Theo tài liệu của cơ quan CA, vào ngày 17/9/1991, ông Phạm Văn Trịnh (61 tuổi, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) ngồi uống rượu thịt chó cùng em trai. Khi người em ra về, ông Trịnh đến gây gổ với ông Trần Văn Quỹ, là xã đội trưởng xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, vào thời điểm đó cũng đang ngồi ở quán.
Nguyên nhân bởi ông Trịnh cho rằng ông Quỹ là người đã bắn mình bị thương trong một vụ án. Khi đi tù ở Sơn La, ông Trịnh đã nghe đồn vị xã đội trưởng này có quan hệ tình cảm với vợ mình. Vì tất cả những phẫn uất dồn nén đó, Trịnh dùng dao đâm ông Quỹ hai nhát thấu ngực trái, phải khiến nạn nhân tử vong.
Gây án xong, Trịnh bỏ trốn vào tận Đà Nẵng. Tại đây, Trịnh xin vào làm công nhân trong một lò gạch với cái tên mới là Nguyễn Văn Thành (ở Lương Sơn, Hòa Bình).Ông Phạm Văn Trịnh bị bắt giữ sau 21 năm lẩn trốn
3 năm sau, Trịnh kết hôn với một cô gái địa phương. Gia đình nhà vợ đã khai báo tạm vắng, tạm trú cho ông ta dưới cái tên giả. Đến năm 2000, Trịnh đã đưa vợ con vào huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai để làm thuê cho người cháu của vợ tại trang trại trồng bông.
Trong suốt thời gian chung sống, vợ ông Trịnh cũng đã có lần nghi ngờ chồng dùng tên giả nhưng Trịnh không hề hé lộ sự thật cho gia đình biết. Người đàn ông này khá ung dung vì những tưởng đã che giấu được tung tích và cho rằng vụ án của mình qua một thời gian dài như thế đã bị “chìm xuồng”.
Thậm chí trong thời gian trốn truy nã, Trịnh đã hai lần về quê thăm gia đình. Trong đó có một lần Trịnh về chịu tang bố nhưng chỉ quanh quẩn ở nhà thắp hương. Ngay ngày hôm sau, ông quay lại Đồng Nai tiếp tục sống cùng vợ con với cái tên giả.
Tuy nhiên, ngày 6/9, nhận được thông tin nghi phạm Trịnh đang sống tại
Đồng Nai, Phòng cảnh sát truy nã Hà Nội đã cử hai cán bộ vào tận nơi
truy bắt.
Ngày 7/9, Trịnh bị bắt giữ trong sự ngỡ ngàng của vợ con và chính bản thân ông. Đến tận lúc này, họ mới biết tên thật cũng như tội ác mà Trịnh đã gây ra.