Gã giang hồ khét tiếng Bờ "điên" và Ngũ hổ thành Nam

Chỉ có trên tay một thanh chống cửa, Bờ lao vào ngay chủ tướng Nam để “khợp” (tiếng lóng chỉ việc đánh nhau).

Bờ

Bờ "điên" là nỗi ám ảnh lớn nhất của các bạn tù tại trại giam Nam Hà (ảnh minh họa)

Năm 1980, hai chú ngựa Việt Bắc được đưa về trại Nam Hà (Tỉnh Hà Nam) để làm đạo cụ phục vụ cho bộ phim Tình và Tội của xưởng phim Công An Nhân Dân khởi quay với 2/3 bối cảnh là ở phân trại B. Bộ phim với nhân vật chính là một phạm nhân đặc biệt từng thụ hình ở vùng núi đá tai mèo đầy hiểm trở, ngõ tắt đi về chùa Hương Tích.

Nhân vật Lê Văn Bờ, tức Bờ "điên" được khắc họa khá rõ trong bộ phim là ai? Và, số phận của bộ phim vì sao không được trình chiếu dù là sản phẩm của một xưởng phim chính thống được thực hiện khá công phu?

Chân dung Bờ "điên"

Khi được gọi nhập ngũ chuẩn bị cho việc mở rộng chiến tranh giải phóng miền Nam, Lê Văn Bờ cũng vừa tới tuổi thành niên. Khổ nỗi, là một nông dân thứ thiệt nhưng Bờ chẳng khoái việc cày bừa nên sớm tụ tập với nhóm thanh niên bỏ ruộng ra thành, sống lê la quanh nhà ga Phủ Lý.

Theo bạn bè, Lê Văn Bờ đáp xe qua thành phố Nam Định để ăn chơi một chút trước ngày lao vào cuộc chiến. Nam Định lúc này đang là một thành phố lớn với đầy đủ những hệ lụy phức tạp vốn có. Nổi bật và hầu như uy quyền tuyệt đối trong giới giang hồ là ngũ hổ thành Nam. Đầu sỏ là Nam "rồ" và phó tướng là Huy "lô", gần như kiểm soát toàn bộ hoạt động của giới làm ăn phi pháp tại Nam Định. Thế rồi cuộc đụng độ đầu tiên giữa giang hồ gốc đánh dậm Lê Văn Bờ và băng Nam "rồ" xảy ra trong một quán nước tại bến đò Quan.

Nguyên nhân của cuộc hỗn chiến là… làm gì có nguyên nhân, nhìn ngứa mắt thì tẩn thôi. Chỉ có trên tay một thanh chống cửa, Bờ lao vào ngay chủ tướng Nam để “khợp” (tiếng lóng chỉ việc đánh nhau). Huy và vài tên đệ tử của Nam nhào ra cản. Lê Văn Bờ dính vài nhát dao nhưng vẫn không thèm quan tâm, cứ thế vụt đại ca Nam.

Túng thế sau khi bị vụt gãy tay và bị Bờ điên đè cổ xuống đất toan đập vỡ sọ, cọp chúa Nam "rồ" cố sống cố chết đạp tung đối phương ra rồi… bỏ chạy. Bờ quay qua tiếp tục lao vào Huy. Đến Huy "lô" cũng chạy thục mạng trước một tên thấp con nhưng đậm người, mình mẩy đầy máu đang cố sát Huy.

Sau trận chạm trán, Nam cho người hỏi dò và càng trọng Lê Văn Bờ hơn khi biết lý lịch thực sự của gã nông dân chân đất. Nam và Huy đạp xe qua Phủ Lý và mời Lê Văn Bờ chén một bữa túy lúy. Tuy không kết thành băng nhóm, nhưng giữa 2 bên đã có một mối giao tình. Thế rồi Bờ vào quân đội.

Thói quen của một tên lưu manh ga Phủ Lý khiến Bờ hết sức khó chịu khi bị gò vào kỷ luật nghiêm minh của đời lính. Gã quyết định đào ngũ bằng cách trốn ra Quảng Trị, lợi dụng đêm tối… bơi qua sông Bến Hải để về lại đất Bắc. Ngay khi vừa đặt chân lên xứ Bắc, Lê Văn Bờ lập tức bị bắt và nhận quyết định tập trung cải tạo 3 năm, Bờ được đưa luôn vào trại Nam Hà.

Khi nghe kể câu chuyện vượt tuyến khó tin của Lê Văn Bờ, vài cán bộ chiến sĩ trại giam buông luôn nhận xét: “Thằng điên”. Cái tên Bờ "điên" ra đời từ đó. Và cũng chẳng hiểu sao, sau khi được tấn phong danh hiệu Bờ "điên", gã nông dân đánh dậm ngày nào ngày càng có biểu hiện… điên thật!

Cũng cần nói thêm về giang hồ lưu manh xứ Bắc trong trường trại lúc bấy giờ. Có hai loại được phân biệt khá rõ là phạm nhân thụ hình án và trại viên tập trung cải tạo. Nếu không có biểu hiện tốt trong quá trình án phạt thì lệnh tập trung cải tạo thứ 2, thứ 3 là chuyện rất dễ xảy ra. Giang hồ gọi là án cao su.

Và tất nhiên, thứ dữ dằn quậy phá, đâm chém trong trại giam đều rơi vào loại tù này. Đứng đầu trong thế giới hẹp của giang hồ trại giam tứ xứ là Bình "lác" (tức lé mắt) xuất thân Hà Nội. Với những tên tuổi nổi cộm lúc bấy giờ còn có thêm Thiện "chọi", Hạnh "Pygmé", Sinh "đại bàng" đều là dân Hà thành.

Linh "gù", em ruột Hòa "củi", nhờ danh của anh mình khét tiếng Hải Phòng, Quảng Ninh, nên cũng có một vị trí nhất định nhưng chỉ dám bóc lột đám tù cô thế yếu hơi non gan ở phạm vi đội lao động mà Linh là đội trưởng. Bờ được đưa về một đội mà đa phần là dân vùng chiêm trũng Hà Nam Ninh. Chỉ sau vài buổi, Bờ được quản giáo giao ngay vai trò đội trưởng. Theo phương pháp “dĩ độc trị độc” được xem là tối ưu thời đó, việc chọn lính mới Bờ làm tù chúa, được xem là quyết định khôn ngoan.

Một hôm sau giờ lao động, các đàn anh cộm cán xứ Bắc ngồi tụ tập uống trà ở sân. Ấm trà Bắc là thứ quý giá để khẳng định số má giang hồ. Đang vui vẻ chờ trà ngấm, cả bọn há hốc mồm nhưng ngay sau đó phải cụp mắt không dám nhìn khi Bình "lác" buồn chân đi ngang tiện thể lấy luôn ấm trà bằng sắt tráng men và một chiếc chén nhỏ! Gã hung thần trại Nam Hà ngồi xuống dưới gốc cây gạo giữa phân trại B ung dung rót trà nhấm nháp.

Và chuyện còn gây kinh ngạc hơn với toàn thể giang hồ máu mặt xứ Bắc khi Bờ xuất hiện từ cửa phân khu, đi thẳng đến chỗ Bình lẳng lặng cúi xuống nhấc ấm trà lên và nhanh như chớp vụt thẳng vào giữa đỉnh đầu hung thần trại giam.

Cú đánh chuẩn xác cộng với sức cơ bắp của một tên lưu manh có nguồn gốc nông dân khiến Bình lác ngã lăn quay ra bất tỉnh nhân sự. Bờ vẫn không thèm liếc mắt nhìn đối phương, cúi xuống nhặt ấm và chén. Gã đi chậm rãi đến ngay nơi các chiến tướng giang hồ tứ xứ đang dõi theo sự cố, chìa cái ấm ra, nhìn cả bọn với cái nhìn của một kẻ rất ư là không bình thường, nói với giọng như rít lên trong kẽ răng: “Lấy cho bố mày ấm trà mới!”.

Bình dĩ nhiên không thể chịu thua, ra lệnh cho đàn em xuống nhà bếp, lợi dụng sơ hở lúc phát cơm cho các đội lao động, thuổng ngay một con dao. Gã gói con dao vào bộ quần áo cũ rồi đi tìm Bờ. Nhưng khi đến tận phòng của Bờ, Bình chợt khựng lại. Thuở ấy, gì cũng quý nhất là đường sữa, thịt cá. Thế mà Bờ sai quân nấu nước pha cả chục hộp sữa vào, ngồi múc sữa ấm nhẩn nha tắm dưới mái hiên, miệng liên tục gào to: “Tao là hoàng đế La Mã!”. Bình choáng quá, vội quay về phòng mình.

Vài ngày sau, Bờ trèo lên cây gạo trồng giữa trại và hoàn toàn không mặc quần áo giữa trời đông rét buốt xương. Cán bộ và ngay cả giám thị là Trung tá Xuyên xuống tận nơi khuyên giải gã leo xuống cho an toàn trong khi gã liên tục giải thích ngược lại cho mọi người rằng “vì là chim nên có lao ra khỏi cành cây cũng chẳng sao!”. Dứt câu, Bờ điên buông tay rơi tự do từ cây gạo xuống... đất.

Gã lập tức được đưa ra Bệnh viện Phủ Lý với thân thể đa chấn thương nhưng còn thoi thóp. Khi Bờ tương đối bình phục, trại giam điện ra cho 2 chiến sĩ canh giữ với ý định sáng hôm sau sẽ có xe u-oát ra đón để đưa Bờ về tiếp tục điều trị tại trạm xá trại giam cho đúng quy định. Ngay đêm ấy, lợi dụng sơ hở của 2 chiến sĩ trẻ, Bờ bỏ trốn. Lập tức trại điều ngay một tổ trinh sát để săn lùng.

Trưa hôm ấy, khi các trinh sát ghé vào một cửa hàng mậu dịch để dùng bữa, Bờ xuất hiện. Gã đi thẳng đến trước mặt các cán bộ chiến sĩ đang săn lùng mình, trên tay là một chiếc giỏ cói căng phồng đường sữa, bánh “uôi” (một loại bánh nếp chỉ có ở Phủ Lý), nói tỉnh bơ: “Xe ra đón chưa cán bộ?”. Trại mừng húm vì nếu tên giang hồ điên này lọt ra xã hội thì có trời mà biết gã sẽ gây họa đến mức nào! Nghe chuyện bắt lại được Bờ một cách hy hữu khó tin, Trung tá Xuyên và một cán bộ phụ trách an ninh của trại cho gọi Bờ ra hỏi. Gã cho biết lý do bỏ trốn một cách hơn cả thực thà: “Thèm ăn phở ở ga Phủ Lý… Nhờ chẳng ai mua giùm cả!”.

Hội ngộ Ngũ hổ thành Nam và chiến dịch "cướp cờ"

Thời điểm Bờ điên đang thụ án, thì nhóm ngũ hổ thành Nam cũng ra Tòa, chịu các mức án khác nhau. Nam "rồ" án chung thân, Huy "lô" 18 năm và hàng loạt bản án nghiêm khắc khác dành cho toàn bộ đám cướp nhất nhì Nam Định, tất cả được chuyển đi thụ hình tại trại… Nam Hà! Nghe tin Bờ nghỉ lao động, ở lại phòng giam để đón chiến hữu xưa. Với hàng chục tên có máu mặt và thành tích giang hồ cùng xứ Hà Nam Ninh thoắt tụ về một chỗ, Bờ trở thành một hiểm họa với toàn bộ giới đầu gấu còn lại.

Có Bờ - với uy danh đã từng hạ nhục Bình "lác", hung thần Hà Nội - chống lưng, Nam và Huy bắt đầu cuộc chiến giành lấy toàn bộ quyền lợi cho dân Nam Định. Chính đây là lý do sau này, các con cọp xứ Nam Định đi tung hoành khắp nơi vẫn không kiêng nể dân Hà Nội và Hải Phòng một mảy may.

Thiện "chọi" - biệt danh cũng do Trung tá Xuyên giám thị trưởng đặt, để chỉ tính hung hăng như gà chọi của gã - đã tránh giao tranh với băng Bờ "điên" một cách đơn giản nhưng rất khôn ngoan.

Gã lấy cớ và nện một bạn tù khác vỡ đầu bằng gạch thẻ. Với biên bản kỷ luật 3 tháng giam cùm 2 chân, Thiện nghiễm nhiên tránh cuộc chiến cướp cờ của Bờ mà chiến hữu Hà Nội chẳng trách cứ. Còn Bình thì sau hàng loạt vụ đâm chém khốc liệt trước đó đã bị nhốt riêng trong nhà kỷ luật đặc biệt sát chân núi đá nên dù có tức tối đến đâu cũng phải chịu thua nhìn cánh Nam Định đè bẹp các băng nhóm khác. Hạnh "Pygmé" không chịu thua nên đã cầm đầu một nhóm cả chục đàn em tìm cách hạ thủ Nam.

Nhưng khi giáp mặt Bờ, bất giác cả bọn tháo chạy. Hạnh cầm dao trên tay nhìn Bờ. Bờ nhìn Hạnh rồi cười sằng sặc, gọi đàn em pha trà mời đối thủ. Hạnh quay về và hôm sau bèn áp dụng cách thức của Thiện "chọi": tìm ai đó nện để bị kỷ luật, tránh xa giao tranh. Chỉ sau nửa tháng, toàn bộ giang hồ xứ Bắc ở trại Nam Hà đều khuất phục băng nhóm của Bờ.

Việc gây rối và cộng thêm cú trốn trại ăn phở của mình, Bờ được đưa vào danh sách “đặc biệt” của Cục Cải tạo. Và đến một chuyến chuyển những phạm nhân có thành tích gây rối đi trại Quyết Tiến, Cổng Trời (Hà Giang), tên Lê Văn Bờ được xướng lên đầu tiên.

Xách một túi nhỏ hành lý, Bờ bước ra khỏi cổng trại để lên xe, dặn Nam cùng các chiến hữu thành Nam đúng mỗi một câu: “Ở lại nhớ cẩn thận!”. Đúng như Bờ tiên liệu, ngay sau khi tên này rời trại, các đầu gấu tứ xứ đặc biệt là Hà Nội bắt đầu phục thù. Nam "rồ", Huy "lô" và các đàn em khác chính thức “rớt số”.

Bờ "điên", với danh xưng và thành tích, khi đến trại mới, vẫn nghiễm nhiên là cọp với đầy đủ quyền lợi cộng thêm ý thức kính nhi viễn chi của các đầu gấu tứ xứ. Thời điểm này, chiến tranh biên giới với tất cả sự khốc liệt không loại trừ trại giam nơi Bờ đang thụ hình. Chưa kịp di chuyển đã bị tấn công, trại bị vỡ. Bờ chộp được một khẩu AK và mở đường máu về đến hậu phương, mang theo một nữ chiến sĩ công an bị thương nặng.

Vài tháng sau, theo quy định của luật pháp, căn cứ trên công trạng, tội lỗi của Bờ được xóa. Cầm trên tay tờ lệnh tha, Bờ trở lại quê nhà. Và tất cả mọi người đã tiếp xúc với Lê Văn Bờ lúc ấy đều nhận xét: “ Cha này mà điên gì, khôn hết biết!” .

Cuộc đời Lê văn Bờ với tất cả tình tiết ly kỳ mà không kịch bản văn học nào hấp dẫn hơn, lập tức được chú ý. Ngay năm sau, phim Tình và Tội được khởi quay trong lúc nhân vật Lê Văn Bờ tức Bờ "điên" đang là chủ một cửa hiệu buôn phụ tùng xe đạp ở huyện lỵ và đã lấy vợ, chính là người đã mang ơn cứu mạng của Bờ.

Phim được quay khá công phu, tỉ mỉ với sự hỗ trợ tối đa của cán bộ, giám thị trại Nam Hà và có cả sự tham gia diễn xuất của Hậu lõ, Toại ngựa, Thắng… là phạm nhân đang thụ hình tại phân trại B. Với câu chuyện dày về tính nhân bản, phong phú về tình tiết và cảnh đẹp như vẽ của vùng núi đá vôi Kim Bảng, ê-kíp thực hiện và cả lãnh đạo xưởng phim hết sức hài lòng chờ ngày ra mắt khán giả. Chợt một thông tin đến một cách chính thức khiến tất cả những ai liên quan đến việc thực hiện bộ phim chết điếng. Lê Văn Bờ, tức Bờ "điên", nhân vật nguyên mẫu của phim nói về sự quay về nẻo thiện một cách hết sức tích cực của con cọp dữ nhất miền Bắc, bị bắt vì tội danh "Cướp!".

Thế là số phận của cuốn phim được định đoạt không chờ bất kỳ quyết định chính thức nào của cơ quan chức năng. Cho đến giờ phút này, được xem phim Tình và Tội bản hoàn chỉnh là dân ngoài ngành, có lẽ đếm được trên đầu ngón tay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại