Đình chỉ vụ án đối với ông Phạm Trung Cang là quá vội vàng?

Tại thời điểm hiện tại, khi TAND TP.HN ra quyết đình trả hồ sơ vụ "bầu" Kiên để điều tra bổ sung, làm rõ trách nhiệm của ông Phạm Trung Cang thì ông này không có mặt tại Việt Nam.

CQĐT và VKSND Tối cao vừa thống nhất ra quyết định phục hồi điều tra đối với ông Phạm Trung Cang, nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), vì có dấu hiệu đồng phạm trong vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên - nguyên phó chủ tịch HĐQT, phó chủ tịch Hội đồng Sáng lập ACB) về hành vi “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản ký kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại ACB.

Tuy nhiên, hiện nay ông Cang đã xuất cảnh ra nước ngoài, không có mặt tại Việt Nam để phục vụ công tác điều tra theo quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của TAND TP Hà Nội. Có thể nói, đây là một trở ngại rất lớn trong việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Phạm Trung Cang nói riêng cũng như quá trình tố tụng đối với vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm nói chung.

Mặc dù Bộ luật TTHS có quy định, trong quá trình tố tụng vụ án, Viện kiểm sát có quyền ra quyết định đình chỉ vụ án khi xét thấy “không có sự việc phạm tội” hoặc “hành vi không cấu thành tội phạm”. Tuy nhiên, thực tiễn tố tụng cho thấy, đối với những vụ án lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều người thì việc nhận định hay đánh giá chứng cứ để xác định một hành vi nào đó, có cấu thành tội phạm hay không, là một vấn đề không đơn giản. Chính vì vậy, khi ra quyết định đình chỉ vụ án, cơ quan tố tụng phải hết sức cân nhắc. Nhất là đối với các vụ án chưa có sự thống nhất về quan điểm giữa các cơ quan tố tụng trong việc xác định hành vi phạm tội của bị can ( bị cáo).

Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm bị VKSND Tối cao truy tố về tội “Kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế…” ngay từ đầu Cơ quan Điều tra đã có quyết định khởi tố đối với 4 bị can, nguyên là lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng ACB. Trong đó có ông Phạm Trung Cang. Tuy nhiên, đến ngày 12/12/2013, VKSND Tối cao đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can này.

Theo VKSND Tối cao thì lý do của việc đình chỉ vụ án là vì, “Ngày 31/12/2010, ông Cang có đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT Ngân hàng ACB khi Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 chưa có hiệu lực thi hành và đã được ngân hàng chấp nhận. Do đó, ông Cang không phải chịu trách nhiệm về hậu quả làm thất thoát số tiền 718,9 tỷ đồng”.

 - Ảnh 2

Với bê bối xảy ra tại Ngân hàng ACB, một loạt các "sếp lớn" bị CQĐT "sờ gáy".

Thế nhưng, theo nội dung thể hiện tại quyết định trả hồ sơ số 02/HSST ngày 3/1 của TAND TP. Hà Nội thì cơ quan này lại cho rằng, chủ trương của HĐQT ngân hàng ACB đã thể hiện rất rõ trong việc uỷ thác cho 19 nhân viên gửi hơn 718 tỷ đồng vào ngân hàng VietinBank – Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh.

Đối với vấn đề này, TAND TP.Hà Nội xác định, ông Phạm Trung Cang đã cùng một số bị can khác trong vụ án ký vào biên bản họp thường trực HĐQT ra chủ trương dùng tiền huy động để uỷ thác cho nhân viên và các công ty gửi tiềnVNĐ cùng USD vào một số tổ chức tín dụng. Việc làm này đã vi phạm quyết định 16/2008/QĐ – NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cơ chế điều hành lãi suất và Luật các Tổ chức tín dụng

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, ngày 24/1/2011, ngân hàng ACB có quyết định bổ sung thành viên HĐQT là ông Huỳnh Quang Tuấn thay cho ông Phạm Trung Cang. Tuy nhiên, ông Cang sau đó vẫn giữ các chức vụ là thành viên Hội đồng Tín dụng, Phó chủ tịch Hội đồng Đầu tư của ACB. Chính vì thế mà ông Cang vẫn ký tên vào văn bản với tư cách thường trực HĐQT ACB uỷ thác cho nhiều cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng, khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với ông Huỳnh Quang Tuấn, tuy không tham gia vào chủ trương uỷ thác cho nhân viên gửi tiền, nhưng biết rõ chủ trương của HĐQT. Và sau khi thay thế người tiền nhiệm, ông Tuấn đã ký vào biên bản họp HĐQT ngày 7/6/2011, trong đó có nội dung uỷ thác gửi tiền, dẫn đến việc bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt.

Với những căn cứ nêu trên, TAND TP. Hà Nội cho rằng, hành vi của các ông Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn có dấu hiệu đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng chưa được Viện kiểm sát đề cập, xử lý trong Cáo trạng…

Như vậy, cùng một sự việc (và cũng chừng ấy tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án) nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng lại có quan điểm đánh giá vụ việc trái ngược nhau. Vậy, đâu là thực chất của vấn đề?

Nếu sau khi từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT, nhưng ông Phạm Trung Cang vẫn giữ các chức vụ là thành viên Hội đồng Tín dụng, Phó chủ tịch Hội đồng Đầu tư của ACB. Và chính từ những vị trí này, ông đã ký văn bản với tư cách thường trực HĐQT ACB uỷ thác cho nhiều cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng, dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho ngân hàng, thì hành vi này có cấu thành tội phạm không? Nếu hành vi này được xem là có dấu hiệu tội phạm, thì tại sao Viện kiểm sát chỉ căn cứ vào mỗi thời điểm ông Cang có đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT để cho rằng ông Cang không phải chịu trách nhiệm về hậu quả làm thất thoát số tiền 718,9 tỷ đồng, và từ đó ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can này?

Rõ ràng, sự không thống nhất trong nhận định, đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đã cho thấy, căn cứ để loại trừ trách nhiệm hình sự đối với ông Phạm Trung Cang trong vụ án này, là chưa thực sự vững chắc. Vì vậy, việc cơ quan công tố ra quyết định đình chỉ vụ án, chấm dứt toàn bộ hoạt động tố tụng đối với bị can ngay từ giai đoạn truy tố, là quá vội vàng. Bởi lẽ, nếu xét thấy bị can (bị cáo) không phạm tội, thì trước khi vụ án được đưa ra xét xử, thậm chí ngay tại phiên toà, VKS vẫn có quyền rút quyết định truy tố theo quy định tại các Điều 181 và 195 BLTTHS, mà không nhất thiết phải đình chỉ vụ án ngay từ giai đoạn truy tố như trường hợp này.

Có thể nói, sự vội vàng của cơ quan công tố trong việc ra quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Phạm Trung Cang, chẳng những đã tự đưa mình vào thế khó khăn trong việc phục hồi điều tra đối với bị can này, mà còn ảnh hưởng đến tiến độ chung đối với quá trình tố tụng vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm – một đại án mà dư luận đặc biệt quan tâm, và theo tinh thần chỉ đạo của Ban Phòng chống tham nhũng Trung Ương là nhanh chóng hoàn tất hồ sơ để sớm đưa vụ án ra xét xử.

Luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn luật sư TP.HCM)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại