Đại ca "gác kiếm" giang hồ và ngày tàn của giới ăn chơi

Chỉ cần có nhiều tiền và được tôn vinh “nức tiếng” trong giới giang hồ, các “đại ca” không ngại dùng đến những “mưu mô”, thủ đoạn triệt hạ nhau. Để rồi “ngày tàn” đến, cái giá mà họ phải trả quá đắt, còn số “đàn em” khi biết rõ chân tướng sự việc thì đã quá muộn màng…

Thủ đoạn của các “đại ca” 

Theo “đại ca” T. Campo, những người dân lành khi nhìn thấy các băng nhóm thanh toán lẫn nhau hoặc gây rối, hay đập phá tại địa điểm kinh doanh nào đó thường cho rằng, đang gặp phải các băng nhóm “xã hội đen”. Trên thực tế, đó là những cuộc chiến tranh “ngầm” trong “giới”, do sự tranh giành địa bàn lẫn nhau để kiếm ăn. Và người “núp” sau bóng tối để điều khiển những “cuộc chiến” là các “đại ca”.

“Nếu cuộc “huyết chiến” không may “đụng” lực lượng công an vây bắt, các “đai ca” này vẫn không ảnh hưởng gì. Cho rằng, ai có mặt tại hiện trường thì chịu trách nhiệm, nếu mất “lính” này thì thu thập “lính” mới khác.

Những thanh niên lêu lổng, hư hỏng, không nghề nghiệp, có hoàn cảnh nghèo, thành phần bỏ nhà đi bụi…, luôn là tầm ngắm của các “đại ca”.  Các tay “anh chị” cho rằng, những thành phần này thuộc dạng “âm binh”, cứ gom về băng nhóm, đến lúc cần, chỉ tốn một chầu ăn nhậu là thỏa sức sai khiến”, T. Campo tiết lộ.

Đại ca “gác kiếm“ giang hồ và ngày tàn của “giới đi chơi“
Ảnh: Công Hà

T. Campo cho biết thêm, trước mặt các “đàn em”, “đại ca” luôn dùng “túi mật” (cách trong “giới” hay dùng để dụ ngọt – PV) để nói, luôn nhắc đến “luật” đạo nghĩa của “giới”. Mỗi khi đã uống rượu “nghĩa” của “đại ca” rồi là không được làm trái ý. Nếu ai thực hiện sai, bị cho là “lỗi đạo”, là quân “bất nghĩa”. Các “huynh đệ” khi gặp “đại ca” luôn cúi đầu thưa “anh hai” hoặc chào “sư phụ” một cách sùng bái. Từ đó, các “đại ca” không ngần ngại dùng “mưu mô” để tồn tại mà chỉ chính bản thân các “đại ca” mới thấu hiểu.

“Khi “đại ca” muốn nâng bản lĩnh của một “đàn em” nào lên, hay cho lên đường là chuyện không mấy khó. Cứ sau mỗi trận gây chiến về, “đại ca” luôn hết mình khen ngợi, thì những lần tiếp theo, nhân vật “âm binh” (các đàn em – PV) đó sẽ càng hăng máu hơn, lao tiếp vào cuộc chiến như một con thiêu thân mà quên đi hậu quả phải gánh lấy”, T. Campo bộc bạch.

T. Campo kể tiếp, khi “đàn em” liều mình đánh thắng nhiều trận trên địa bàn thì “đại ca” càng có thêm tiếng thơm trong “giới”. Tự động nâng “số má” lên, dễ nhận bảo kê thêm nhiều địa điểm mới. Nhưng mỗi khi “đại ca” không cần giữ “âm binh” đó ở lại, thì sẽ luôn khen có bản lĩnh rồi cho đi đối mặt liên tiếp nhiều cuộc chiến. Lúc đó, sớm muộn cũng phải bị công an còng tay vào tù. Như vậy, đã cho “lên đường “đàn em” một cách đúng “đạo nghĩa” mà không thể trách ai.

“Khi có những vụ việc gây chiến xảy ra, các “đại ca” không bao giờ xuất hiện đối mặt tranh đấu, họ luôn sợ các “âm binh” trẻ mới gia nhập của đối thủ. Nếu “đại ca” mà để lớp “lính” này chém phải, xem như bị mất số, mất tiếng nói trong “giới”. Chính vì thế, “đại ca” thường chỉ “núp” sau “bóng tối” từ xa để điều khiển các “âm binh”. Tất nhiên, các “đại ca” luôn “mưu mô” và tìm một vị trí “ẩn” an toàn nhất”, T. Compo chia sẻ.

Cũng theo T. Campo, “đại ca” và “đàn em” các băng nhóm trong “giới đi chơi” rất sợ “chèo” (Công an – PV) phát hiện khi đang ẩu đả. Khi các điểm kinh doanh, quán nhậu xảy ra đánh nhau, người dân điện thoại cầu cứu lực lượng cảnh sát 113 và công an khu vực đến giúp đỡ. Nhưng các “đại ca” này luôn nắm bắt sự sơ hở của các lực lượng chức năng. Họ luôn lưu ý và biết địa phương nào khi xảy ra ẩu đả thường công an đến chậm.... Khi phát hiện bóng dáng “chèo” đến, “đại ca” ẩn núp từ xa liền thông báo: “Rút…!”. Nên đến khi công an xuất hiện, cũng là lúc các băng nhóm đã kịp tháo chạy.

Với “mưu mô” muốn băng nhóm luôn mạnh, các “đại ca” thích săn lùng những “âm binh” kém hiểu biết, dễ dàng sai khiến. Bên đó, các cậu ấm thuộc gia đình giàu có, thích “dựa hơi” giang hồ xin gia nhập cũng không ít. Nhiều cậu ấm sau một thời gian gia nhập vào băng nhóm tự hối hận nên xin rút lui. Tuy nhiên, là dân có tiền, lúc xin vào “giới” thì dễ nhưng khi rút ra khỏi “giới” lại không đơn giản. Vì đã chấp nhận uống rượu “nghĩa” nên các “huynh đệ” sẽ thường xuyên tìm kiếm hỏi thăm “sức khỏe”! Đến khi hối hận cũng đã muộn màng…

Đại ca “gác kiếm“ giang hồ và ngày tàn của “giới đi chơi“
Đến khi hối hận cũng đã muộn màng…

Ngày tàn của “giới đi chơi”

“Mỗi khi được “giới đi chơi” phong cho hai chữ “đại ca” tức là “huynh” đó đã từng vào tù ra khám. Thời gian ở trong nhà tù, nó như một cảnh “địa ngục trần gian”, ai đã từng vào ngồi tù sẽ không quên được những ngày tháng đó. Không ít “đại ca” có “máu mặt”, xăm mình bặm trợn, trong đó có “đại ca” Q., từng làm bảo kê cho nhiều quán Bar, Vũ trường ở TP.HCM. Gặp nhau ngoài đời, hắn là một tên hét “ra lửa”, nhưng khi gặp lại trong trại, mới biết “ngày tàn” của “giới đi chơi”. Với sắc mặt tái mét, người gầy ốm, xanh xao…, đến nay vẫn chưa ra khỏi trại.

Thằng Q. hối hận vì đã một thời gây ra không biết bao nhiêu khổ đau cho những người dân lương thiện. Hắn muốn được chết cho quên đi tất cả, nhưng đâu có thể dễ dàng chết khi đang ở trong tù. Rồi hắn khuyên tôi, đến ngày mãn hạn tù (vào năm 2011- PV), khi nào ra khỏi cổng nhớ đi thẳng một hơi đừng bao giờ nhìn lui lại phía sau sẽ không may mắn”,  T. Campo kể lại.

Theo T. Campo, K. Tân Bình là tình “huynh đệ” chí cốt và tâm giao nhất trong “giới đi chơi” với anh ta, cũng làm “đại ca” của một băng nhóm, nhưng khi số “đàn em” phát hiện ra những “mưu mô” thủ đoạn của hắn, nên tất cả “đàn em” đều rời bỏ ra đi.

“Bản chất thích làm “đại ca” của nó vẫn không thay đổi, nên năm rồi (2012), khi không ai bên cạnh lại bị một băng nhóm đến đánh trả thù, trong lúc đang đánh trả thì bị “chèo” ập đến bắt tại hiện trường. Sau khi hỏi cung, loài ra thêm những vụ trước đó nên phải lãnh án 8 năm tù, mới ở được chỉ 2 năm”, T. Campo cho biết.

T. Campo bộc bạch: “Từ khi ra tù đến nay, anh em trong “giới đi chơi” cứ nghĩ những “huynh” nào từng bị “rớt” vào trại sau khi ra lại xem như là những “anh hùng” nên xếp vào hàng “đại ca”. Nhưng các “huynh đệ” đâu hiểu được rằng khi đụng chuyện đối mặt sát phạt đâm chém lẫn nhau, các “đàn em” đâu hiểu được bên trong của “đại ca” cũng có cảm giác sợ và lo lắng không thua kém. Chẳng qua, do các “âm binh” phía dưới quá tôn sùng “đại ca” rồi cùng “bơm” đẩy lên vị trí cao, để rồi, có một số “đại ca” phải cố che giấu cái sợ vào trong, sau đó phải dùng các “mưu mô” thủ đoạn để được tồn tại trong “giới”...

Thử hỏi xem, có ai nói các “đai ca” trong “giới đi chơi” không sợ pháp luật, không sợ bị công an bắt? Tất nhiên, sẽ không ai thích phải bị ngồi tù khi họ đã từng nếm qua những ngày tháng phải ăn cơm tù. Trước khi tôi chấp nhận kể lại tường tận những gì tôi biết và đã trải qua một thời làm “đại ca” trong “giới đi chơi”, cũng là lúc tôi đồng ý chấp nhận “gác kiếm” để làm lại cuộc đời”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại