Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, đơn vị thi công (Công ty cổ phần Vinaconex - PVC)nói đã cử 4-5 người giám sát trong khi nơi các cháu bé gặp nạn cách phòng bảo vệ 20 m mà không biết, sự việc lại xảy ra vào ban ngày "chứng tỏ có sự mâu thuẫn". "Nếu có sự giám sát hoặc nhiều người bảo vệ thì tai nạn khó xảy ra với 4 cháu bé", ông Vinh nói.
Luật sư Vinh cho rằng vụ việc đủ cơ sở để khởi tố vụ án "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", theo điều 285 Bộ luật Hình sự. "Cơ quan cảnh sát điều tra cần sớm khởi tố vụ án. Các cơ quan tiến hành tố tụng nên tập trung xem xét trách nhiệm hình sự của người đứng đầu đơn vị thi công chứ không thể chỉ với các cá nhân thực thi nhiệm vụ", luật sư Vinh bày tỏ.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Phượng cũng cho rằng vụ việc có đủ dấu hiệu cấu thành tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Bà phân tích, với tội danh này chỉ những người có chức vụ quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức mới có thể là chủ thể tội phạm. Trong việc 4 đứa trẻ bị chết đuối, chủ thể là những người có chức vụ quyền hạn trong đơn vị chịu trách nhiệm thi công dự án.
"Chính hành vi thiếu trách nhiệm do sự vô ý của đơn vị thi công khi không bổ sung thêm các vật che chắn, cảnh báo nguy hiểm khi bị mất dần do tác động của thời tiết đã dẫn tới cái chết của 4 đứa trẻ", luật sư Phượng nêu ý kiến.
Hố nước rộng nằm trong dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng Hòa Lạc, nơi phát hiện thi thể của 4 cháu nhỏ. Ảnh:Bá Đô.
Ở góc độ khác, luật sư Phạm Thanh Bình cho biết, điều 33 của Nghị định 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định: Nhà thầu thi công xây dựng phải lập các biện pháp an toàn cho người và công trình trên công trường xây dựng… Các biện pháp an toàn, nội quy về an toàn phải được thể hiện công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành. Ở những vị trí nguy hiểm trên công trường, phải bố trí người hướng dẫn, cảnh báo đề phòng tai nạn.
Theo ông Bình, đơn vị thi công không thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn nói trên nên dẫn đến cái chết cho 4 đứa trẻ. Do vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về nhà thầu thi công xây dựng, không thể đổ lỗi cho khách quan cũng như sự quản lý của gia đình về vụ tai nạn này.
Luật sư cho rằng trong trường hợp gây thiệt hại cho tính mạng của người khác như ở vụ việc này, người có trách nhiệm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người", theo Điều 227 Bộ luật Hình sự.
Chiều 16/8 hai gia đình đã làm lễ cầu siêu cho 4 em bé. Ảnh:Bá Đô.
Về bồi thường thiệt hại, luật sư Bình cho biết theo luật Dân sự thì các gia đình nạn nhân có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu vụ việc không được khởi tố theo pháp luật hình sự. Trường hợp vụ việc được giải quyết bằng hình sự thì tòa án sẽ giải quyết luôn vấn đề bồi thường cho các gia đình nạn nhân.
Chiều 18/8, trao đổi vớiVnExpress.net, đại tá Trần Quang Trong (Trưởng Công an huyện Từ Liêm) cho biết "Chúng tôi không xem xét trách nhiệm hình sự với ai cả trong vụ việc này". Theo ông Trong, công ty đang thi công công trình thì mưa ngập, các cháu ra tắm, không may nên gặp tai nạn.
Trưa 14/8, 4 đứa trẻ của 2 gia đình ở thôn Phú Đô, xã Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) rủ nhau đi chơi. Đến tối không thấy các cháu về, gia đình đi tìm khắp nơi, nhờ đài truyền thanh xã thông báo tìm kiếm, nhưng không thấy.
Khoảng 22h30, sau khi soi đèn pin thấy cái áo nổi trên mặt nước hố công trình thuộc thuộc dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc, mọi người phát hiện thi thể của 4 cháu bé.
Chiều 16/8, trả lời báo chí, ông Nguyễn Thanh Quỳnh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Vinaconex - PVC, đơn vị thực hiện dự án mở rộng, hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc cho rằng, vụ việc trên diễn ra là "hoàn toàn khách quan", nếu gia đình các cháu quản lý tốt thì không xảy ra tình trạng như vậy.
Theo Vnexpress