Theo Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Lê Hồng Sơn, quy định ghi tên cha mẹ vào chứng minh thư sẽ gây "phiền toái” cho trường hợp đặc biệt như thụ tinh nhân tạo và tạo lợi thế cho cá nhân có cha mẹ làm “ông to, bà lớn”.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp) cho biết, việc đưa thông tin cha, mẹ vào chứng minh thư là không phù hợp với Công ước về quyền trẻ em.
Cụ thể, Điều 16 của Công ước nêu rõ: “Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tuỳ tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em”. Hơn nữa theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2005 về quyền bí mật đời tư, người mẹ có quyền giữ kín thông tin về người cha.
"Như vậy, nếu thủ tục hành chính yêu cầu ghi tên cha, mẹ đứa bé sẽ xâm phạm quyền bí mật đời tư được quy định tại điều này cũng như Công ước quốc tế", người đứng đầu cơ quan kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật bày tỏ quan điểm.
Tính hợp lý của Nghị định 05/1999/NĐ-CP và 170/2007/NĐ-CP (hai căn cứ pháp lý ban hành Thông tư 27 quy định về mẫu chứng minh thư mới) cũng được Cục trưởng Sơn nêu trong một văn bản mới đây trình lên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường.Cục trưởng Lê Hồng Sơn.
Ông Sơn cho biết, trong một số trường hợp "nhạy cảm" thì việc bắt buộc phải ghi (hoặc để trống) tên cha, mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người có chứng minh nhân dân. "Nó sẽ tạo ra “phiền toái” với người được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, sinh trong ống nghiệm, con của những bà mẹ sinh và chăm con một mình...", ông Sơn nói vớiVnExpress.
Theo vị Cục trưởng, việc đưa tên cha, mẹ vào chứng
minh nhân dân tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, nhưng "hình như người
ta chưa tính đến những tác dụng ngược của quy định này".
Có những công
dân có được may mắn là bố hoặc mẹ làm “ông to, bà lớn” thì đưa thông tin
này là quá “có lợi” cho họ khi tiếp xúc, giải quyết các vụ việc cụ thể
hoặc để họ lạm dụng làm oai, làm phách, có khi trưng ra để “doạ dẫm” cơ
quan, người thi hành công vụ.
Ngược lại, có những người bố mẹ không may vướng vào “chuyện nọ, chuyện kia”, ít nhiều làm ảnh hưởng đến con cái và người thân trong gia đình thì việc này sẽ rất phản cảm.
Mặt sau của mẫu chứng minh thư mới. Ảnh: Chinhphu.vn
"Nếu thấy cần thiết, Bộ trưởng có thể đề nghị Chính phủ xem xét nội dung quy định việc ghi tên cha, mẹ vào chứng minh nhân dân tại Nghị định số 05 và Nghị định 170", Cục trưởng đề xuất trong văn bản gửi cấp trên.
Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, trong
Nghị định mới thay thế cần phải quy định rõ chứng minh nhân dân có kích
thước hợp chuẩn quốc tế, thông tin cơ bản về cá nhân, quê quán và có mã
vạch…
"Quan trọng hơn cần có quy định về hồ sơ mà công dân phải khai đầy đủ khi làm CMND (trong hồ sơ này việc đưa họ, tên cha, mẹ của công dân đó là cần thiết) để khi có việc, cơ quan thẩm quyền có thể truy về hồ sơ gốc của công dân đó tại ngân hàng hồ sơ", ông Sơn nói.