bàng”, những lưu manh, gian trá, lọc lừa của “thế giới áo kẻ sọc”, thì cái vẻ trí thức, sáng láng, tinh tế của Kim Anh như có bề lạc lõng. Thật khó hình dung, lý giải một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn như cô, lại sa vào vòng lao lý.
Đối với những phạm nhân trẻ tuổi, đa số họ phạm tội bởi phải sống
trong một gia đình hoặc môi trường bất hạnh. Nhưng, Kim Anh lại khác. Cô
sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ đều là cán bộ ở Cao Bằng.
Từ nhỏ, cô đã được chăm bẵm, giáo dục đàng hoàng. Và quả thật, cô cũng đã đáp ứng được phần nào sự kỳ vọng của đấng sinh thành khi đậu vào khoa Hóa trường Đại học Sư Phạm HN.
Hơn thế nữa, trời ban cho cô nhan sắc hơn người. Và, cũng chính vì cái
“nhan sắc trời ban” đó, cô bị xoay vần giữa ánh mắt khao khát của đám
đàn ông.
Oái oăm thay, trong vô vàn “vệ tinh” đeo bám, cô đã đặt tình yêu lầm chỗ. Người đàn ông đó thành đạt, già dặn và đã có gia đình. Đến khi tỉnh ngộ, cô muốn quên đi, muốn vùi sâu chôn chặt những ký ức một thời khờ dại. Nhưng, càng chạy trốn, “tình xưa nghĩa cũ” càng đeo bám cô ráo riết. Rồi trong một lúc phẫn uất do bị dồn đuổi vào bế tắc, cô đã không làm chủ được mình.
Đêm 13, rạng ngày 14/2/2009, khi bị “người tình cũ” ép phải đi chơi, cô đã không thể chối từ. Người đàn ông đó đã đem cái “quá khứ lầm lỡ” của cô ra để “tống tình”. Như con thú bị dồn đến chân tường, cô vung dao mà không hề suy tính. Án mạng xảy ra, cô “chết” với danh xưng: “Giết người tình trên xe Lexus”.
Mỗi vụ án xảy ra, dư âm để lại bao giờ cũng rất nặng nề. Ở đó, người ta hay đổ thừa cho hành vi phạm tội của mình với những lý do như bồng bột, bốc đồng, nông nổi… Nhưng dẫu có bao biện, đau đớn, ân hận đến nhường nào, thì cũng khó lòng lấy lại. Vũ Thị Kim Anh bị tòa tuyên 14 năm tù, một bản án thấu tình, đạt lý.
Đằng sau vụ án kinh thiên động địa mà cô đã gây ra, kẻ lên án cũng
nhiều, mà người cảm thông cũng không ít. Nhưng tựu chung, họ đều tiếc
nuối cho tương lai xán lạn của cô. Chỉ một bước chân nữa thôi, cô sẽ
biến ước mơ làm cô giáo trở thành hiện thực, hàng ngày đem ánh sáng tri
thức khai mở cho trẻ em vùng cao.
Thiện và ác, ranh giới quá mong manh. Chỉ tiếc rằng, thay vì đối mặt với quá khứ và tìm giải pháp hữu hiệu giải quyết thì cô lại hành động sai lầm để rồi đẩy mình vào bi kịch.
Ngoài giờ tập văn nghệ, Kim Anh còn cùng các phạm nhân nữ lao động, cải tạo mong ngày đoàn tụ gia đình.
Muốn thắp lên mộ “người tình cũ” một nén nhang!
Giờ đây, khi đã có hơn 1.000 ngày sám hối sau song sắt trại giam, Vũ
Thị Kim Anh đã bình tâm lại. Ngay cả cái cách cô không còn trốn chạy dư
luận cũng đủ thấy rằng, Kim Anh đã ý thức được tội lỗi mình đã gây ra.
Cô lặng lẽ đón nhận tất cả, lặng lẽ xua đi cái mặc cảm, tự ti để đứng
lên làm lại cuộc đời. Ngày trước, khi đang là tâm điểm của báo chí, mỗi
lần gặp phóng viên là mỗi lần cô khiếp hãi.
Cô sợ tên tuổi, hình ảnh của mình sẽ “vương” đầy trên các phương tiện truyền thông. Nhưng giờ, cô thoải mái, tươi tắn hơn rất nhiều trong từng động tác hình thể trước ánh đèn flash.
Vũ Thị Kim Anh giờ đây đã tự tin hơn rất nhiều trước ánh đèn flash
Từ ngày vào trại Phú Sơn, nhờ có chút năng khiếu, Kim Anh được Ban lãnh đạo trại bố trí cho sinh hoạt trong đội văn nghệ. Mỗi lần được thả hồn mình vào điệu múa, vào âm nhạc, nó giúp cô xua đi phần nào sự ăn năn, day dứt trong lòng.
Không phụ lại sự quan tâm của tất cả mọi người, đội văn nghệ mà
trong đó Kim Anh là một thành viên tích cực, đã mang tài năng và sức
sáng tạo của mình, xua đi những khoảng cách, những mặc cảm tội lỗi của
toàn thể phạm nhân trong trại.
Mỗi năm, cứ mỗi dịp kỷ niệm 30/4, 2/9, hay tết dương lịch, âm lịch, cô lại cùng đội văn nghệ miệt mài luyện tập. Biết bao mồ hôi đã đổ xuống, nhưng trong mắt mỗi người, đều ánh lên niềm say mê, hứng khởi.
Cũng chính từ việc sinh hoạt trong đội văn nghệ này, Kim Anh tình cờ gặp được đồng hương. Người chị ấy đã từng được mệnh danh “hoa khôi trường múa”, cũng nhan sắc mặn mà, cũng quê Cao Bằng. Hai nhan sắc, hai cảnh ngộ có nhiều điểm tương đồng, đã quấn bíu, tựa vào nhau, động viên nhau hướng thiện.
Vũ Thị Kim Anh (áo đen, đứng giữa) hăng say tập văn nghệ chào mừng Quốc khánh 2/9.
Kim Anh bảo, từ lúc bị bắt cho đến khi được đưa ra xét xử, đêm nào cô
cũng khóc. Khóc vì thương mẹ, thương mình và khóc vì ân hận. Những giọt
nước mắt buồn tủi, đau đớn cứ thi nhau rơi xuống. Những ngày đầu về cải
tạo tại đây, dù đã “yên ổn” với bản án 14 năm tù, thỉnh thoảng, cô vẫn
còn giật mình thảng thốt, tinh thần bất định.
Nhưng, nhờ sự động viên, giáo dục của các cán bộ, chiến sĩ trại giam, cộng với hàng ngày phải chứng kiến nhiều cảnh ngộ buồn thương trong chốn lao tù, cô suy nghĩ thấu đáo hơn và dần lấy lại thăng bằng. Cô đã học cách chấp nhận thực tế, vì đó chính là cái giá mà cô phải trả. Tất cả những đớn đau, buồn tủi, cô đã gửi lại ngoài song sắt.
Bởi cô biết, điều quan trọng đối với mình bây giờ là cải tạo thật tốt,
để mong sớm có ngày đoàn tụ gia đình. Bản án dành cho cô không phải là
dấu chấm hết. Pháp luật đã khoan hồng để giúp cô có cơ hội làm lại cuộc
đời.
Đồng thời, cô cũng muốn được một lần về tạ lỗi cùng gia đình nạn nhân, thắp lên bàn thờ người đàn ông xấu số kia một nén tâm nhang. Cô bảo, làm được việc đó, cô mới cảm thấy được thanh thản phần nào.